'Sự kỳ thị' - gánh nặng ngàn cân trên vai nhân viên y tế
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bủa vây, không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, nhân viên y tế đang phải gánh trên vai nhiều áp lực. Nó đến từ số lượng lớn người bệnh nhập viện, bên cạnh đó, họ - những người đang ở tuyến đầu của cuộc chiến đấu với dịch bệnh - còn chịu một áp lực khác không hề nhỏ - đó là sự kỳ thị của cộng đồng.
Bị đe dọa tinh thần, tấn công thể xác, bơ vơ giữa đường... vì là nhân viên y tế
Đại dịch COVID-19 khiến thế giới bị bao phủ bởi những nỗi lo lắng, sợ hãi, nhưng còn một nỗi ám ảnh kinh hoàng và khủng khiếp hơn rất nhiều lần mà các nhân viên y tế - những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chiến đấu với đại dịch - đó là sự kỳ thị. Y tá, bác sĩ đang phải làm việc với 100-200% sức lực của mình, trong tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị, nhân lực nhưng họ đều không từ bỏ, vẫn vững vàng bước vào cuộc chiến, mạo hiểm tính mạng của mình để giành giật sự sống cho những người khác. Trong khi đó, ở một số nước những “người hùng” chống dịch lại bị coi như một thứ “bệnh dịch”, bị xua đuổi, tấn công.
Mới đây, Philippines rúng động bởi một vụ tấn công nhân viên y tế liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Anh Estabillo là nhân viên Bệnh viện St Louis ở Sultan Kudarat, đã bị 5 kẻ lạ mặt tấn công, đổ chất tẩy lên người chỉ vì anh làm việc trong BV có người mắc bệnh COVID -19.
Ở Ấn Độ, quốc gia đang bị phong tỏa, nhiều người đã tẩy chay, kỳ thị nhân viên y tế. Họ cho rằng, bác sĩ dễ bị lây bệnh từ bệnh nhân COVID-19 và làm lây lan bệnh tật, nhiều người đuổi các nhân viên y tế khỏi chỗ trọ, thậm chí đe dọa tinh thần, tấn công thể xác. Hiệp hội các bác sĩ của Viện Khoa học y tế New Dehli, Ấn Độ - tổ chức đại diện cho 2.500 bác sĩ - đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ Amit Shah. Trong thư đã mô tả, nhiều bác sĩ hiện đang bơ vơ ở ngoài đường với đống hành lý mà không có nơi nào để đi. Thành phố lớn thứ 2 ở Myanmar là Mandalay cũng xác nhận có 10 trường hợp nhân viên y tế bị đuổi khỏi chỗ trọ. Một số nhân viên y tế cho biết, họ bị từ chối khi đặt taxi hay dịch vụ giặt là...
“Chúng ta không bao giờ có thể đền đáp đủ ơn huệ này”
Trước nạn kỳ thị, tấn công nhân viên y tế ở Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Modi cho hay: “Họ - những nhân viên y tế đang làm việc ngày đêm để cứu người và chúng ta không bao giờ có thể đền đáp đủ ơn huệ này, bởi ở thời khủng hoảng hiện tại, các y bác sĩ là hiện thân của đấng cứu thế trong chiếc áo blouse trắng”.
Thủ tướng Modi cũng cho biết, các cơ quan thực thi pháp luật của nước này sẽ đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ nhân viên y tế.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ Harsh Vardhan viết trên Twitter rằng ông “vô cùng đau khổ” khi đọc những báo cáo về tình trạng một số bác sĩ bị tẩy chay trong các khu dân cư. Ông khẳng định “các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện để bảo đảm y bác sĩ có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 không bị lây bệnh ở bất cứ hình thức nào”. Chính quyền New Delhi cho biết, sẽ phạt hình sự những đối tượng đuổi bác sĩ ra khỏi nhà.
Tại một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Pháp - nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 - nhân viên y tế nhận được những lời cổ vũ, động viên bằng các tràng pháo tay của người dân, nhu yếu phẩm thiết yếu đang được gửi tới các bệnh viện, thậm chí chỉ cần có thẻ nhân viên y tế cũng sẽ nhận được đồ miễn phí tại một số cửa hàng ở Mỹ. Ở Bồ Đào Nha, Trung Quốc có những doanh nghiệp sẵn sàng cho mượn khách sạn làm nơi ở miễn phí cho nhân viên y tế, để họ tự cách ly tránh lây nhiễm bệnh cho gia đình, cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có chiến dịch kêu gọi hỗ trợ, bảo vệ cho các y bác sĩ, và cho rằng, sự an toàn, sức khỏe của nhân viên y tế là cực kỳ quan trọng trong hệ thống y tế.
Nguyễn Anh
((Theo Reuters, CNN))