Sự kiện nổi bật ngày 7.7
Hơn 993.000 thí sinh trên cả nước bước vào môn thi ngữ văn và môn toán; Khẩn trương hoàn thành tham mưu xây dựng các đề án, kế hoạch... là những sự kiện nổi bật ngày 7.7.
TRONG NƯỚC
Ngày 7.7, hơn 993.000 thí sinh trên cả nước bước vào môn thi ngữ văn và môn toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức tại các hội đồng thi, điểm thi có thể biến động bất ngờ theo tình huống của dịch bệnh. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương không lơ là, mất cảnh giác; nắm chắc diễn biến dịch, lường trước các tình huống phát sinh, bình tĩnh xử lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức thi. Trong ảnh: Niềm vui mừng của thí sinh điểm thi Trường THPT Việt Đức sau buổi thi đầu. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN
Ngày 7.7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị tuyên truyền: "Thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia" theo hình thức trực tuyến. Hội nghị có sự tham dự của 60 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành liên quan; 4.500 đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, các đồn biên phòng tại gần 250 điểm cầu gồm điểm cầu Trung ương và của 10 tỉnh có đường biên giới với Campuchia. Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Chiều 7.7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện hỏa tốc về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình, diễn biến mới của dịch bệnh. Theo đó, từ 18h ngày 7.7, tất cả những người đến Hà Nội từ TP Hồ Chí Minh và các vùng dịch bắt buộc phải khai báo y tế, cách ly tại nhà 7 ngày và phải xét nghiệm 3 lần sau đó tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo. Yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và TP Hồ Chí Minh. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp… có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Trong ảnh: Người dân trở về Hà Nội tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Ngày 7.7, tại sân bay quốc tế Nội Bài, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Tiến sĩ Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Y tế đã tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 Comirnaty của Pfizer/BioNtech gồm 97.110 liều. Đây là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021. Dự buổi tiếp nhận có Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein và đại diện Công ty TNHH Pfizer Việt Nam.Trước đó, tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12.6.2021, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. Trong ảnh: Lô vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNtech đầu tiên đã về đến Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 261,5 triệu mét, tăng 9,3% so với cùng kỳ; vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 482,5 triệu mét, tăng 8,8% so cùng kỳ… Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 9,7%. Trong ảnh (tư liệu): Sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty CP dệt may Sơn Nam, Nam Định. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Kbang là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 120.000 ha. Đặc biệt, với sự góp mặt của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang được xem là vùng trọng điểm về trữ lượng cũng như chủng loại gỗ rừng quý hiếm, khiến rừng Kbang lâu nay trở thành mục tiêu của các đối tượng “lâm tặc”. Chỉ trong vòng nửa cuối tháng 6.2021, trên địa bàn huyện Kbang đã liên tiếp xảy ra các vụ khai thác gỗ rừng trái phép nghiêm trọng. Không chỉ rừng liên tục bị xâm hại nghiêm trọng mà việc vận chuyển và hợp thức hóa gỗ rừng khai thác trái phép trên địa bàn huyện Kbang cũng diễn ra rất ngang nhiên. Trong ảnh: Những cây gỗ bị cưa hạ tại hiện trường. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN
Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước ngày 7.7, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can để điều tra về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Các đối tượng bị khởi tố gồm: Hồ Văn Thìn (33 tuổi, ngụ TP Vinh, tỉnh Nghệ An); Nguyễn Châu Toàn (39 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Hoàng Hải (31 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Các đối tượng đã chở 10 người Trung Quốc vượt biên sang Campuchia và bị lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ khi chở 5 người không được nhận ở lại quay trở về Việt Nam. Trong ảnh: Các đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: Tất Thành-TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 7.7, phát biểu kết luận cuộc giao ban quý II của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu ghi nhận những cố gắng, kết quả đạt được của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy trong quý II, nhất là những đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành tham mưu xây dựng các đề án, kế hoạch trong chương trình công tác để triển khai thực hiện. Các ban xây dựng Đảng tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, tham mưu, triển khai thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, thực sự thiết thực, hiệu quả. Trong ảnh: Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu kết luận cuộc giao ban. Ảnh: Hoàng Biên
Chiều 7.7, tại trụ sở UBND tỉnh, Công ty TNHH VSIP Hải Dương ủng hộ 1 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 của tỉnh. Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương doanh nghiệp đã đồng hành cùng Hải Dương trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Đóng góp của Công ty TNHH VSIP Hải Dương cũng như các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong thời gian qua là quý báu, góp phần quan trọng cùng Hải Dương phòng chống dịch hiệu quả. Từ ngày 27.5 đến 12 giờ ngày 7.7, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận trên 125 tỷ đồng và 10.000 USD của 345 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ, đăng ký ủng hộ mua vaccine phòng Covid-19 (chưa tính 1 tỷ đồng do Công ty TNHH VSIP Hải Dương trao tặng). Trong ảnh: Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Công ty TNHH VSIP Hải Dương. Ảnh: Tiến Huy
Chiều 7.7, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra các công trình chống úng tại trạm bơm Đò Hàn (TP Hải Dương), cống Hà Liễu và một số bến bãi trên địa bàn huyện Nam Sách. Kiểm tra công tác chống úng tại trạm bơm Đò Hàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu công nhân trạm bơm phải trực ban 24/24 giờ và 100% quân số để sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Đây là một trong những công trình trọng điểm phòng chống lụt bão và là trạm bơm tiêu lớn của tỉnh. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra công trình chống úng Đò Hàn. Ảnh: Trần Hiền
QUỐC TẾ
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 6.7 thông báo Iran có ý định làm giàu kim loại urani lên mức 20%, trong bối cảnh các vòng đàm phán tại Vienna về việc Mỹ và Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dường như rơi vào bế tắc. IAEA cho biết Iran đã thông báo kế hoạch gửi các thanh urani đã được làm giàu ở mức trên tới phòng thí nhiệm và phát triển ở nhà máy sản xuất nhiên liệu ở Esfahan, với mục đích làm nhiên liệu cho một lò phản ứng nghiên cứu. Trong ảnh: Các kỹ sư làm việc tại một nhà máy làm giàu urani của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Các thuốc điều trị viêm khớp có các hoạt chất tocilizumab và sarilumab có thể làm giảm nguy cơ tử vong và nhu cầu sử dụng máy thở ở các bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện. Đây là kết luận trong nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 6.7. Căn cứ kết quả nghiên cứu trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị sử dụng thuốc trị viêm khớp Actemra của hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và thuốc Kevzara của hãng dược Sanofi (Pháp) cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Trong đó thuốc Actemra có thành phần tocilizumab và thuốc Kevzara có thành phần sarilumab. Trong ảnh: Bệnh nhân COVID-19 tại Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Giá dầu thế giới đi xuống sau một phiên đầy biến động, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hủy họp vì các nhà sản xuất lớn không đạt được thỏa thuận tăng nguồn cung. Chốt phiên giao dịch ngày 6.7.2021, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,63 USD (tương đương 3,4%) xuống 74,53 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 10.2018 là 77,84 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,79 USD (2,4%) xuống 73,37 USD/thùng sau khi đạt mức 76,98 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 11.2014. Trong ảnh: Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/su-kien-qua-anh/su-kien-noi-bat-ngay-77-172409