Sứ mệnh của báo chí trong tuyên truyền bình đẳng giới
Tọa đàm 'Giới và báo chí' nhằm đảm bảo các nhà báo sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình.
Tọa đàm “Giới và báo chí” nhằm đảm bảo các nhà báo sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình. Từ đó, có cái nhìn về nam và nữ, bản dạng giới khác nhau, cũng như những vấn đề nhạy cảm như bạo lực gia đình, bạo lực giới.
Thông tin chưa thường xuyên, liên tục
Ngày 18/10 tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Giới và báo chí”. Tọa đàm do nhóm G4 - Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với CLB Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy cho biết, bình đẳng giới là quyền con người. Bình đẳng giới được đưa vào chương trình nghị sự vì sự phát triển của Liên Hợp Quốc năm 2023. Trong đó, mục tiêu đạt bình đẳng giới là trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Theo bà Hilde Solbakken, chủ đề tại tọa đàm này nhằm đảm bảo các nhà báo sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình. Sức mạnh của báo chí để tạo nên quan điểm là điều không thể chối cãi. Từ đó, có cái nhìn về nam và nữ, có bản dạng giới khác nhau, cũng như những vấn đề nhạy cảm như bạo lực gia đình, bạo lực giới.
Đại sứ Na Uy cho biết, hiện, truyền thông vẫn có xu hướng chú ý tới vẻ ngoài của phụ nữ. Ví dụ, khi đăng tải thông tin về một nữ chính trị gia, truyền thông vẫn đề cập tới trang phục, ngoại hình của họ.
“Những mô tả đó là khuôn mẫu giới. Điều đó thường củng cố và dẫn tới bạo lực trên cơ sở giới. Khuôn mẫu giới bắt nguồn từ tư tưởng trong xã hội”, bà Hilde Solbakken nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Vũ Hương Thủy - Phó ban Tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam nhận định, với những nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua Việt Nam đã đạt được thành tựu trong bình đẳng giới. Trong khi đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng, bất bình đẳng giới là nguyên nhân gây bạo lực gia đình.
“Để đạt mục tiêu bình đẳng giới, cần có nhiều yếu tố về truyền thông, cũng như giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Với mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội, công tác thông tin về bình đẳng giới được chú ý, quan tâm”, bà Hương Thủy chia sẻ.
Bà Thủy cho biết, hiện truyền thông về bình đẳng giới được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức xã hội. Đồng thời, tuyên truyền mục tiêu, chỉ tiêu công tác chiến lược quốc gia, chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, làm rõ nội dung của Luật Bình đẳng giới, những kết quả đạt được sau 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, phản ánh bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, gia đình.
Ngoài ra, truyền thông cũng phản ánh sự vào cuộc của các cấp ngành trong mục tiêu thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới, thông tin đậm nét hoạt động, tăng cường thông tin nội dung về bảo vệ phụ nữ.
Tuy nhiên, một hạn chế là thông tin chưa thường xuyên, liên tục. Hình thức truyền thông chưa phong phú, đa dạng. Nguyên nhân là do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan.
Kiến thức, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn truyền thông về bạo lực giới của cán bộ, phóng viên còn thiếu. Kinh phí để xây dựng, triển khai các chương trình, tác phẩm truyền thông về phòng, chống mại dâm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bà Thủy đề xuất, các cơ quan, tổ chức và địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách; được tiếp cận nhanh nhất những nguồn tin chính thức, chính thống liên quan vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới.
Các cơ quan cần chủ động cung cấp thông tin, số liệu liên quan để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm lên án, đấu tranh chống các hành động bạo lực giới. Tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới.
Chống phân biệt đối xử khi tác nghiệp
Bà Trần Hoàng Lan - Trưởng ban Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, khi tác nghiệp về giới phóng viên có nhiều thuận lợi. Đảng, Nhà nước, Hà Nội và cộng đồng rất quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống định kiến giới.
Cụ thể, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới ký kết Công ước về quyền trẻ em. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chiến lược liên quan như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh không ít thuận lợi, bà Hoàng Lan chia sẻ, Báo Phụ nữ Thủ đô cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Là tờ báo giới, Báo Phụ nữ Thủ đô cũng chịu định kiến về giới của xã hội. Đơn cử, nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức vẫn định kiến rằng, báo phụ nữ chỉ quan tâm tới các vấn đề như: “Con cá, lá rau”, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, tình cảm vợ chồng... Do đó, định kiến giới đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên.
Bên cạnh đó, khi phóng viên tác nghiệp những vụ việc liên quan trực tiếp đến giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em… nhiều nạn nhân từ chối tố cáo, hợp tác. Hoặc, thậm chí, nạn nhân che giấu bằng chứng cho thủ phạm do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Phóng viên nữ khi tham gia nhiều vụ việc còn gặp nguy hiểm, đe dọa từ thủ phạm bạo hành, xâm hại.
Cũng theo bà Hoàng Lan, do bị mặc định là tờ báo của riêng nữ giới, nên tỷ lệ nam giới đọc báo còn thấp. Nhiều sự kiện được báo giới tổ chức có tỷ lệ nữ tham dự vẫn chiếm đa số. Điều đó dẫn tới thực tế là “phụ nữ nói cho nhau nghe vấn đề của phụ nữ”.
Trước bối cảnh này, bà Hoàng Lan cho rằng, cần có giải pháp chống phân biệt đối xử với phóng viên làm việc trong các tờ báo giới. Đồng thời, cần có sự cởi mở hơn trong cung cấp, tiếp cận thông tin, khai thác thông tin đối với phóng viên ở báo giới.
Cần có sự quan tâm nhiều hơn về nguồn lực, con người đối với báo giới. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về giới cho các giới, đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của báo giới.