Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Mỹ-Trung 'đấu khẩu' tại LHQ, Giáo hoàng Francis qua đời, Nga cấm nhập cảnh chính khách Anh

Nóng bỏng biên giới Ấn Độ-Pakistan, cựu Tổng thống Hàn Quốc đứng trước tâm bão, Australia bắt đầu bầu cử sớm... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Nóng bỏng biên giới Ấn Độ-Pakistan

Khu vực biên giới là vấn đề gây tranh cãi từ lâu trong quan hệ Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: Newweek)

Khu vực biên giới là vấn đề gây tranh cãi từ lâu trong quan hệ Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: Newweek)

Binh sĩ Ấn Độ và Pakistan giao tranh trong đêm 25/4 dọc theo Đường ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia hai nước tại vùng Kashmir tranh chấp. Vụ việc xảy ra sau vụ tấn công khủng bố khiến 26 người tử vong ở vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir của Ấn Độ hôm 22/4. New Delhi cáo buộc Islamabad có liên quan vụ việc.

Ấn Độ đã tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan, đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn, trục xuất các tùy viên quân sự Pakistan, đóng cửa cửa khẩu biên giới Attari và hủy bỏ thị thực SAARC đã cấp cho công dân Pakistan.

Đáp trả, Pakistan đóng cửa biên giới, không phận với Ấn Độ, ngừng mọi hoạt động thương mại song phương và đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành. Islamabad cũng phản đối việc New Delhi đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn và hủy bỏ thị thực đã cấp cho công dân Ấn Độ, ngoại trừ những người hành hương viếng thăm đền thờ đạo Sikh tại Pakistan.

Giáo hoàng Francis qua đời

Trước khi qua đời, Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn có lễ tang đơn giản và được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi ông thường xuyên lui tới để cầu nguyện và chiêm nghiệm. (Nguồn: Charisma Magazine)

Trước khi qua đời, Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn có lễ tang đơn giản và được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi ông thường xuyên lui tới để cầu nguyện và chiêm nghiệm. (Nguồn: Charisma Magazine)

Ngày 21/4, theo tuyên bố của Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. Đức Hồng y Kevin Farrell, Hồng y Nhiếp chính phát biểu tại Nhà thánh Marta: "Cả cuộc đời ngài là sự dâng hiến không ngừng nghỉ phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh của Người. Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị của Tin Mừng với lòng trung thành, dũng cảm và tình yêu phổ quát - đặc biệt với những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội".

Trước đó, Đức Giáo hoàng đã phải đối mặt nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có bệnh phổi mãn tính do di chứng từ chứng viêm màng phổi dẫn đến việc phải cắt bỏ một phần phổi khi ông mới 21 tuổi. Giáo hoàng Francis để lại dấu ấn nhờ sự khiêm nhường, các cải cách tiến bộ và cam kết mạnh mẽ đối với công bằng xã hội - bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và giúp đỡ những cộng đồng khó khăn.

Trước khi qua đời, Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn có lễ tang đơn giản và được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nhà thờ ông thường xuyên lui tới để cầu nguyện và chiêm nghiệm, thay vì ở Vương cung Thánh đường Thánh Peter tại Vatican. Trước Giáo hoàng Francis, Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là nơi an nghỉ của 7 Giáo hoàng gồm Honorius III, Nicholas IV, St. Pius V, Sixtus V, Paul V, Clement VIII và gần nhất là Clement IX năm 1669.

Mỹ và Trung Quốc "đấu khẩu" tại LHQ

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/4, Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau thực hiện chính sách thương mại không công bằng. (Nguồn: UN News)

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/4, Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau thực hiện chính sách thương mại không công bằng. (Nguồn: UN News)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế đối ứng 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, cùng thuế cao hơn với thép, nhôm và ô tô. Từ động thái này, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Phó Thông cho rằng, "Mỹ đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích chung của cộng đồng quốc tế".

Ông nói: "Chúng ta không thể cho phép những hành động bị điều khiển bởi bất cứ ai có một nắm đấm to hơn. Bắt nạt kẻ yếu, đe dọa và cưỡng ép, cũng như áp đặt ý chí của một người lên những người khác sẽ không giành được sự ủng hộ của công chúng và cuối cùng sẽ phản tác dụng".

Về phần mình, Mỹ bác bỏ bình luận này của Trung Quốc, cho rằng đây là "màn dàn dựng được diễn công phu", thiếu căn bản và uy tín. Phó Tham tán chính trị của phái đoàn Mỹ tại LHQ Ting Wu cáo buộc Trung Quốc sử dụng thương mại đa phương không công bằng, gây tổn hại cho các nền kinh tế thị trường trên toàn thế giới.

Bà cho rằng: "Trung Quốc nhận mình là nước đang phát triển, trong khi nước này liên tục vũ khí hóa các khoản tài trợ và các dự án phát triển nhằm bắt nạt các nước thành viên LHQ. Không còn điều đó nữa, Tổng thống Trump đang tái cài đặt môi trường thương mại để Trung Quốc không còn nắm được lợi thế".

Mỹ đánh thuế 3.403,96% với Đông Nam Á

Quyết định áp thuế là kết quả của cuộc điều tra thương mại kéo dài một năm do các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ yêu cầu. (Nguồn: MIT News)

Quyết định áp thuế là kết quả của cuộc điều tra thương mại kéo dài một năm do các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ yêu cầu. (Nguồn: MIT News)

Ngày 21/4, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp mức thuế lên tới 3.403,96% đối với pin và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á. Những mặt hàng này chủ yếu được sản xuất tại các nhà máy do Trung Quốc sở hữu. Đây là một đòn giáng mới vào hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang thắt chặt kiểm soát nhập khẩu. Các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ được áp dụng với pin năng lượng mặt trời, bao gồm cả các tấm pin từ Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Mỹ áp thuế với loại hàng hóa nào bị phát hiện hưởng lợi từ việc định giá không công bằng của các công ty nước ngoài và trợ cấp không công bằng từ chính phủ nước sở tại. Mức thuế chống trợ cấp đối với pin và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu sẽ khác nhau tùy theo nước xuất xứ, lên tới 3.403,96% đối với Campuchia, 799,55% với Thái Lan, 542,64% với Việt Nam và 168,80% với Malaysia.

Quyết định áp thuế là kết quả của cuộc điều tra thương mại kéo dài một năm do các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ yêu cầu, với cáo buộc các công ty Trung Quốc sản xuất tại Đông Nam Á đang bán phá giá và nhận trợ cấp không công bằng từ chính phủ.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc đứng trước tâm bão

Ngày 24/4, các công tố viên Hàn Quốc cho biết đã truy tố cựu Tổng thống Moon Jae In về tội nhận hối lộ liên quan việc ông tạo điều kiện cho con rể cũ làm việc tại một hãng hàng không. (Nguồn: Time)

Ngày 24/4, các công tố viên Hàn Quốc cho biết đã truy tố cựu Tổng thống Moon Jae In về tội nhận hối lộ liên quan việc ông tạo điều kiện cho con rể cũ làm việc tại một hãng hàng không. (Nguồn: Time)

Ông Moon Jae In, giữ chức Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2017-2022, bị truy tố về tội tham nhũng, trong khi cựu nghị sĩ Lee Sang-jik, người thành lập hãng hàng không giá rẻ Thai Eastar Jet, bị truy tố về tội hối lộ và vi phạm lòng tin. Theo cáo trạng, ông Moon Jae In và con gái Moon Da-hye bị cáo buộc nhận hối lộ dưới hình thức lương và các khoản chi trả khác thông qua việc bổ nhiệm người con rể khi đó - họ Seo - vào vị trí tại hãng hàng không Thai Eastar Jet, có trụ sở tại Thái Lan.

Năm 2018, ông Seo được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của hãng này, ngay sau khi người sáng lập công ty là cựu nghị sĩ Lee Sang Jik được đề cử làm người đứng đầu Cơ quan Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc. Các công tố viên nghi ngờ việc bổ nhiệm ông Lee là một thỏa thuận đổi chác cho việc tuyển dụng ông Seo vào hãng hàng không, đặc biệt khi xét đến việc ông Seo không có kinh nghiệm trong ngành hàng không tại thời điểm được bổ nhiệm.

Cựu Tổng thống Moon Jae In bị cáo buộc đã ngừng hỗ trợ tài chính cho gia đình con gái mình sau khi ông Seo được tuyển dụng và các công tố viên coi số tiền lương và các khoản bồi thường khác khoảng 223 triệu Won (151.959 USD Mỹ) mà hãng hàng không trả cho ông Seo và bà Da-hye là tiền hối lộ cho cựu Tổng thống.

Triều Tiên hạ thủy tàu chiến có "vũ khí mạnh nhất"

Triều Tiên hạ thủy tàu chiến tượng trưng cho "sự thay đổi vị thế hải quân" quốc gia. (Nguồn: KCNA)

Triều Tiên hạ thủy tàu chiến tượng trưng cho "sự thay đổi vị thế hải quân" quốc gia. (Nguồn: KCNA)

Ngày 26/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tham dự lễ hạ thủy một "tàu khu trục đa năng mới" có tên Choe Hyon. Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Jo Chun-ryong cho hay, tàu khu trục mới nặng 5.000 tấn, được trang bị vũ khí mạnh nhất và chế tạo chỉ trong 400 ngày "bằng sức mạnh và công nghệ riêng, tạo nên bước tiến quyết định trong hành trình tăng cường sức mạnh hải quân".

Chủ tịch Kim Jong Un cho biết, tàu chiến này "tượng trưng cho sự thay đổi vị thế của hải quân" quốc gia Đông Bắc Á, sẽ được bàn giao cho hải quân và đưa vào hoạt động đầu năm 2026.

Chủ tịch Triều Tiên nhấn mạnh, sự kiện hạ thủy tàu chiến Cheo Hyon là bước đột phá trong quá trình xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, góp phần tăng cường năng lực răn đe chiến tranh hạt nhân của quốc gia.

Ông Kim Jong Un tuyên bố sẽ tiếp tục đóng thêm nhiều tàu chiến hiện đại trong thời gian tới, hướng tới xây dựng lực lượng hải quân đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo trước bối cảnh an ninh khu vực ngày càng phức tạp do động thái quân sự của Mỹ và đồng minh.

Australia bắt đầu bầu cử sớm

Từ 8h30 ngày 22/4, Australia bắt đầu cuộc bầu cử sớm, trong bối cảnh Công đảng theo đường lối trung tả của Thủ tướng Anthony Albanese dẫn trước sít sao so với liên minh bảo thủ đối lập. (Nguồn: Sky News Australia)

Từ 8h30 ngày 22/4, Australia bắt đầu cuộc bầu cử sớm, trong bối cảnh Công đảng theo đường lối trung tả của Thủ tướng Anthony Albanese dẫn trước sít sao so với liên minh bảo thủ đối lập. (Nguồn: Sky News Australia)

Ủy ban bầu cử Australia (AEC) dự đoán khoảng 1/3 số cử tri sẽ bỏ phiếu sớm, trong khi Đại học quốc gia Australia cho rằng, con số này có thể lên tới 50%. Việc bắt đầu bỏ phiếu trùng với thời điểm mức độ ủng hộ dành cho lãnh đạo đảng Tự do đối lập Peter Dutton giảm sút.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Albanese đã tăng vọt từ mức kém 6 điểm so với liên minh bảo thủ của ông Dutton từ hồi tháng 1/2025 lên mức dẫn trước tới 9 điểm vào đầu tháng này.

Trong cuộc bầu cử lần này, các cử tri Australia nhận được rất nhiều cam kết từ các chính đảng như Công đảng, Liên đảng và đảng xanh về những vấn đề như nâng cao chất lượng y tế, giảm giá thuốc; tăng nguồn cung nhà ở, giúp người dân dễ dàng mua nhà hơn; giảm chi phí sinh hoạt; bảo vệ người lao động; tăng chi tiêu quốc phòng; giảm số lượng người nhập cư.

Nga cấm nhập cảnh chính khách Anh

Ngày 23/4, Nga đã cấm 21 nghị sĩ Anh nhập cảnh vào nước này, viện dẫn lập trường “đối đầu” của Vương quốc Anh đối với Moscow. (Nguồn: TASS)

Ngày 23/4, Nga đã cấm 21 nghị sĩ Anh nhập cảnh vào nước này, viện dẫn lập trường “đối đầu” của Vương quốc Anh đối với Moscow. (Nguồn: TASS)

Danh sách bao gồm 6 thành viên của Thượng viện và 15 thành viên Quốc hội từ nhiều đảng khác nhau tại Vương quốc Anh, bao gồm Công đảng cầm quyền, Đảng Dân chủ tự do trung dung, Đảng Dân tộc Scotland và Đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland. Theo Bộ Ngoại giao Nga, các nghị sĩ bị nhắm mục tiêu đã đưa ra “những tuyên bố thù địch và cáo buộc vô căn cứ” chống lại Moscow.

Nga đưa ra động thái này sau khi London tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine ngày 23/4, với sự tham dự của các quan chức Mỹ và châu Âu, cũng như các đại diện cấp cao Ukraine, bao gồm Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Bộ trưởng Ngoại giao Andriy Sybiha và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.

Kể từ khi nổ ra căng thẳng Ukraine vào tháng 2/2022, London luôn là một trong những đồng minh kiên định nhất của Kiev. Anh đã đóng băng hơn 25 tỷ Bảng tài sản của Nga và trừng phạt hơn 2.000 cá nhân và tổ chức liên quan Điện Kremlin.

Apple 'chọn mặt gửi vàng' với Ấn Độ

Đối với iPhone, chi phí sản xuất tại Ấn Độ cao hơn ở Trung Quốc từ 5-8%. (Nguồn: Bloomberg)

Đối với iPhone, chi phí sản xuất tại Ấn Độ cao hơn ở Trung Quốc từ 5-8%. (Nguồn: Bloomberg)

Theo Financial Times ngày 25/4, Apple có mục tiêu chuyển dây chuyền sản xuất hầu hết iPhone bán ở Mỹ sang các nhà máy Ấn Độ vào cuối năm 2026, nhằm ứng phó mức thuế quan có thể tăng cao hơn ở Trung Quốc - cơ sở sản xuất chính của tập đoàn này. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang có cuộc đàm phán khẩn cấp với nhà sản xuất theo hợp đồng Foxconn và Tata.

Apple bán hơn 60 triệu chiếc iPhone tại Mỹ mỗi năm, trong đó khoảng 80% được sản xuất tại Trung Quốc. Những năm gần đây, Thủ tướng Narendra Modi đã quảng bá Ấn Độ là trung tâm sản xuất điện thoại thông minh, nhưng mức thuế nhập khẩu linh kiện điện thoại di động cao hơn so với nhiều quốc gia khác có nghĩa là chi phí sản xuất tại Ấn Độ vẫn còn cao đối với các công ty.

Đối với iPhone, chi phí sản xuất tại Ấn Độ cao hơn ở Trung Quốc từ 5-8%, trong một số trường hợp, mức chênh lệch có thể lên tới 10%. Apple đã tăng cường sản xuất tại Ấn Độ để tránh thuế quan của Tổng thống Donald Trump, vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone trị giá 2 tỷ USD đến Mỹ vào tháng 3.

Nguyễn Phượng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-kien-quoc-te-no-i-bat-tuan-qua-my-trung-dau-kha-u-tai-lhq-giao-hoang-francis-qua-doi-nga-cam-nhap-canh-chinh-khach-anh-312485.html