Sứ mệnh lan tỏa thông điệp hòa bình của thế hệ trẻ Nagasaki
Từ những nỗ lực bền bỉ, Nagasaki không chỉ dạy học sinh về hòa bình, mà còn trao cho các em cơ hội trở thành những sứ giả, đưa thông điệp vươn ra thế giới.

Ba Đại sứ hòa bình học sinh trung học tại Nagasaki. (Ảnh: Xuân Giao/Vietnam+)
Thành phố Nagasaki, nơi từng hứng chịu thảm họa bom nguyên tử năm 1945, đã trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình và nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Tại đây, giáo dục hòa bình không chỉ là một môn học, mà là một sứ mệnh được truyền tải qua nhiều thế hệ.
Từ năm 1998, Ủy ban điều hành Chiến dịch Mười nghìn chữ ký của học sinh trung học và Ủy ban phái đoàn sứ giả hòa bình Hiroshima và Nagasaki đã tuyển chọn Đại sứ hòa bình học sinh trung học từ khắp Nhật Bản.
Hàng năm vào tháng 8, những đại sứ trẻ này đến trụ sở châu Âu của Liên hợp quốc tại Geneva, mang theo những chữ ký kêu gọi hòa bình, giải trừ hạt nhân và chia sẻ thông điệp từ hai thành phố đã từng chịu đựng nỗi đau chiến tranh nguyên tử.
Hai trong số những đại sứ năm nay là em Ye Seoji, học sinh Trường trung học Nagasaki Nichidai, và em Yuka Ohara, học sinh Trường trung học Nagasaki Nishi.
Ye Seoji, với vai trò là cầu nối giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, mong muốn truyền tải nền giáo dục hòa bình của Nagasaki ra thế giới. Em chia sẻ rằng tiếng nói của học sinh trung học có sức mạnh đặc biệt, vì đó là tiếng nói của thế hệ trẻ - những người sẽ định hình tương lai. Năm 2024, Ye Seoji đã tham gia các chiến dịch chữ ký hàng tuần và đảm nhiệm vai trò phiên dịch trong các hoạt động giao lưu giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Miyata Koji, hiệu trưởng Trường tiểu học Shiroyama, chia sẻ với phóng viên TTXVN về chương trình giáo dục hòa bình của trường. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)
Ye Seoji cho biết được tiếp nhận nền giáo dục về hòa bình ở Nagasaki từ khi còn nhỏ, em muốn truyền tải trọn vẹn thông điệp hòa bình của thành phố Nagasaki. Hoạt động với tư cách là một đại sứ học sinh trung học vì hòa bình, em tin tưởng những thông điệp mà em truyền tải với tư cách là một đại sứ hòa bình học sinh trung học có sức nặng hơn khi em muốn giới thiệu và gửi đến thế giới nền giáo dục hòa bình mà em được tiếp nhận và đang nỗ lực thực hiện cho đến nay.
Trong khi đó, Yuka Ohara kể về những ký ức từ thời tiểu học, khi được nghe các hibakusha (nạn nhân bom nguyên tử) chia sẻ về nỗi kinh hoàng của vũ khí hạt nhân. Từ những trải nghiệm đó, Yuka cảm thấy mình có trách nhiệm hành động vì hòa bình, và mong muốn hỗ trợ thế hệ trẻ hơn tiếp nối con đường này.
Em nói: “Tôi đã học tại Trường Tiểu học Hakusan, và ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, tôi đã được nghe những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử kể về nỗi kinh hoàng của vũ khí hạt nhân. Tôi cảm thấy rằng chúng ta không bao giờ được phép lặp lại những vụ đánh bom nguyên tử, và vũ khí hạt nhân không bao giờ được phép sử dụng nữa. Khi nghĩ về những gì mình có thể làm để ngăn chặn điều này xảy ra, tôi đã khám phá ra hoạt động này, và tôi muốn làm những gì có thể vì hòa bình. Tôi bắt đầu hoạt động này vì tôi muốn làm những gì có thể vì hòa bình, mặc dù tôi chỉ là học sinh trung học."
Một điểm nhấn trong giáo dục hòa bình tại Nagasaki chính là hoạt động tại Trường Tiểu học Shiroyama, nơi chỉ cách tâm chấn vụ nổ khoảng 500m. Hiện trường học được chuyển thành Nhà tưởng niệm Hòa bình, lưu giữ hình ảnh, hiện vật và mô hình tái hiện khoảnh khắc lịch sử. Học sinh của trường tham dự lễ tưởng niệm hòa bình vào ngày 9 hàng tháng, đồng thời được giao các chủ đề học tập liên quan đến hòa bình suốt năm học.
Ông Miyata Koji, hiệu trưởng Trường Tiểu học Shiroyama, cho biết thành phố Nagasaki có các nguyên tắc giáo dục hòa bình, vì vậy trường lập kế hoạch theo các quy tắc của thành phố. Trường Tiểu học Shiroyama là chứng tích của thảm họa bom nguyên tử vì vậy trường tổ chức lễ tưởng niệm hòa bình vào ngày 9 hàng tháng. Buổi lễ lớn nhất sẽ được tổ chức vào ngày 9/8.
Trong mỗi môn học, đều có những phẩm chất giáo dục hòa bình dựa trên các nguyên tắc của Thành phố Nagasaki, và chương trình giáo dục hòa bình của trường sẽ kết hợp những phẩm chất này vào việc học các môn học.

Một góc trưng bày trong một tòa nhà trường tiểu học Shiroyama, nơi từng bị đánh sập trong vụ ném bom nguyên tử và giờ đây trở thành nơi tưởng niệm các nạn nhân trong thảm kịch. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)
Ông Miyata Koji cho biết vào thời điểm xảy ra vụ ném bom, trường có khoảng 1.500 học sinh, và gần như toàn bộ - khoảng 1.400 em - đã thiệt mạng. Ngày nay, dưới ngôi trường này có 587 học sinh theo học.
Trong chương trình giáo dục hòa bình, học sinh được rèn luyện phẩm chất hòa bình không chỉ qua các buổi lễ lớn như Lễ tưởng niệm hòa bình ngày 9/8, mà còn trong từng môn học, từ đó khắc sâu lời thề “không bao giờ để một cuộc chiến tranh bi thảm xảy ra nữa.”
Từ những nỗ lực bền bỉ này, Nagasaki không chỉ dạy học sinh về hòa bình, mà còn trao cho các em cơ hội trở thành những sứ giả, đưa thông điệp ấy vươn ra thế giới. Đây không chỉ là giáo dục, mà là một lời nhắc nhở: hòa bình bắt đầu từ nhận thức, và lan tỏa nhờ hành động của từng người, từng thế hệ./.