Sự nổi tiếng không phải là đặc quyền miễn trừ trước pháp luật

Trước vụ việc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan hoạt động quảng bá sản phẩm có dấu hiệu gian dối thương mại, đại biểu Quốc hội cho rằng, đây không đơn thuần là một vụ án hình sự, mà còn là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những người nổi tiếng trong xã hội hiện đại.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên nghe đọc lệnh từ cơ quan công an. (Ảnh: Bộ Công an)

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên nghe đọc lệnh từ cơ quan công an. (Ảnh: Bộ Công an)

Danh tiếng không thể là “tấm khiên” trước pháp luật

Trả lời báo chí về vụ việc Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa bị khởi tố, tạm giam do liên quan đến hoạt động quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera có dấu hiệu gian dối thương mại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, ông Phan Viết Lượng khẳng định: Đây không đơn thuần là một vụ án hình sự, mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi đáng suy ngẫm về mối quan hệ giữa danh tiếng, trách nhiệm và pháp luật trong xã hội hiện đại.

“Vụ việc khiến nhiều người choáng váng, nhưng đồng thời cũng phản ánh một thực tế không thể khác: Danh tiếng không thể là ‘tấm khiên’ trước pháp luật”, ông Phan Viết Lượng - đại biểu Quốc hội Đoàn Bình Phước nhấn mạnh.

Theo ông, người nổi tiếng với sức ảnh hưởng lớn và lượng người theo dõi đông đảo đang trở thành một kênh truyền thông hiệu quả trong hoạt động thương mại. Nhưng chính vì vậy, trách nhiệm pháp lý và đạo đức nghề nghiệp của họ cũng phải tương xứng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Phan Viết Lượng. (Ảnh: Media Quốc hội)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Phan Viết Lượng. (Ảnh: Media Quốc hội)

“Khi hoạt động quảng cáo thiếu hiểu biết, thiếu chuẩn mực đạo đức, không gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm, thì người nổi tiếng hoàn toàn có thể trở thành công cụ tiếp tay cho gian dối thương mại”, ông nói.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu người nổi tiếng dính đến các vụ việc pháp lý liên quan đến quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, việc một hoa hậu từng được coi là biểu tượng, là hình mẫu trong mắt công chúng rơi vào vòng lao lý đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng buông lỏng chuẩn mực đạo đức trong một bộ phận người nổi tiếng hiện nay.

“Pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật cần kiên quyết, kịp thời và hiệu quả hơn trong việc giám sát, xử lý những hoạt động thương mại mang tính gian dối. Nhưng ở một góc nhìn khác, sự việc lần này không đơn thuần là trách nhiệm của một cá nhân, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với cả cộng đồng người nổi tiếng”, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết.

Sự nổi tiếng, theo ông, không phải là đặc quyền miễn trừ, mà là một dạng quyền lực cần đi kèm với nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.

Giới nghệ sĩ, hoa hậu, người có ảnh hưởng cần hiểu rằng công chúng đặt kỳ vọng vào họ không chỉ vì tài năng hay sắc đẹp, mà còn vì phẩm chất, vì sự gương mẫu. Khi họ sử dụng sự nổi tiếng để tác động đến hành vi tiêu dùng, họ đang nắm giữ một trách nhiệm xã hội lớn, không thể xem nhẹ, ông nhấn mạnh.

Theo đại biểu, vụ việc của hoa hậu Thùy Tiên có thể sẽ trở thành một bước ngoặt trong cách nhìn nhận về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là thời điểm quan trọng để cả cơ quan quản lý, truyền thông lẫn chính các cá nhân có ảnh hưởng phải nhìn lại vai trò của mình trong môi trường số đang ngày càng phức tạp.

“Trong một xã hội pháp quyền, chỉ có sự liêm chính, trung thực và tuân thủ pháp luật mới là nền tảng bền vững để xây dựng niềm tin, giá trị thực chất và bền vững”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Người nổi tiếng càng cần nâng cao hiểu biết pháp luật

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn thành phố Huế). (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn thành phố Huế). (Ảnh: Media Quốc hội)

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn thành phố Huế) cũng cho rằng, vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng.

Ông cho biết, đây là điều rất đáng tiếc bởi Thùy Tiên từng là hình mẫu truyền cảm hứng với giới trẻ, được yêu mến không chỉ nhờ nhan sắc mà còn qua các hoạt động thiện nguyện.

Khi người nổi tiếng dùng hình ảnh cá nhân để quảng bá sản phẩm, họ không chỉ là người tiêu dùng mà còn trở thành “bảo chứng” cho chất lượng sản phẩm. Việc quảng cáo sai sự thật không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm tổn hại niềm tin công chúng.

Người nổi tiếng cần nhận thức rõ rằng mỗi hành động, lời nói của mình đều có thể ảnh hưởng đến quyết định của hàng triệu người theo dõi. Vì thế họ càng phải cẩn trọng hơn trong lời ăn, tiếng nói, cách hành xử của mình.

“Trong thời đại mạng xã hội, người nổi tiếng càng cần ý thức sâu sắc hơn về ảnh hưởng của mình, nhất là với giới trẻ”, đại biểu Nam nhấn mạnh.

Vụ việc của Thùy Tiên cũng đặt ra yêu cầu siết chặt hoạt động quảng cáo trực tuyến và là bài học đắt giá cho giới nghệ sĩ, KOLs: Cần trung thực, cẩn trọng, và tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động thương mại, đặc biệt khi sử dụng uy tín cá nhân để tác động tới cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, đây là một sự việc khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và lo ngại.

“Trước khi vướng vào vòng lao lý, họ từng là những hình ảnh rất đẹp của thanh niên Việt Nam, là những gương mặt được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ. Vì vậy, sự việc này không chỉ gây tiếc nuối mà còn đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo nữ đại biểu, điều đầu tiên và quan trọng nhất được rút ra là thực trạng hiểu biết pháp luật còn mơ hồ, thậm chí thiếu hụt nghiêm trọng trong một bộ phận người nổi tiếng - những người đang có sức ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

“Tôi tin rằng có không ít người nổi tiếng, trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật mà không nhận thức đầy đủ về hậu quả pháp lý. Nếu có hiểu biết đầy đủ, nếu nhận thức đúng về ranh giới trách nhiệm, thì có lẽ họ đã không chấp nhận đánh đổi tất cả những gì đã gây dựng”, nữ đại biểu nói.

Việc một người nổi tiếng vốn đã có vị thế vững chắc, sự nghiệp rạng rỡ lại đánh mất tất cả vì thiếu kiến thức pháp luật là hồi chuông cảnh báo. Đại biểu cho rằng, điều đó cho thấy hiểu biết pháp luật của những người này còn chưa “đến nơi đến chốn, không biết trách nhiệm của mình đến đâu”.

Từ góc độ lập pháp, bà đánh giá cao việc dự thảo Luật Quảng cáo trình Quốc hội lần này đã bổ sung các điều khoản quy định rõ trách nhiệm pháp lý của người có ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo sản phẩm.

Đại biểu Nga cũng nêu rõ, song song với quy định pháp luật và tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, người nổi tiếng cũng cần có ý thức tự trau dồi, nâng cao kiến thức cho bản thân.

“Là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội thì càng cần phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng như các giá trị chuẩn mực đạo đức”, bà Nga nhấn mạnh.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/su-noi-tieng-khong-phai-la-dac-quyen-mien-tru-truoc-phap-luat-post881126.html