Sứ mệnh và nguyên tắc

Chuyện gửi người ra nước ngoài lao động thực chất là một cuộc đi bán mồ hôi nước mắt, có khi mất cả danh dự nhân phẩm. Còn cuộc ra đi duy trì trật tự bình yên ở nơi này nơi khác trên hành tinh, dù gắn vào đó những trọng trách ồn ào và vinh dự lớn lao, về thực chất cũng là một cuộc trả giá bằng máu, phải chấp nhận rủi ro về tính mạng.

Mấy năm trước, ở Indonesia xôn xao vài vụ liên quan đến người đi xuất khẩu lao động. Người sang láng giềng Singapore, người đi xa, sang đến bán đảo Arab hoặc xa hơn nữa. Một cô giúp việc bị nghi lấy cắp tiền vàng gì đó. Vợ chồng chủ nhà liền bắt cô nhảy lên để có bao nhiêu thứ giấu trong người đều phải rơi ra hết. Không phải nhảy lên một vài lần. Họ bắt cô cứ đứng giữa nhà mà nhảy lên như thế hàng trăm lần. Nhảy. Nhảy. Nhảy. Cũng không tính đếm số lần nữa mà tính theo thời gian. Hơn một tiếng đồng hồ. Vợ chồng chủ nhà thản nhiên ngồi xem cô gái khốn khổ kia nhảy lên nhảy xuống liên tục. Cho đến khi cô ngã xuống bất tỉnh.

Một người khác, hết thời hạn xuất khẩu làm thuê, quay về Indonesia, đi kiểm tra sức khỏe thì thấy chỉ còn một bên thận. Lại có vết mổ. Lúc ấy cô ta mới nhớ có lần ở cái đất nước xa xôi kia chủ nhà đưa cô đi khám bệnh, sau vài ngày thấy đau đau nhưng không hiểu chuyện gì nên đã bỏ qua. Điều tra ra thì chủ nhà đã thông đồng với bệnh viện để cắt mất của cô một quả thận. Thế là xảy ra kiện tụng ồn ào.

Nhiều vụ việc tương tự đã dẫn đến việc tổng thống Indonesia lúc ấy đưa ra một kế hoạch: quyết tâm trong vòng năm năm chấm dứt việc gửi người đi làm thuê ở nước ngoài. Dư luận chung đều đồng tình. Hàm ý đấy là vấn đề danh dự và quốc thể. Đi lao động làm thuê ở nước ngoài được coi là đồng nghĩa với bị xúc phạm, bị sỉ nhục. Chính quyền quyết tâm tạo thêm công ăn việc làm ở một đất nước 250 triệu dân, nói gọn là phấn đấu không cần phải đi làm ăn kiểu tha phương cầu thực, ở lại trong đất nước mình mà làm việc, có rau ăn rau có cháo ăn cháo.

Nhạc sĩ Trần Tiến trong bài hát Về đi em, có khuyên những cô gái quê hãy rời bỏ phố phường phồn hoa đầy rẫy dối lừa, hãy về với làng quê yêu dấu “tình quê mái lá đơn sơ vui câu hò”. Bài ca thật lãng mạn và xúc động thấm thía. Rất hiểu cái nỗi lòng đồng cảm thương cảm của nhạc sĩ, nhưng tôi vẫn muốn phản biện ông anh Trần Tiến. Về đi em, nhưng về làng quê ai cho em công ăn việc làm, về tức là em lại rơi vào một sự bế tắc khác.

“Gửi người ra nước ngoài lao động thực chất là một cuộc đi bán mồ hôi nước mắt”. Ảnh minh họa: TL

Công việc của nghệ sĩ là khơi gợi cảm xúc khơi gợi vấn đề. Còn việc tìm ra giải pháp lại là của các ngành nghề và các thực thể chính trị xã hội. Như quan điểm của ông tổng thống Indonesia kia, chính quyền và các ngành nghề phải tạo ra công ăn việc làm cho người dân chính ngay trên quê hương của họ. Đi xa thì cũng được thôi, nhưng gửi người đi xa chớ nên coi là chiến lược lâu dài, chớ mừng vui khi gửi được người đi mà ngồi thở phào yên tâm, coi như đã lập thành tích, coi như vấn đề đã được xử lý vĩnh viễn.

Trở lại với sự “phát hiện vấn đề” của Trần Tiến. Nhạc sĩ bảo “về đi em” tức là đã thầm mong người ta tạo được công ăn việc làm ở ngay chính làng quê của em. Nếu không thế thì “về đi em” lại là một quan điểm phản lại sự vận động quy luật. Chiều thuận của sự phát triển là đi từ nông thôn ra thành thị, sao có thể khuyên người ta quay về làng quê. Vấn đề phải là phát triển ngành nghề, tạo ra môi trường lành mạnh an toàn ở ngay đô thị, ít phù phiếm “xa hoa dối lừa”, để cho người ta ở lại. Khi đó thì tất nhiên không còn phải gợi ra vấn đề “về đi em” nữa.

*

Ta hãy hình dung một sự việc như thế này: ở đầu đường có một gia đình mấy anh em đang đâm chém nhau vì chuyện phân chia tài sản. Tổ dân phố sẽ gọi người tham gia vào nhóm hòa giải, đến để lập lại trật tự, không để cho anh em nó giết nhau. Một người ở cuối phố từ chối, thôi, việc nội bộ nhà người ta, tôi không muốn can thiệp. Nhưng trong tổ dân phố có người hằng ngày bán rau dưa thịt cá cho anh ta, và chính anh ta cũng bán tạp hóa cho họ, tức là có liên quan về quyền lợi.

Thế là anh ta đành phải tham gia vào việc duy trì trật tự ở cái “điểm nóng” nọ. Trong cái sứ mệnh vì bình yên đường phố ấy, không phải đầu thì cũng phải tai, anh ta đã bị anh em nhà nọ chém phải. Nếu anh ta không bị thương vong trong cuộc hòa giải ấy thì cũng mua thù chuốc oán với anh em nhà nọ. Đừng tưởng đến tận nhà nó can thiệp mà nó để yên. Một đứa trong đó bị thua trận, có ngày nó ôm hận thù cũ tìm đến khủng bố tận nhà người can thiệp.

Ở phần trên, ta nói chuyện gửi người ra nước ngoài lao động thực chất là một cuộc đi bán mồ hôi nước mắt, có khi mất cả danh dự nhân phẩm. Còn cuộc ra đi duy trì trật tự bình yên ở nơi này nơi khác trên hành tinh, dù gắn vào đó những trọng trách ồn ào và vinh dự lớn lao, về thực chất cũng là một cuộc trả giá bằng máu, phải chấp nhận rủi ro về tính mạng.

Như cuộc hòa giải đường phố kia, dù có biện pháp gì đi nữa thì cũng phải tránh lò lửa chiến tranh. Ở một tư thế nhược tiểu, phải sống phụ thuộc vào nhau, phải mua hàng của hàng xóm và mong hàng xóm mua hàng của ta cho nên buộc phải làm nghĩa vụ trị an, phải tham gia gìn giữ bình yên khu phố. Nhưng mọi sự ràng buộc hơn thiệt về quyền lợi giữa hàng xóm láng giềng cũng phải đặt xuống dưới sự an toàn tính mạng. Không trực tiếp tham gia vào lò lửa, cũng không để cho chiến tranh đang ở đầu phố rốt cuộc lại chuyển đến tận nhà ta. Mọi hòa giải và thỏa hiệp đều phải dựa trên nguyên tắc tránh chiến tranh, tránh thiệt hại con người.

Xin nhắc lại, dù là sứ mệnh kinh tế thì vẫn phải bảo đảm danh dự và quốc thể. Dù là sứ mệnh trị an với toàn nhân loại thì vẫn phải lường trước rủi ro và thiệt hại máu xương.

Hồ Anh Thái

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/su-menh-va-nguyen-tac-33882.html