Sự linh hoạt trong đào tạo trẻ, chiếc chìa khóa dẫn tới thành công của các thủ môn tương lai
Thủ môn phát động bóng đã không còn là một điều gì đó quá xa lạ ở thời điểm hiện tại. Song làm thế nào để tạo ra một thủ môn phát động bóng giỏi? Dưới đây sẽ là câu trả lời cho thắc mắc trên.
Các con số cho chúng ta biết được điều gì?
Nếu là một cầu thủ trẻ ở giai đoạn trước năm 2013, chắc chắn, sẽ có rất ít người ở lứa 12-13 tuổi muốn thi đấu ở vị trí thủ môn. Có thể nói, vị trí này luôn bị xem nhẹ, hoặc tệ hơn, bị đẩy vào tay những cô, cậu bé không có khả năng kỹ thuật tốt.
Đương nhiên, chưa có một thống kê nào thật sự chính xác để chứng minh cho luận điểm này. Nhưng có thể thấy rằng, sau một thập kỷ, cách nhìn nhận về vị trí thủ môn đã thay đổi rất nhiều. Thủ môn bây giờ không chỉ cần biết bắt bóng, đỡ bóng hoặc bay người cản phá, họ còn phải đảm nhiệm rất nhiều khâu khác nhau trên sân nữa. Vậy, từ đâu mà có sự thay đổi này?
Trước khi trả lời những câu hỏi đó, chúng ta phải tự hỏi: làm thế nào để biết rằng vị trí thủ môn đã thay đổi sau nhiều năm. Đúng là ai cũng cảm nhận được điều đó, nhưng bằng chứng nào để cho chúng ta khẳng định điều đó?
Để trả lời cho câu hỏi này, trang thống kê Opta đã dựng hẳn một bảng thống kê dữ liệu về thủ môn thi đấu ít nhất 1.000 phút ở 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu kể từ mùa giải 2007-2008 cho tới nay. Nhờ đó, trang tin này đã cho thấy sự thay đổi về độ chính xác ở các đường chuyền của các thủ môn trong vòng 15 năm trở lại đây.
Theo thống kê này, độ chính xác ở các đường chuyền của các thủ môn đã gia tăng ít nhất 13%. Trong đó, Serie A là giải đấu cải thiện nhiều nhất mặt này, cụ thể là từ 51% lên thành 69,7% ở mùa giải trước. Một giải đấu cũng bám khá sát Serie A về mặt này đó là La Liga, cụ thể là từ 46,9% ở mùa giải 2007-2008 lên thành 65,4% ở mùa trước.
Điều này cũng tương tự với tỷ lệ đường chuyền ngắn bên phần sân nhà của các thủ môn. Ở mùa giải 2007-2008, trung bình, chỉ có 23,3% đường chuyền kết thúc ở vị trí trước khu vực giữa sân ở Premier League, tỷ lệ nhỏ nhất trong 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu. Trong khi đó, Bundesliga với 37,4% là giải đấu đứng đầu ở mặt này.
Ở mùa trước, La Liga, với 57,2%, là giải đấu duy nhất trong 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu nằm ở dưới tỷ lệ 61,7% của Premier League ở mặt này. 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu cũng chứng kiến một sự gia tăng về độ chính xác của các pha phát bóng lên của thủ môn, cụ thể là 11%, thậm chí, ở Premier League, con số này là 23,2%. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc các thủ môn dần chú trọng hơn khâu phát động bóng của mình thay vì chỉ đẩy bóng lên tuyến trên một cách nhanh nhất có thể như trước kia.
Đa dạng hóa khả năng chính là chìa khóa
Các thủ môn thực hiện những đường chuyền nhiều hơn 16 năm trước đây gấp 2 hoặc 3 lần, một minh chứng cho thấy lối phát động bóng của vị trí này đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, đồng thời cũng cho thấy tầm quan trọng của thủ môn trong khâu tấn công ở thời kỳ bóng đá hiện đại nhiều như thế nào.
Vậy, nhờ đâu mà có sự thay đổi này ?
Đương nhiên, mỗi một vị trí trên sân sẽ có đường hướng riêng trong việc phát triển bản thân, nhưng sự linh hoạt trong khâu đào tạo trẻ ở học viện chính là điểm quan trọng nhất, bởi lẽ, đây là quãng thời gian định hình lối chơi và vị trí của một cầu thủ. Ederson, thủ môn của Man City, có thể được xem là ví dụ rõ nhất cho điều này. Trước khi trở thành “siêu thủ môn” Ederson mà chúng ta biết, thủ thành người Brazil từng thi đấu ở vị trí hậu vệ trái thuần công. Anh chỉ chuyển qua vị trí thủ môn sau khi nhận thấy mình “quá lười” để dâng cao. Vì vậy, dù thi đấu ở vị trí thủ môn, Ederson đã có cho mình những khả năng cần thiết của một chân phát động bóng có khả năng dâng cao tốt.
“Ý kiến riêng của tôi thôi nhé, nhưng đây cũng là lý do vì sao chúng ta không nên quá tập trung vào một vị trí cho các cầu thủ trẻ từ sớm”, Fabian Otte, HLV thủ môn đội một của Borussia Monchengladbach, chia sẻ. "Với tôi, ở lứa tuổi U9, U10, hay U11, không nên có một thủ môn thuần túy, thay vào đó, ai cũng nên đảm nhận vị trí thủ môn, ai cũng nên làm cầu thủ ở tuyến trên, nhờ đó, các cầu thủ trẻ có thể phát huy các thế mạnh của mình mà không cần phải tập trung quá nhiều vào thế mạnh đấy. Nói cách khác, chúng chỉ nên chơi bóng, chạm bóng một cách thuần túy".
Một người khác cũng đồng quan điểm với Otte đó là Frans Hoek, người từng làm việc cùng với cố HLV Johann Cruyff. Cụ thể, theo HLV này: “Không cần phải làm thủ môn ngay từ khi 6 tuổi”. Bởi lẽ, việc định hình quá sớm có thể giới hạn rất nhiều khả năng của các cầu thủ trẻ. Thực sự, nếu Ederson cứ mãi bám theo định hướng cũ của anh thay vì mở rộng nó, chắc chắn, thủ môn người Brazil sẽ không thể vươn tới đỉnh cao của hiện tại.
Để tạo ra sự đa dạng này, đương nhiên, các HLV chính là những thành phần quan trọng nhất. Và ở thời bóng đá hiện đại, điều này càng trở nên đúng hơn. Bản thân Fabian cũng đồng tình với quan điểm này: "Tôi nghĩ các thủ môn trẻ đang dần quen với việc kiểm soát bóng nhiều hơn, bởi các huấn luyện viên của các học viện muốn sử dụng các thủ môn trong các tình huống dàn xếp nhiều hơn. Vì vậy, từ lúc các cầu thủ còn rất trẻ, thủ môn đã được luyện chơi chân rồi sau đó tham gia cá tình huống bóng chú trọng đến yếu tố này, ví dụ như thi đấu thế nào trong một tình huống đánh ba hay làm cách nào để thoát pressing? Có thể nói, đã có rất nhiều sự tiến bộ ở khâu luyện tập trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là ở cấp độ học viện".
Tựu chung lại, để có được sự chính xác trong khâu phát động bóng của thủ môn, các đội bóng cần phải dựa vào rất nhiều yếu tố, một trong số đó chính là các bài tập, sự linh hoạt trong khâu định hình lối chơi của một cầu thủ. Về mặt này, theo Fabian, các học viện đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, nhờ đó mà các cầu thủ, đặc biệt là thủ môn, có thể tận dụng tối đa khả năng của mình, đặc biệt là ở khâu kiểm soát và phát động bóng.
KDNX
Nguồn ảnh, tư liệu: The Analyst, Internet.