Sự kỳ bí đáng sợ của mộng du và góc nhìn từ y học
Mộng du là thuật ngữ y khoa nói về căn bệnh vừa ngủ vừa đi, hay trạng thái miên hành, người bệnh tự nhiên thức dậy và đi lại trong tình trạng đang ngủ...
Mộng du - những điều bí ẩn
Theo trang tin Businessinsider của Mỹ, có khoảng 1 - 5% số người trưởng thành ở quốc gia này mắc chứng mộng du, trẻ em cũng mắc bệnh. Lý do, trẻ có giác ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) ít hơn so với người lớn, nhất là nhóm 3 - 7 tuổi, thường rơi vào nhóm trẻ có tật đái dầm.
Có giả thiết cho rằng “hồn rời khỏi xác” khi đang ngủ nên mộng du được xem là hành động nguy hiểm, khiến người trong cuộc trở nên vô hồn. Trên thực tế, đánh thức người mộng du không gây hại cho họ, cho dù khó khăn để khiến họ tỉnh giấc và quay trở lại giấc ngủ bình thường.
Một số người mộng du khi thức dậy thường rất bối rối hay sợ hãi. Đàn ông trở nên hung dữ hơn nếu tỉnh giấc trong lúc bị mộng du.
Khi mộng du, các bộ phận não tạo ra các hành vi phức tạp vẫn làm việc. Trong khi đó, các phần não lưu trữ ký ức và ra các quyết định lại ngủ, khiến họ không nhớ nổi mình đã làm gì và thường có những hành động đã từng diễn ra trước đó.
Theo thống kê, gần 80% số người mộng du có người nhà mắc bệnh, nói chính xác hơn, mộng du là chứng rối loạn giấc ngủ mang tính di truyền và có liên quan mật thiết đến nhóm bệnh thần kinh khác như: trầm cảm, Parkinson và các cơ chế của giấc ngủ REM.
Những ca mộng du giống như phim viễn tưởng
Theo tờ Daily Mail, vào khoảng 2 giờ sáng ngày thứ bảy 25/7/2005, một người đi qua đường ở Battersea, phía Đông Nam thủ đô London, Anh, không tin vào mắt mình nữa sau khi nhìn thấy một người đang nằm cuộn tròn trên đầu tận của một chiếc dầm cầu trục cao chót vớt 40m (tương đương tòa nhà 13 tầng). Ngay lập tức, lính cứu hỏa được gọi đến và phát hiện thấy đó là cô gái 15 tuổi đang vô tư ngủ say trên chiếc giường ở trên không này.
Nhờ thiết bị chuyên dụng, đội cứu hỏa đã tiếp cận được với đương sự. Sợ bị đánh thức đột ngột nguy hiểm đến tính mạng nên người ta đã áp dụng phương án tiếp cận an toàn nhất. Sau khi dây bảo hiểm được neo chặt, người ta đã gọi điện về gia đình nhờ cha mẹ gọi điện để đánh thức cô bé dậy. Tỉnh dậy và bằng thang thủy lực nhân viên cứu hỏa đã đưa cô gái xuống đất an toàn.
Một trường hợp khác, hồi năm 2009, nữ sinh 18 tuổi người Anh tên là Rachel Ward đã nhảy từ tầng hai xuống đất khi bị mộng du. Chuyện diễn ra vào lúc nửa đêm, Rachel Ward bỗng dưng tỉnh dậy, trèo lên cửa sổ tầng hai và vô tư “đi xuống” đất, rơi xuống thảm cỏ bên cạnh chiếc xe hơi. Rất may, chân tiếp đất trước rồi mới ngã, sau đó hét lên kêu cứu, làm bố cô tỉnh dậy và đưa cô vào bệnh viện. Bác sĩ ngạc nhiên khi phát hiện thấy Rachel Ward bị rơi từ trên cao xuống mà không hề hấn gì, không gãy chân, gãy tay, ngủ tiếp giấc nữa, hôm sau tỉnh dậy và “xuất viện”, thậm chí còn không nhớ đêm qua mình làm gì.
Theo y văn, Robert Ledru là một trong những thám tử xuất sắc nhất nước Pháp trong thế kỷ thứ 19. Khi đang điều tra một vụ án giết người liên quan đến nạn nhân Andre Monet ở Paris, bị bắn chết trên một bãi biển ở Le Havre. Những bằng chứng duy nhất tại hiện trường bao gồm viên đạn và những dấu chân của kẻ giết người. Ledru kiểm tra dấu chân và nhận ra một sự thật choáng váng. Đó là bàn chân phải của thủ phạm mất ngón cái và chân của chính ông cũng mất ngón này.
Và một sự kiện khác, ngày diễn ra vụ án, Robert Ledru thấy tất của ông đã bị ướt khi thức dậy. Chưa hết, ông thường có thói quen dùng loại đạn như viên đạn tìm thấy tại hiện trường. Ledru nhận ra rằng chính ông là người đã giết Monet khi mộng du. Chuyện kết thúc, nhưng cảnh sát Pháp lại không chấp nhận ngay lời thú tội của Ledru và quyết định tiến hành một thí nghiệm. Họ nhốt ông vào phòng giam biệt lập để quan sát qua đêm.
Tối đầu tiên, Ledru mộng du, sau đó, cảnh sát để thêm một khẩu súng vào phòng. Đêm tiếp theo, ông đã bắn cảnh sát khi đang ngủ. Nhóm điều tra đã đi đến kết luận, Ledru không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình song ông vẫn là mối đe dọa. Vì vậy, họ đưa Ledru tới một trang trại ở vùng nông thôn, nơi có lính canh, và y tá giống như trại tâm thần. Về bản thân mình, Ledru tự nhận ông mắc chứng mộng du sau khi mắc phải chứng bệnh giang mai khi còn trẻ.
Mộng du nhìn từ góc độ y học
Lý giải về hiện tượng trên, tiến sĩ Irshaad Ebrahim, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ của Anh (LSC) cho rằng, có tới 10% nhóm thanh thiếu niên mắc phải chứng bệnh này ở mức độ khác nhau và không liên quan đến giấc mơ hay còn gọi là mộng du trong trạng thái ngủ không mơ. Rất nhiều trường hợp mộng du người trong cuộc đã làm những điều kỳ quặc như lái xe, vẽ tranh, nấu ăn, thậm chí cả làm tình với người lạ hay giết người... nhưng khi tỉnh dậy họ lại không nhớ những gì đã xảy ra.
Nhà sinh học nổi tiếng người Nga I. Metanikop ví mộng du là một trạng thái đặc biệt, trạng thái hoàng hôn, trong đó, người trong cuộc đã hành động một cách vô ý thức nên không biết mối nguy hiểm rập rình.
Theo các nghiên cứu, có tới gần 30% số người trưởng thành từng mộng du trong cuộc đời với những mức độ khác nhau. Không còn ghi ngờ, mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ rất nổi bật, bên cạnh những rối loạn thường gặp khác như: ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, ngáy ngủ... Thậm chí, mộng du còn gây nguy hiểm cho chính bản thân người trong cuộc lẫn những người xung quanh, như: lái xe trong đêm gây cán chết người. Khi ngủ, não của con người rơi vào nhiều chu kỳ khác nhau, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng một giờ rưỡi.
Mộng du thường rơi vào cuối giai đoạn giấc ngủ NREM (Non Rapid Eye Movement) hay không cử động mắt nhanh, trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Sóng delta trong não hoạt động mạnh nhất trong giai đoạn này. Sóng Delta là sóng chậm nhất nhưng có biên độ lớn nhất, góp phần duy trì mức độ độ nồng của giấc ngủ nhưng vẫn giữ được khả năng hoạt động thể chất.
Tại sao não bộ của một số người lại có quá trình chuyển đổi tần số sóng delta cao thành mộng du, và không chỉ đơn giản là tiếp tục ngủ, mà họ lại có các hoạt động thể chất rất bí ẩn? Các nhà khoa học suy đoán, hành vi mộng du có thể bắt nguồn từ sự trưởng thành không đầy đủ thời thơ ấu. Chuyên gia thần kinh học Antonio Oliviero, ở Bệnh viện Quốc gia Paraplegics, Toledo, Tây Ban Nha, đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về mộng du, phát hiện thấy lỗi của hệ thống phối dây liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh GABA (acid gamma-aminobutyric) là thủ phạm chính gây ra chứng mộng du.
Khi công bố nghiên cứu trên tạp chí Scientific American, Antonio Oliviero cho biết: “Ở trẻ em, các nơron thần kinh làm việc, bài tiết GABA đang giai đoạn phát triển nên chưa tạo ra được một hệ thống đầy đủ để kiểm soát các hoạt động. Do GABA ngăn chặn các tín hiệu điều khiển động cơ của não, nên việc thiếu GABA có thể làm cho trẻ ngủ kèm theo mộng du, mộng du có thể kéo dài đến giai đoạn trưởng thành”. Chính vì vậy, nếu có bố hoặc mẹ bị mộng du, con cái sẽ mắc mộng du cao tới 45%, nếu cả cha mẹ cùng bị mộng du thì tỉ lệ này tăng vọt tới 60%. Người bị trầm cảm có khả năng bị mộng du cao gấp ba lần, nhóm bị đau nửa đầu, người mắc hội chứng Tourette syndromewho (rối loạn thuộc hệ thần kinh thường khởi phát) có khả năng bị mộng du cao tới 4 - 6 lần so với nhóm người không mắc các chứng bệnh này.
Chứng mộng du chứa đựng rất nhiều bí ẩn nên đến nay con người chưa hiểu hết, vì vậy hiệu quả điều trị còn hạn chế. Chưa có thuốc đặc trị, giải pháp hiện tại là dùng các loại thuốc như benzodiazepin, thuốc thần kinh, làm chậm quá trình xử lý của cơ thể thông qua tăng cường GABA. Ngoài ra, còn có nhiều cách để ngăn chặn mộng du, như duy trì lối sống tích cực, năng vận động, tránh dùng các chất kích thích như cà phê và rượu trước khi ngủ, không ăn quá gần giờ đi ngủ, mỗi ngày nên duy trì giấc ngủ tốt cả về thời lượng và chất lượng, kể cả giấc ngủ trưa.