Sứ mệnh chung bỏ ngỏ

Thay vì là nơi để các thành viên ngồi lại với nhau tìm cách đoàn kết hơn, Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua đã phơi bày hoàn cảnh 'đồng sàng dị mộng' của liên minh quân sự vốn được cho là thành công nhất thế giới này.

Những bất đồng cũ chưa được giải quyết lại nảy sinh bất đồng mới. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy họp báo và rời hội nghị sớm đã cảnh báo nguy cơ NATO có thể sẽ mất đi “đầu tàu” quan trọng cả về tài chính lẫn sức mạnh quân sự. Lời đe dọa rời bỏ liên minh của Tổng thống Donald Trump vẫn còn đó. Từ khi lên cầm quyền, đối với NATO, trong khi liên minh đang đầy âu lo với những thách thức an ninh, chia rẽ, sự nổi lên của Nga và Trung Quốc… người đứng đầu quốc gia cầm trịch liên minh lại chỉ quan tâm vấn đề tiền bạc, làm thế nào để giảm bớt gánh nặng cho Washington.

Vấn đề chia sẻ gánh nặng ngân sách NATO từ lâu đã khoét sâu thêm mâu thuẫn nội khối. Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên là một thách thức mới của liên minh quân sự đang ngày càng thiếu gắn kết này. Điều đáng lo ngại là Ankara lại đang hành xử với NATO tương tự như Washington đã và đang làm. Ông Donald Trump được cho là đã khá thành công khi thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết” trong NATO và đang tìm kiếm những thay đổi trong khuôn khổ khối này theo hướng có lợi cho nước Mỹ. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, nước này ngày càng muốn độc lập với NATO để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi. Giống như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang theo đuổi lợi ích quốc gia khi lập luận rằng, việc Mỹ và các đối tác khác trong liên minh gây áp lực đối với chính sách của Ankara là không thể chấp nhận được bởi nó thách thức lợi ích chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động bất chấp các mối lo ngại và sự phản đối của các thành viên châu Âu trong chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd ở Syria, hay sự phản đối quyết liệt của Mỹ khi mua S-400. Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối hỗ trợ kế hoạch của NATO bảo vệ các nước Baltic.

Là thành viên quan trọng với NATO, có vị trí địa chiến lược với đường biên giới giáp Syria, lại là nơi đặt căn cứ quân sự lớn thứ hai của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có cơ sở để đưa ra tiếng nói riêng của mình trong liên minh. Nước này còn là nơi trú ngụ của 3,5 triệu người tị nạn Syria và là một đồng minh chống khủng bố ở khu vực mà bất kỳ đối tác nào cũng không thể bỏ qua. Bất cứ động thái quân sự, an ninh nào của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể ảnh hưởng tới các nước thành viên còn lại. Việc Ankara tấn công người Kurd ở Syria khiến Mỹ và châu Âu lo sẽ mất đi một lực lượng giúp họ chống lại các phần tử khủng bố thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và làn sóng người tị nạn Syria sẽ lại tràn sang lục địa già. Hơn nữa, mối lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ dù sao cũng là chính đáng.

Mỹ và NATO cho dù không ưa Ankara cũng không thể phớt lờ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. NATO cũng không có cơ chế để loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi nếu vậy, điều mà cả Mỹ và NATO không hề mong muốn có thể xảy ra, đó là Ankara sẽ xa rời phương Tây để xích lại gần Moscow. Kiên quyết không nhượng bộ Mỹ trong việc mua S-400 của Nga chính là nước cờ cao tay của Ankara để cân bằng chiến lược và Thổ Nhĩ Kỳ không muốn làm mất lòng một đối tác an ninh, thương mại chủ chốt như Moscow.

Bởi vậy, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn tự coi mình là lực lượng lớn thứ ba trong NATO sau Mỹ và châu Âu. Với những gì Tổng thống Donald Trump thể hiện, Mỹ đang chứng tỏ muốn “buông tay” dần với NATO. Trong khi đó, châu Âu cũng đang theo đuổi tham vọng xây dựng một lớp phòng thủ của riêng mình thay vì núp mãi dưới “chiếc ô” của NATO đang ngày càng gò bó.

Sau Mỹ và châu Âu, việc xuất hiện thêm một Thổ Nhĩ Kỳ “nhiều chuyện” càng đặt NATO trước thách thức lớn sau 70 năm gắn kết với sứ mệnh chung là phòng thủ tập thể và bảo vệ lẫn nhau của các thành viên. Giờ đây, sứ mệnh này đang có nguy cơ trở thành “cha chung không ai khóc” bởi mỗi thành viên đều theo đuổi những tham vọng riêng, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Tổng thống Donald Trump đã né tránh đưa ra cam kết rõ ràng về việc sẽ hỗ trợ đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

Nhưng thực tế ai cũng đều hiểu rằng, không thể bỏ qua sứ mệnh chung của NATO, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày càng nổi lên nhiều thách thức, không một quốc gia nào có thể đứng riêng rẽ và tự bảo đảm an ninh một mình. Có điều, trong hoàn cảnh NATO hiện nay, việc dung hòa các mối quan tâm và lợi ích của các thành viên là điều vô cùng khó khăn. Vì thế, các nước thành viên không còn lựa chọn nào khác ngoài “thân ai người ấy lo” trước khi lo mối lo chung.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/su-menh-chung-bo-ngo-604716