Sự leo thang của tội phạm tạt acid: Cần mức xử phạt mạnh mẽ, quyết liệt hơn
Bản thân acid không gây tội ác, mà người sử dụng đã biến loại hóa chất này thành tội ác. Vụ án mới đây tại Bình Dương, khi nữ nạn nhân bị tạt acid đã tử vong ngay sau đó, cho thấy mức độ leo thang của tội phạm máu lạnh này.
Hình minh họa
Nhiều nạn nhân là nữ giới
Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Việt Nam, hiện các vụ tấn công bằng acid được báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới.
Thống kê từ Acid Survivors Trust International (ASTI), một tổ chức có trụ sở tại London (Anh), cho thấy, 80% nạn nhân của các vụ tấn công bằng acid trên thế giới là phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động, các quốc gia thường liên quan đến tấn công bằng acid bao gồm: Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Campuchia, Việt Nam, Lào, Vương quốc Anh, Kenya, Nam Phi, Uganda, Pakistan, và Afghanistan.
"Rất khó để xác định chính xác tỷ lệ giới tính của nạn nhân và thủ phạm vì nhiều vụ tấn công bằng acid không được chính quyền báo cáo hoặc ghi lại. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2010 trên tạp chí The Lancet mô tả rằng "không có số liệu thống kê đáng tin cậy" về mức độ phổ biến của các vụ tấn công bằng acid ở Pakistan", tiến sĩ Khuất Thu Hồng đưa ý kiến.
Hình thức tấn công đê hèn
Là đối tượng yếu thế và luôn ý thức bảo vệ nhan sắc, phụ nữ dễ bị tấn công, giải quyết mâu thuẫn bằng việc tạt acid. Mức độ đê hèn, tội danh của kẻ thủ ác được các chuyên gia, luật sư bàn luận và đưa ra nhiều kiến nghị.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, tại Bangladesh, tạt acid bị coi là "tội phạm trên cơ sở giới", vì nạn nhân nữ thường bị nam giới tấn công vì lý do từ chối kết hôn hoặc từ chối những lời tán tỉnh về tình dục. Ở Jamaica, phụ nữ tạt acid vào phụ nữ khác để tranh giành bạn tình nam là một nguyên nhân phổ biến.
"Ở Ấn Độ, một nạn nhân nữ đã bị tấn công bằng dao hai lần nhưng không có cáo buộc hình sự nào đối với nghi phạm và chỉ được cảnh sát hỗ trợ sau khi nhập viện do bị tấn công bằng acid. Vụ việc này đã đặt ra câu hỏi về sự thờ ơ của cảnh sát trong việc giải quyết các trường hợp quấy rối", tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng chia sẻ: "Nạn bạo lực dã man này hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm dần hay ngừng lại, gần đây tại Bình Dương, vụ việc người phụ nữ bị tạt acid dẫn đến tử vong vô cùng đau xót. Xã hội cần sự lên án mạnh mẽ hơn nữa của truyền thông".
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng Sự, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, phụ nữ và trẻ em là đối tượng yếu thế, có khả năng tự vệ kém và dễ bị tấn công hơn.
Tội phạm cũng hiểu rằng, nhan sắc luôn được người phụ nữ nâng niu, bảo vệ; hủy hoại nhan sắc phụ nữ, coi như đã "đánh gục" toàn bộ cuộc sống của họ.
"Nếu tranh chấp giữa những đối tượng nam giới với nhau sẽ được giải quyết bằng tác động vật lý thì đối với những mâu thuẫn giữa phụ nữ thường dễ được giải quyết bằng acid", luật sư Đào Thị Bích Liên đưa ý kiến.
Ở khía cạnh khác, phần lớn vụ việc tạt acid đều liên quan đến vấn đề tình cảm và tiền bạc. Các đối tượng tấn công cho rằng, acid là công cụ có thể tước đi vẻ ngoài của nạn nhân và đẩy nạn nhân vào cuộc sống vô cùng khó khăn, đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Tủi thân với diện mạo của mình, cảm thấy cuộc sống vô cùng bi quan, nữ nạn nhân bị tạt acid sẽ bị áp lực tâm lý, muốn kết thúc cuộc sống của mình bất cứ lúc nào nếu có thể. Thậm chí, những vết bỏng đã tước đi "tính mạng" của nữ nạn nhân ngay khi vừa bị tạt acid.
"Đa số những người phụ nữ sau khi bị tấn công đều chọn phương án im lặng và chịu đựng. Một trong những lý do là vì lo sợ sự trả thù và đánh mất sự yên bình của cuộc sống. Bên cạnh đó, nữ nạn nhân cũng sợ những người thân của mình trở thành nạn nhân tiếp theo của những kẻ ác và họ không dám tin pháp luật có thể bảo vệ được họ và gia đình họ. Tâm lý quá lo sợ đã làm nạn nhân không dám đối mặt và tố cáo những kẻ độc ác trước pháp luật", luật sư Đào Thị Bích Liên bàn luận.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Đoàn luật sư TPHCM, cho rằng, nạn nhân của các vụ tạt acid chủ yếu là nữ giới. "Những thương tổn do bị tạt acid gây ra cho nạn nhân là rất nặng nề và không thể phục hồi. Kẻ phạm tội trong các vụ án tạt acid thường mang tâm lý hằn thù, trả thù cá nhân, nên đối tượng kiên quyết thực hiện hành vi đến cùng nhằm gây thương tích cho nạn nhân, đặc biệt là hậu quả về tinh thần, tâm lý của nạn nhân", luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang đưa ra ý kiến.
Bàn luận và kiến nghị tội danh
Luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tạt acid thương tâm nhưng khung hình phạt cho tội danh này vẫn đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi. "Việc sử dụng acid là hóa chất đặc biệt nguy hiểm tạt vào mặt nạn nhân, là vùng trọng yếu trên cơ thể, buộc người gây án phải biết có thể dẫn tới chết người. Việc nạn nhân không chết hay chỉ bị thương tật hoàn toàn là ngoài ý muốn của kẻ gây án. Tuy nhiên, hành vi này hiện chỉ bị xử lý về tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Theo Bộ luật Hình sự, tùy theo mục tiêu và tỉ lệ thương tật của nạn nhân mà người tạt acid có thể bị phạt tù 3 - 20 năm hoặc tù chung thân", luật sư Đào Thị Bích Liên bàn luận.
Cũng theo luật sư Đào Thị Bích Liên, rất ít trường hợp, người phạm tội bị xử lý về tội "giết người" theo Bộ luật Hình sự, nguyên do xuất phát từ yếu tố cấu thành riêng biệt của mỗi tội phạm. Chỉ những trường hợp hung thủ sử dụng acid với nồng độ đậm đặc, có tính ôxy hóa mạnh như: axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl)... và vị trí tạt là đầu, mặt với chủ đích giết chết người thì mới có khả năng người phạm tội bị quy kết vào tội "giết người".
"Để phòng ngừa và hạn chế các vụ việc tạt acid đau lòng xảy ra, theo tôi, ngoài việc răn đe bằng các hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự thì điều quan trọng hơn cả là kiểm soát chặt chẽ việc tiếp cận, mua bán, trao đổi acid. Để làm được việc này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong thực tế", luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang diễn giải.
Luật sư Đào Thị Bích Liên đề xuất, liên ngành tố tụng cần sớm có hướng dẫn riêng về loại hành vi phạm tội này, chỉ rõ trường hợp nào xử về tội "giết người", trường hợp nào là "cố ý gây thương tích" để pháp luật vận dụng thống nhất, đồng bộ.
Theo quan điểm của các chuyên gia và luật sư, với tính chất tàn bạo và hậu quả nặng nề mà hành vi tạt acid gây ra, cần phải có một mức xử phạt mạnh mẽ, quyết liệt hơn hiện nay. Nếu như không thể quy kết đây là hành vi giết người thì nên quy định một tội danh riêng đối với hành vi này với chế tài đặc biệt nghiêm khắc. Sự răn đe hiệu quả của pháp luật phải khiến kẻ ác thật sự sợ trước những chế tài mà nhà nước đưa ra để không còn manh động và thực hiện những hành động ác độc như vậy khi giải quyết mâu thuẫn cá nhân.
+ ActionAid UK (ActionAid International là một tổ chức quốc tế chống đói nghèo làm việc tại hơn 40 quốc gia) cho biết, trung bình mỗi năm có 1.500 ca tạt acid trên toàn cầu. Ở Ấn Độ, năm 2021 có 176 ca, trung bình mỗi tháng 14 ca. Ở Sussex (Anh quốc), năm 2021 có 39 ca.
+ Vụ án tạt acid dẫn đến chết người mới đây xảy ra tại Khu phố Đông Chiêu, đường Vũng Việt, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chị Đ.T.L, sinh năm 1986, khi đang trên đường từ chợ trở về nhà vào khoảng 20h30 ngày 25/2/2023 thì bị 1 người đàn ông chạy xe gắn máy đi ngược chiều rồi bất ngờ tạt thẳng ca acid vào mặt và nhanh chóng tẩu thoát. Nghe tiếng la hét của nạn nhân, người dân gần đó đã tới sơ cứu và đưa chị L. đi cấp cứu. Tuy nhiên, nạn nhân sau đó tử vong. Ngày 4/3/2023, công an tỉnh Bình Dương đã bắt Lưu Hoàng Ân, 38 tuổi, về tội giết người. Lời khai ban đầu của Lưu Hoàng Ân cho biết, vì chị Đ.T.L đã xúc phạm bạn gái của anh ta nên anh ta tìm cách trả thù.