Sứ mệnh giải cứu thế giới của COVAX

WHO đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử loài người với mục đích phân phát các liều vắc-xin tới 190 quốc gia

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử loài người với mục đích phân phát các liều vắc-xin tới 190 quốc gia và hạn chế nguy cơ của các đột biến nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện dự án này đang chạy đua với thời gian.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử loài người với mục đích phân phát các liều vắc-xin tới 190 quốc gia và hạn chế nguy cơ của các đột biến nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện dự án này đang chạy đua với thời gian.

Người đàn ông đang cố cứu thế giới lúc này đứng trong một nhà trẻ ở Connecticut, Mỹ. Anh ấy để máy tính xách tay trước mặt và ánh nắng đang chiếu qua cửa sổ vào một cái cũi.

Benjamin Schreiber đi chân trần, đầu tóc bù xù. Người đàn ông 46 tuổi này như vừa ngủ dậy, nhưng hầu như ngày nào cũng vậy, anh dậy từ lúc mặt trời mọc. Công việc của anh là một trong số những việc quan trọng và khó khăn nhất thế giới. Với tư cách là Phó trưởng nhóm phụ trách tiêm chủng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Schreiber chịu trách nhiệm đảm bảo 2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 tới tận tay người dân ở các quốc gia nghèo nhất, xa xôi nhất.

Trong một cuộc họp trực tuyến với các đồng nghiệp ở Đức, Panama và Haiti, Schreiber thảo luận về “cơn đau đầu” của mình trong ngày: Tình hình đang đình trệ tại hai quốc gia.

Những nước mua được nhiều vắc-xin ngừa Covid-19 nhất. Ảnh: Duke Global Health Innovation Center

Những nước mua được nhiều vắc-xin ngừa Covid-19 nhất. Ảnh: Duke Global Health Innovation Center

Đề cập tới một quốc gia mà người ngoài rất khó tiếp cận, Schreiber nói: “Hiện chưa rõ mọi việc diễn ra thế nào”. Tại quốc gia còn lại – Haiti, lô hàng vắc-xin tiềm năng đầu tiên bị trì hoãn. Đội tiêm chủng dường như đã sẵn sàng nhưng các vấn đề chính trị và xã hội đang cản trở việc vận chuyển hàng. Nhiên liệu ở Haiti đắt đỏ, đường sá kém, ngân sách bị tính toán sai. Nhiều người không tin viện trợ của phương Tây, một số người khác không hiểu về Covid-19.

Mỗi ngày Schreiber đều có những cuộc thảo luận như vậy. Ở quy mô nhỏ, nó thường liên quan tới các câu hỏi về cách thích hợp để hạ nhiệt vắc-xin, về sự khéo léo trong cách đối phó với các chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi luôn là công lý toàn cầu.

Virus corona chủng mới đã lây lan tới mọi lục địa và lây cho ít nhất 128 triệu người. Nó đã phá hoại các nền kinh tế và hủy hoại các gia đình. Tính tới giờ, tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đã có hiệu lực hơn một năm. Công dân ở một số nước phát triển đã được bảo vệ khỏi virus corona thì nhiều người khác ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh vẫn đang chờ được tiêm chủng.

Cõng vắc-xin tới những vùng sâu, vùng xa ở Nepal. Ảnh: Spiegel

Cõng vắc-xin tới những vùng sâu, vùng xa ở Nepal. Ảnh: Spiegel

Cho tới giờ, gần 600 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, gần 2/3 trong số đó được dùng ở 6 quốc gia. Khoảng 60% số người Israel, chưa đầy 1/2 số người Anh và 1/10 số người Đức đã được tiêm vắc-xin ít nhất một lần. Ở Namibia, nơi có dân số trên 2 triệu người, chưa đầy 1.500 người được tiêm vắc-xin. Tại một số quốc gia khác, chưa có ai được tiêm.

Đầu năm nay, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo về một “thảm họa đạo đức”. Một nỗ lực đã được triển khai để ngăn ngừa thảm họa đó. Cơ chế toàn cầu mang tên COVAX đã ra đời nhằm hỗ trợ phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 một cách công bằng hơn cho các nước. WHO đưa ra sáng kiến này cách đây một năm và một liên minh vắc-xin mang tên GAVI và Liên minh Đổi mới chuẩn bị sẵn sàng cho Đại dịch (CEPI) cũng tham gia.

Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều tham gia COVAX.

 Nhiều nước và vùng lãnh thổ nỗ lực làm phẳng đường cong lây nhiễm của Covid-19. Ảnh: Đại học John Hopkins

Nhiều nước và vùng lãnh thổ nỗ lực làm phẳng đường cong lây nhiễm của Covid-19. Ảnh: Đại học John Hopkins

Mục tiêu của COVAX là 92 nước thành viên nghèo nhất cũng nhận được nhiều vắc-xin nhanh như 98 quốc gia giàu có. Các nước giàu trả nhiều tiền hơn cho sáng kiến và các nước nghèo nhất sẽ được giảm giá hoặc tiêm miễn phí với mục đích mỗi quốc gia đều tiêm chủng cho 1/5 dân số vào cuối năm nay. UNICEF giữ trọng trách đảm bảo cho vắc-xin tới được đích.

Virus corona chủng mới liên tục biến đổi. Hầu hết các thay đổi không ảnh hưởng tới mức độ nguy hiểm do virus gây ra, song một số đột biến, giống như những biến chủng xuất hiện ở Brazil và Mỹ thì có. Và số lượng các quốc gia trải qua những đợt bùng phát không kiểm soát được ngày càng nhiều thì khả năng thế giới phải đối phó với các đột biến tiếp theo sẽ ngày càng cao.

Vậy làm thế nào để tiêm chủng cho những người bị đe dọa nhiều nhất như người già, người bệnh, nhân viên y tế trên khắp thế giới? Làm thế nào COVAX có thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của nó?

Biểu đồ số ca nhiễm Covid-19 tăng ở các nước. Ảnh: Bloomberg

Biểu đồ số ca nhiễm Covid-19 tăng ở các nước. Ảnh: Bloomberg

Một nhóm phóng viên của tạp chí Der Spiegel của Đức đã theo chân vắc-xin đi khắp thế giới. Họ tới các nhà máy sản xuất vắc-xin ở Ấn Độ, tới kho chứa ở Copenhagen, Đan Mạch. Tất cả dẫn tới đích cuối cùng: Vắc-xin được chuyển tới cho các nhân viên y tế ở Malawi, những người được tiêm mũi đầu tiên vào tháng 3. Các phóng viên cũng chứng kiến một người Đức đang có mặt tại một nhà trẻ ở Mỹ để lên kế hoạch phân phối vắc-xin.

Schreiber đã làm việc cho UNICEF được 8 năm. Anh cho hay, thách thức lớn nhất của anh vào năm ngoái là chuẩn bị cho các quốc gia trong một thời gian ngắn.

Mục tiêu của COVAX là xuất xưởng khoảng 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm nay, tương ứng với khoảng 850 tấn vắc-xin mỗi tháng và 1 tỷ ống tiêm. Hàng nghìn chiếc hộp làm mát phải được đưa tới những góc xa xôi nhất của thế giới bằng xe jeep, thuyền, máy bay không người lái và thậm chí là xe lừa.

Ngay cả trong những năm bình thường, UNICEF cũng tiêm chủng cho gần như mỗi đứa trẻ trên thế giới. Tuy nhiên, UNICEF chưa bao giờ phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu.

Cộng hòa Seychelles hiện đứng đầu thế giới vì đủ vắc-xin tiêm cho 63,1% dân số. Ảnh: Bloomberg.

Cộng hòa Seychelles hiện đứng đầu thế giới vì đủ vắc-xin tiêm cho 63,1% dân số. Ảnh: Bloomberg.

Các chiến dịch tiêm chủng thường được lên kế hoạch trước nhiều năm, nhưng lần này chỉ là vài tháng. Các nước nhận vắc-xin rất đa dạng, một số quốc gia thành công, một số thất bại, một số nước chỉ có vài trăm nghìn dân, một số khác lại có hơn một tỷ người.

Các nước được UNICEF yêu cầu giải thích bằng văn bản cách họ định quản lý vấn đề hậu cần tiêm chủng như thế nào. Schreiber đọc hơn 100 bản kế hoạch dài dòng này, hầu hết là đọc hai lần. Anh chỉnh sửa và đưa ra các đề xuất cải tiến. Hầu hết, mọi việc diễn ra tốt đẹp nhưng đôi lúc không được như vậy. Chính phủ các nước Tanzania, Eritrea và Madagascar tới giờ vẫn còn tranh luận về việc Covid-19 là một căn bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, nỗ lực đã được đền đáp. Ngày 24/2, lô hàng COVAX đầu tiên đã đáp xuống Ghana. Chuyến hàng đầu tiên cho Haiti cũng đã được lên kế hoạch. Tới cuối tháng 3, UNICEF đã phân phát 20 triệu liều vắc-xin tới 47 nước.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/su-menh-giai-cuu-the-gioi-cua-covax-n-474545.html