Sự kiện và bình luận: Xây dựng chính quyền gần dân và hành động vì dân
Từ ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh và xã chính thức được triển khai, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong bộ máy hành chính nhà nước. Không chỉ tinh gọn, hiệu quả hơn, mô hình này tiếp tục khẳng định tinh thần 'Nhà nước của dân, do dân và vì dân' trong thực tiễn.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Với cơ chế tập trung, phân rõ thẩm quyền giữa cấp tỉnh và cấp xã, các nhiệm vụ, trách nhiệm được phân cấp rõ ràng, giúp tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chính quyền cơ sở trở thành nơi trực tiếp giải quyết các nhu cầu thiết thực của người dân, với đội ngũ cán bộ được sàng lọc, đào tạo bài bản, am hiểu nghiệp vụ và gần gũi với người dân.
Điểm nổi bật trong lần triển khai này là việc đưa vào hoạt động trung tâm phục vụ hành chính công tại các phường, xã. Tại Đồng Nai có 95 trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã/3.321 trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã của toàn quốc được đầu tư khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đến liên hệ công việc; làm các thủ tục hành chính nhanh chóng, minh bạch hơn bao giờ hết.
Kiểm tra hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp tại một số tỉnh, thành trong cả nước vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, bộ máy chính quyền cấp xã phải phát huy hiệu quả mô hình mới, các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền để chính quyền thực sự gần dân, sát với dân, phục vụ và giải quyết nhanh nhất, tốt nhất các vấn đề từ thực tiễn đời sống nhân dân đặt ra; phải tập trung xây dựng bộ máy và con người bảo đảm phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển, giải quyết nhu cầu của người dân, nhất là các nhu cầu thiết yếu như: y tế, giáo dục trên tinh thần bám sát cơ sở, nắm chắc dân cư, quan tâm sát sao tới từng con người, từng số phận, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Để đạt được điều đó, đội ngũ cán bộ làm việc tại các xã, phường đã được lựa chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản, không chỉ vững chuyên môn nghiệp vụ, mà còn có tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức công vụ, sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ được giao, đem lại sự hài lòng cho người dân ngay từ cấp cơ sở.
Có thể nói, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy hành chính, đã làm cách mạng thì không thể tránh khỏi khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, cơ sở vật chất và thể chế, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng mô hình chính quyền 2 cấp sẽ phát huy hiệu quả, trở thành đòn bẩy thúc đẩy chính quyền gần dân, hiểu dân và hành động vì dân; góp phần xây dựng một Nhà nước kiến tạo, hiệu quả, vì hạnh phúc của nhân dân mà phục vụ.