Sự nguy hại của nhựa tự hủy OXO đe dọa phát triển bền vững
Nhựa tự hủy OXO hoàn toàn không có khả năng phân hủy sinh học, mà phụ gia OXO chỉ giúp thúc đẩy quá trình phân rã của nhựa thành các hạt vi nhựa nhanh hơn.
Nhựa tự hủy OXO thực chất không thể tự phân hủy mà chúng dưới tác động của phụ gia OXO được pha thêm vào thành phần của nhựa, phá hủy thành những hạt vi nhựa (micro plastics) có thể tìm thấy trên đất liền, dưới biển, không khí mà chúng ta hít thở, và thậm chí cả ở trong cơ thể của các động vật sống.
Hạt vi nhựa có thể tồn tại trong vài trăm năm và gây tác hại tới môi trường sống, động thực vật và con người đồng thời ảnh hưởng việc phát triển bền vững.
Nhựa tự hủy OXO thực chất chỉ phân rã, không phải phân hủy
Một trong những nhầm lẫn phổ biến hiện nay là nhựa tự hủy OXO được xem là loại nhựa phân hủy sinh học (OXO - degradable).
Thực tế, nhựa tự hủy OXO được làm từ polyme thông dụng như PE, PP, PS và trộn với các chất phụ gia phân hủy OXO (oxo degradable) trong quá trình gia công. Khi gặp môi trường phù hợp như UV, tác động cơ học, các phụ gia này sẽ trở thành tác nhân oxy hóa, khiến cho nhựa nhanh chóng bị lão hóa, và phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ gọi là hạt vi nhựa. Những hạt vi nhựa này vẫn là các polymer gốc ban đầu (PE, PP, PS…), có thời gian tồn tại lên tới vài trăm năm. Chúng không có khả năng phân hủy sinh học và dễ dàng phát tán vào môi trường sống của chúng ta.
Về bản chất, nhựa tự hủy OXO vẫn là nhựa PE, PP, PS, thông thường và hoàn toàn không có khả năng phân hủy sinh học, mà phụ gia OXO thúc đẩy quá trình phân rã của nhựa thành các hạt vi nhựa nhanh hơn.
Những hạt vi nhựa khi lẫn vào môi trường đất, sẽ theo nước mưa đi vào các dòng nước ngầm, sông, suối, và cuối cùng là đổ ra biển. Các hạt vi nhựa này sẽ bị hấp thu và tích lũy trong các loài sinh vật nhỏ như đông vật phù du do bị nhầm lẫn với thức ăn. Sau đó, các động vật phù du này lại được làm thức ăn cho các loại cá nhỏ như cá cơm. Cá cơm lại là thức ăn ưa chuộng của cá ngừ đại dương và cứ thế tiếp tục đi vào chuỗi thức ăn của con người.
Mặc dù rất nguy hại với môi trường nhưng sản phẩm nhựa tự hủy OXO lại đang được sử dụng phổ biến bởi giá thành rẻ hơn khá nhiều so với các sản phẩm thân thiện với môi trường thật sự. Khảo sát thực tế trên thị trường với một Kilogram túi làm từ nhựa tự hủy OXO đang có giá bán khoảng 26.000 - 30.000 đồng/kg trong khi túi có nguồn gốc từ nhựa phân hủy sinh học có giá bán khoảng 130.000 - 135.000 đồng/kg. Như vậy, sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO đang rẻ hơn 4 - 5 lần so với sản phẩm phân hủy sinh học.
Vì giá rẻ nên việc sử dụng tràn lan các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tự hủy OXO sẽ gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Vi nhựa độc hại dần tích tụ trong cơ thể thực vật, động vật và sau đó theo chuỗi thức ăn xâm nhập vào cơ thể con người. Gần đây nhất, vào cuối tháng 3/2022, các khoa học Hà Lan đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu của 17 mẫu trong 22 mẫu máu người hiến tặng ẩn danh, tất cả đều là người lớn, khỏe mạnh (theo tờ The Guardian).
Thấu hiểu rõ tác hại khôn lường của sản phẩm nhựa tự hủy OXO, trên thế giới nhiều nước đã ra lệnh cấm sử dụng hoàn toàn. Tại thị trường EU, từ ngày 3/7/2021 tất cả các sản phẩm nhựa dùng một lần sản xuất từ nhựa tự hủy OXO như đĩa nhựa, dao thìa dĩa, ống hút, que bóng bay, bông ngoáy tay đã bị cấm nhập khẩu… EU đã loại trừ sản phẩm này ra khỏi thị trường bởi nhận thức rõ mức nguy hại của nó đối với sự phát triển bền vững.
Trong một bài viết trên ấn phẩm của Hiệp hội nhựa sinh học châu Âu, ông Hasso Von Pogrell, Giám đốc điều hành Ủy ban châu Âu chia sẻ, Ủy ban châu Âu từ lâu đã cảnh báo về tác hại của nhựa tự hủy OXO đối với môi trường và khả năng gây nhầm lẫn giữa sản phẩm này đối với các sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học thật sự. Trong vài năm qua, việc gắn mác xanh cho các sản phẩm tự hủy OXO đã gây hiểu lầm cho cộng đồng về khả năng phân hủy sinh học của các sản phẩm này.
Ô nhiễm vi nhựa là một vấn đề nghiêm trọng với hệ sinh thái biển. Nếu không được xử lý đúng cách, những chiếc túi phân rã lại tạo hiệu ứng ngược đối với môi trường.
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã cấm sử dụng nhựa tự hủy OXO từ 3 năm trước. Năm 2019, xứ sở chùa Vàng đã ra quyết định cấm sử dụng ba sản phẩm nhựa trong đó có nhựa tự hủy OXO, thể hiện động thái mạnh mẽ với vấn đề rác thải nhựa và cuộc chiến chống lại nó.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quyết liệt trong công cuộc nói không với rác thải nhựa cùng nhiều chính sách hợp lý như Canada, Ấn Độ…
Việt Nam đẩy mạnh chống rác thải nhựa
Tại Việt Nam, mặc dù nhựa tự hủy OXO chưa bị cấm nhưng sự nguy hại mà nó đang gây ra đối với môi trường, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của quốc gia vẫn được nhắc đến.
Nhiều sản phẩm nhựa tự hủy OXO được bày bán các siêu thị
Theo GS.TS. Đặng Thị Kim Chi (Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường), trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới là cấm sử dụng và tiêu thụ túi nilon có tác nhân phân hủy quang (OXO-Degradable) và chuyển sang sử dụng các loại túi chế tạo từ nhựa có khả năng phân hủy sinh học.
Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những giải pháp được đề xuất là đẩy mạnh chống rác thải nhựa. Cuộc chiến nói không với rác thải nhựa cần sự chung tay của mỗi người, biểu hiện ở hành động tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thay vì sản phẩm nhựa tự hủy OXO.
Thực tế, hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm bền vững ngày càng tăng tuy nhiên nhiều người vẫn chưa phân biệt được nhựa tự hủy OXO và nhựa phân hủy sinh học dẫn đến có sự nhẫm lẫn. Nhựa tự hủy OXO phân rã thành vi nhựa và không thể phân hủy hoàn toàn ngay, phải mất thời gian cả chục năm, trăm năm và có thể lâu hơn thế. Tuy có giá thành rẻ, nhưng những tác hại của sản phẩm này tới môi trường là rất lớn. Người tiêu dùng cần có nhận thức rõ để phân biệt, sử dụng đúng sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể phân hủy sinh học. Sản xuất nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn dự kiến sẽ tăng tới 20% vào năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.