Sự nghiệp đỉnh cao của 'ông hoàng cải lương' Vũ Linh: Chán nản vì tưởng không có khán giả, hóa ra 12.000 người đang đợi nghe hát

Ngày 6/3, NSƯT Vũ Linh - 'ông hoàng sân khấu cải lương' Việt Nam qua đời ở tuổi 65 tại nhà riêng, sau quãng thời gian mắc bệnh ung thư.

NSƯT Vũ Linh - tượng đài của cải lương Việt Nam

NSƯT Vũ Linh - tượng đài của cải lương Việt Nam

Thông tin nghệ sĩ Vũ Linh qua đời khiến nhiều nghệ sĩ và khán giả vô cùng thương tiếc. NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM cho biết, nghệ sĩ Vũ Linh qua đời sau nhiều năm chống chọi bệnh hiểm nghèo. Ngoài ung thư thực quản, một số bệnh như cột sống, bệnh về tiêu hóa cũng ảnh hưởng khá nhiều đến công việc ca hát của ông những năm cuối đời. Năm 2022, ông xuất hiện trong show Kiếp cầm ca của nghệ sĩ Hồng Nga tại TP HCM. Đây cũng là lần hiếm hoi nam nghệ sĩ trở lại sân khấu.

Dù bị bệnh nhưng nghệ sĩ Vũ Linh luôn cố gắng cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Nghệ sĩ Thoại Mỹ - nữ đồng nghiệp trước đây từng nhiều lần biểu diễn chung với nghệ sĩ Vũ Linh chia sẻ ông từ chối phẫu thuật u ở thực quản vì không muốn ảnh hưởng đến giọng hát. Ông cũng hạn chế nhắc đến bệnh tình của mình vì không muốn người hâm mộ lo lắng.

Nghệ sĩ Vũ Linh không chỉ có giọng hát ngọt ngào, cảm xúc mà còn diễn xuất ấn tượng

Nghệ sĩ Vũ Linh không chỉ có giọng hát ngọt ngào, cảm xúc mà còn diễn xuất ấn tượng

Có lần, nghệ sĩ Vũ Linh đứng trên sân khấu biểu diễn cùng nghệ sĩ Thoại Mỹ, ông đã cố gắng quên đi đau đớn để hát vang, rõ. Những ngày tháng cuối đời, nghệ sĩ Thoại Mỹ cùng nhiều đồng nghiệp đến thăm, kể chuyện nghề để ông vơi bớt những cơn đau.

Nghệ sĩ Vũ Linh thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương Việt Nam. Tên tuổi của ông nổi tiếng với các tác phẩm: Hòn vọng phu, Giũ áo bụi đời, Lương Sơn Bá, Cô đào hát…

Ông có tên thật là Võ Văn Ngoan, SN 1958 tại Sài Gòn. Sinh ra trong gia đình nghèo khó nên việc học hành của ông còn dang dở. Năm 13 tuổi, ông theo học hát ở trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với thầy Văn Vĩ. Năm 1972, ông tham gia đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ, lưu diễn các tỉnh. Một thời gian sau, ông về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng, được nghệ sĩ Diệu Hiền, Trương Ánh Loan nhận làm đệ tử. Sau này, ông còn thọ giáo nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng để hoàn thiện thêm về nghệ thuật ca diễn tuồng cổ.

Năm 1981, nghệ sĩ Vũ Linh trở về thành phố, lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long. Năm 1988, ông cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2 và thực sự bước lên đỉnh vinh quang.

Thập niên 1990, nghệ sĩ Vũ Linh kết hợp với nghệ sĩ Tài Linh, trở thành đôi nghệ sĩ "thanh mai - trúc mã", được khán giả đặc biệt yêu mến. Không chỉ sở hữu giọng ca ngọt ngào, cảm xúc, hai nghệ sĩ còn diễn xuất ăn ý giúp tiết mục biểu diễn thêm ấn tượng. Khi tham gia Mưa bụi - chương trình ca nhạc video ăn khách một thời, cặp đôi nghệ sĩ càng thu hút nhiều khán giả trẻ đến với cải lương.

Thời kỳ hoàng kim, nghệ sĩ Vũ Linh đã có mức cát-xê lên đến hàng nghìn đô cho mỗi lần xuất hiện. Có chương trình, ông từng hát cho 12.000 khán giả, có người còn băng đèo lội suối đến nghe. Trong video của nghệ sĩ Hồng Phượng, nghệ sĩ Vũ Linh từng chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ về lần biểu diễn cùng các nghệ sĩ Thoại Mỹ, Lý Hùng… ở Đầm Môn. Khi đến nơi, ông không thấy ai, chỉ có bà bán đậu phộng, khoai lang ngồi bên cây đèn dầu.

“Lúc đó, tôi không muốn bước vô luôn, vì không thấy ai cả. Nhưng đến khi tôi vén màn thì chỉ muốn xỉu. Không thể tưởng tượng được có đến 12.000 khán giả.

Lúc đó, tôi có hỏi các em hậu đài thì họ cho hay, nếu tôi tới sớm, thì thấy cảnh tượng như một rừng đuốc vậy. Người ta từ trên đồi bên kia đi qua đây. Nhiều người muốn đi coi hát phải đem theo một bộ đồ. Chỗ diễn cách nhà họ một con suối, nước cao gần nửa người, phải lội qua. Lội qua xong mới tìm chỗ treo bộ đồ ướt lên rồi thay bộ đồ khô đi coi diễn. Đến khi đi về thì thay lại bộ đồ ướt để lội suối, xong rồi thay bộ đồ khô đi về nhà", nghệ sĩ Vũ Linh chia sẻ.

Nhiều lần, khán giả vây quanh ông xin chữ ký, thậm chí nam nghệ sĩ ký tặng khán giả từ sáng tới chiều. Vì các vai diễn của ông có xuất thân nghèo khó nên nhiều khán giả tưởng ngoài đời ông có cuộc sống vất vả. Nam nghệ sĩ từng chia sẻ: "Họ đến gặp cứ cầm tiền dúi vào tay, rồi mang cả đồ ăn mời tôi ngồi ăn và bảo: "Nhìn con khổ quá, con qua đây ăn đi con". Các cô, các bác cứ cho tiền, tới một nghìn, hai nghìn. Sáng sớm hôm đó tôi đi đổi ra được hẳn 28 nghìn đô (hơn 600 triệu đồng), trong khi đó lương của tôi được có hai nghìn đô (hơn 42 triệu đồng) là cao lắm rồi".

Nghệ sĩ Vũ Linh được phong danh hiệu NSƯT năm 1997. Ông cũng đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực cải lương như Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất, Diễn viên được yêu thích nhất. Ông chia sẻ niềm hạnh phúc lớn nhất của mình chính là mang tiếng hát cống hiến cho khán giả. Tình cảm yêu thương của khán giả cũng chính là động lực để ông gắn bó trọn cuộc đời với nghệ thuật.

Nam nghệ sĩ không lập gia đình, có một con nuôi. Ông có cháu gái là ca sĩ Hồng Phượng được ông hướng theo con đường ca hát từ nhỏ.

Tang lễ của nghệ sĩ Vũ Linh: Lễ nhập quan diễn ra sáng ngày 6/3, động quan lúc 11h ngày 9/3, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/su-nghiep-dinh-cao-cua-ong-hoang-cai-luong-vu-linh-chan-nan-vi-tuong-khong-co-khan-gia-hoa-ra-12000-nguoi-dang-doi-nghe-hat-325810.html