Sự kiện thành lập chi bộ Chí Kiên năm 1943 từ góc nhìn khoa học và hiện đại
Cách đây 79 năm, dưới chân thác nước tại khu ruộng Coỏng Tát, thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân, châu Ngân Sơn, chi bộ Chí Kiên được thành lập, do đồng chí Nghĩa (tức đồng chí Dương Mạc Hiếu) là đảng viên, cán bộ Nam Tiến phụ trách tổng Bằng Đức làm Bí thư chi bộ.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám tháng 5/1941 quyết định chọn Việt Bắc làm căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang. Do đó, vấn đề liên lạc giữa các trung tâm cách mạng Việt Bắc với nhau và với Trung ương ở miền xuôi ngày càng cấp thiết. Bên cạnh hình thức giao thông bí mật có từ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Chỉ thị “Xây dựng những con đường quần chúng” - những cơ sở cách mạng mới nối liền các trung tâm cách mạng với nhau.
Thực hiện chỉ thị đó và theo quyết định của Ban Việt Minh Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, công tác mở đường Nam Tiến được khẩn trương chuẩn bị. Tháng 9/1942, tại tỉnh Cao Bằng, Ban xung phong Nam Tiến mà hạt nhân là chi bộ Nam Tiến được thành lập. Ban chỉ đạo gồm các đồng chí Lê Thiết Hùng, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Dương Văn Long do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Chi bộ Nam Tiến do đồng chí Nông Văn Quang làm Bí thư, có nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức phong trào Nam tiến từ Nguyên Bình (Cao Bằng) xuống Bắc Kạn. Đây là nhân tố rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng Đảng và phát triển phong trào Việt Minh ở Bắc Kạn.
Tháng 4/1943, bộ phận đầu tiên của đoàn quân Nam Tiến đã đến châu Ngân Sơn và từ đây chia làm hai mũi tiến quân theo hai hướng chính: Mũi thứ nhất do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách xuất phát từ xã Thượng Ân đi qua xã Cốc Đán sang xã Hà Hiệu (châu Chợ Rã), rồi từ Hà Hiệu vượt qua Phja Bjoóc tiến về xã Nghĩa Tá (châu Chợ Đồn). Mũi thứ hai do đồng chí Dương Văn Long phụ trách, xuất phát từ xã Thượng Ân, đi qua các xã Bằng Đức, Đức Vân, Vân Tùng, Thượng Quan, Thuần Mang xuống châu Bạch Thông.
Đoàn quân Nam Tiến đi đến đâu xây dựng cơ sở Việt Minh và lực lượng bán võ trang của quần chúng đến đấy; phương châm hoạt động là “phát triển theo lối cóc nhảy và củng cố theo vết dầu loang”. Được sự giúp đỡ trực tiếp và mạnh mẽ của đoàn quân Nam Tiến, phong trào Việt Minh ở châu Ngân Sơn có đà phát triển mới; chỉ trong một thời gian ngắn, ở hầu khắp Ngân Sơn đã xây dựng được các cơ sở cách mạng. Quần chúng nhân dân ở nhiều xã vùng cao của châu Ngân Sơn được tổ chức vào hội Việt minh. Ban Việt Minh cấp xã, cấp tổng được thành lập.
Dưới sự chỉ đạo, tổ chức của các đội Nam Tiến, hàng chục cuộc mít tinh đã được tổ chức ở Thượng Ân, Cốc Đán, Đức Vân, Vân Tùng... Trong đó, đáng chú ý hơn cả là hai cuộc mít tinh ở Diều Phon và Khưa Vài (xã Thượng Ân), nhất là cuộc mít tinh ở Diều Phon mừng thắng lợi “Đại hội Liên hoan các dân tộc Cao - Bắc - Lạng” đã tập hợp hầu hết các hội Việt Minh trong toàn châu Ngân Sơn. Đến thời điểm này, các điều kiện để thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở châu Ngân Sơn đã hội đủ.
Đêm 22/9/1943, dưới chân thác nước tại khu ruộng Coỏng Tát, thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân, châu Ngân Sơn, với sự có mặt của đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp), chi bộ Nam Tiến tổ chức kết nạp những hội viên trung kiên vào Đảng gồm đồng chí Thành Tâm (tức đồng chí Đồng Văn Bằng) và đồng chí Đông Sơn (tức đồng chí Doanh Hằng) và tuyên bố thành lập chi bộ Chí Kiên do đồng chí Nghĩa (tức đồng chí Dương Mạc Hiếu) là đảng viên, cán bộ Nam Tiến phụ trách tổng Bằng Đức làm Bí thư chi bộ.
Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/1943 các đội xung phong Nam Tiến đến tỉnh Bắc Kạn đã tỏa đi nhiều địa phương như: Châu Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Rã, Chợ Đồn và tuyên truyền, vận động, huấn luyện, kết nạp được một số đảng viên, tuy nhiên chỉ có châu Ngân Sơn thành lập được chi bộ Đảng. Điều này cho thấy, vào thời điểm đó Ngân Sơn là địa phương duy nhất hội tụ đủ điều kiện để thành lập chi bộ Đảng và Ban Xung phong Nam Tiến đại diện là đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nắm bắt kịp thời, chính xác để tạo tiền đề thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn phát triển một cách nhanh chóng và rộng khắp.
Việc thành lập Chi bộ Chí Kiên là sự kiện lịch sử quan trọng thể hiện sự đúng đắn của đường lối cách mạng, đường lối giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của Đảng; sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ cách mạng tiền bối. Sự kiện thành lập chi bộ Chí Kiên là thắng lợi lớn đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn, đội ngũ cán bộ trung kiên của tỉnh Bắc Kạn đã được giác ngộ, tiếp thu đường lối của cách mạng. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh.
Trải qua 79 năm, từ chi bộ Chí Kiên chỉ có 03 đảng viên, đến nay, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn có 11 đảng bộ trực thuộc, 449 tổ chức cơ sở đảng (174 đảng bộ cơ sở, 275 chi bộ cơ sở), 2.006 tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở với trên 36.000 đảng viên. Qua kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng năm 2021, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 96,2%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 96%.
Đảng bộ tỉnh trải qua 12 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể qua từng thời kỳ. Có được kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp, sự đoàn kết thống nhất của các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở và của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn tỉnh, Đảng bộ tỉnh thời gian tới, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng như sau:
Một là, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tập trung kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ quân sự, công an xã, phường, thị trấn; phát triển tổ chức đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đông đồng bào tham gia sinh hoạt tôn giáo… Đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy ở cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới, đẩy mạnh công tác đào tạo lý luận chính trị, cho đội ngũ bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở. Thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng, công tác quần chúng. Quan tâm công tác quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng cán bộ cơ sở, đưa cán bộ cấp trên, cán bộ trẻ về làm việc tại xã, phường, thị trấn.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng; đổi mới và nâng cao chất lượng quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết. Chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh; đề cao trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; chỉ đạo, nâng cao hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, coi trọng việc tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cơ sở về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật theo quy định.
Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ phát huy vai trò đại diện, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực động viên Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, giám sát việc nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh./.