Sự nghiệp bị xóa sổ và cái giá của nạn bắt nạt ở Hàn
Nhiều người nổi tiếng Hàn Quốc đang đối mặt làn sóng tẩy chay sau một loạt cáo buộc bắt nạt trong quá khứ. Lời xin lỗi muộn màng không thể giúp họ cứu vớt tên tuổi, sự nghiệp.
"Khi những món ăn như kim chi củ cải, cà chua bi được phục vụ cho bữa trưa, nhóm của anh ta sẽ ném chúng vào các học sinh khác. Tôi vẫn nhớ rất rõ họ đã cười như thế nào sau khi thấy đồ ăn đập vào mặt hoặc quần áo của tôi. Tôi vẫn nhớ nụ cười chế giễu và ánh mắt đó, nó ý hệt những gì bây giờ anh ta thể hiện trên tivi".
Đó là một trong hàng loạt bài đăng tố cáo quá khứ đen tối của nam diễn viên Kim Ji Soo được đăng tải trên mạng xã hội hôm 3/3. Hàng loạt tài khoản ẩn danh đã cùng lên tiếng tố Ji Soo bắt nạt, quấy rối tình dục bạn học, có hành vi bạo lực nghiêm trọng từ cấp 2.
Sáng 4/3, trên trang cá nhân, nam diễn viên sinh năm 1993 đã thừa nhận toàn bộ cáo buộc bắt nạt, quấy rối tình dục bằng một bức thư viết tay.
Hiện Ji Soo bị đóng băng mọi hoạt động trong giới giải trí. Nhiều khán giả không chấp nhận lời xin lỗi của nam diễn viên, kêu gọi tẩy chay và thậm chí yêu cầu anh giải nghệ.
Scandal của Ji Soo tiếp tục nối dài danh sách các sao Hàn dính bê bối bắt nạt học đường. Trong những ngày gần đây, hàng loạt các nghệ sĩ trẻ khác như Seo Soo Jin (nhóm (G)I-dle), Hyunjin (Stray Kids), Lee Na Eun (April), ca sĩ nhạc trot Jin Dal Rae, diễn viên Park Hye Soo cũng phải đối mặt với những cáo buộc tương tự.
Đánh mất tương lai vì lỗi lầm quá khứ
Bình luận về xu hướng vạch trần quá khứ bắt nạt của người nổi tiếng trong những tháng đầu năm 2021, tờ Korea Herald cho biết: "Các chuyên gia nói rằng những cáo buộc thông qua mạng xã hội là hình thức 'trừng phạt công khai', vì hình phạt của pháp luật đối với bạo lực học đường tương đối nhẹ".
Sau khi thừa nhận hút thuốc lúc học cấp 2, to tiếng với bạn bè, thành viên Seo Soo Jin của nhóm (G)I-dle bị gỡ bỏ quảng cáo mỹ phẩm và có nguy cơ phải đền bù 200-300% tiền hợp đồng.
Tương tự, Lee Na Eun, thành viên nhóm April, bị nhiều nhãn hàng ngừng hợp tác và xem xét lại tư cách đại diện vì bắt nạt thành viên cùng nhóm. Scandal cũng cuốn phăng nhiều dự án phim của nữ idol.
Nam diễn viên Cho Byung Gyu bị hủy các lịch trình dẫn chương trình do cáo buộc bắt nạt. Các chương trình đã thu hình sẵn của anh như Long Live Independence, What Do You Do When You Play? cũng tuyên bố sẽ chỉnh sửa gấp để xóa bỏ phần xuất hiện của nam diễn viên.
Sau khi bị vạch trần quá khứ bạo hành bạn học, nữ diễn viên Park Hye Soo bị nhiều khán giả tẩy chay. Bộ phim Dear M vừa quay xong của Park Hye Soo bị cắt lịch phát sóng và có nguy cơ "xếp xó" khi có hàng nghìn người gửi đơn yêu cầu đài KBS cấm sóng cô.
Bê bối bắt nạt không chỉ gây chấn động giới giải trí mà còn khiến nhiều ngôi sao thể thao Hàn Quốc phải lao đao.
Đầu tháng 2 vừa qua, Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong, cặp song sinh được mệnh danh là "nữ thần bóng chuyền" Hàn Quốc, đã bị CLB chủ quản Heungkuk Life cấm thi đấu vô thời hạn, sau những cáo buộc bắt nạt bạn cùng lớp ở trường tiểu học và trung học.
Hiệp hội Bóng chuyền Hàn Quốc cũng loại chị em họ Lee khỏi danh sách tuyển quốc gia, tham dự Olympic Tokyo hay Volleyball Nations League.
Không lâu sau đó, hai VĐV bóng chuyền khác của đội OK Financial Group OKman - Song Myung-geun và Sim Kyoung-sub - đã thừa nhận quá khứ bắt nạt sau khi bị bạn cũ tố cáo. Hai VĐV này cũng bị câu lạc bộ cấm thi đấu vô thời hạn.
Theo Cho Yong-goo, tổng thư ký của Hiệp hội Bóng chuyền Hàn Quốc, những scandal bắt nạt, hành hung, bạo lực gần như đã đặt dấu chấm hết đối với sự nghiệp thể thao của những VĐV này.
"Những VĐV bị phát hiện là kẻ bắt nạt trong trường học sẽ bị truất quyền thi đấu. Đối với bất kỳ ai chuẩn bị trở thành huấn luyện viên, án phạt vì bắt nạt sẽ là một trở ngại lớn", ông Cho nói.
Bài học cho những kẻ bắt nạt
Các chuyên gia cho rằng làn sóng tố cáo đang "lan rộng như cháy rừng" trong cả showbiz lẫn lĩnh vực thể thao, có cả mặt tốt và xấu.
Về khía cạnh tích cực, xu hướng này có thể khuyến khích nhiều nạn nhân lên tiếng hoặc gửi lời cảnh báo nghiêm khắc tới những kẻ bắt nạt.
Lee Jeong-hee - giáo viên tại Healing Center Haemalgum, một tổ chức dành cho nạn nhân của bạo lực học đường - cho biết: "Những tiết lộ này có thể giáo dục học sinh về bắt nạt học đường là gì và làm thế nào để không trở thành kẻ bắt nạt những người khác".
Trong một cuộc khảo sát năm 2020 do Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố hồi đầu năm, 28,1% trong số 9.300 học sinh thừa nhận bị bắt nạt cho biết không có lý do cụ thể để xác định một hành động là bắt nạt hay chỉ là đùa giỡn.
Lee nói rằng những tin tức về việc người nổi tiếng lao đao, mất sự nghiệp vì quá khứ bắt nạt, bạo hành, quấy rối tình dục sẽ gửi lời cảnh báo đến những học sinh đang bắt nạt bạn bè trong trường học.
"Nó có thể dạy cho những kẻ bắt nạt rằng hành động sai trái của mình có thể trở lại và ám ảnh họ sau nhiều thập kỷ. Họ sẽ phải trả giá đắt hơn, không thể làm điều mình mong muốn và mọi thứ sẽ sụp đổ vì quá khứ đen tối", Lee nói.
Tuy nhiên, Lee cũng chỉ ra rằng khi các vụ bạo lực học đường được vạch trần, hầu hết chỉ tập trung vào việc bêu rếu, trừng phạt và cải tạo những kẻ bắt nạt, trong khi các nạn nhân ít được quan tâm, giúp đỡ.
"Quan điểm của công chúng đối với bạo lực học đường đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Trước đây, nó chỉ được coi như một sai sót nhỏ, có thể xảy ra giữa các bạn cùng lớp.
Hiện tại, vấn đề này đã được coi trọng hơn. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự quan tâm đến những nạn nhân có thể bị tổn thương suốt đời, không thể hòa nhập lại với xã hội. Các nạn nhân mới là những người đáng được giúp đỡ nhất".
Kwak Geum-ju, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Những vụ bắt nạt học đường được tiết lộ gần đây đối với người nổi tiếng là do nạn nhân vẫn còn phải chịu chấn thương tâm lý cho đến khi trưởng thành. Họ muốn hàn gắn những ân oán, vết thương lòng mà mình đã phải chịu trong nhiều năm và yêu cầu một lời xin lỗi chân thành".