Sư ông Làng Mai đồng cảm nhạc Trịnh
Là vị thầy tiên phong đưa đạo Phật nhập thế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho thấy sự quan tâm tới nghệ thuật, ứng dụng nghệ thuật vào truyền bá giáo pháp. Ông không chỉ viết sách, làm thơ mà còn sáng tác một số bản thiền ca. Sư ông cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới Trịnh Công Sơn và từng đề nghị nhạc sĩ phổ nhạc cho những lời kinh…
Điểm tương đồng đầu tiên giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ là tinh thần phản chiến. Vài năm trước khi nhạc sĩ ra tập Ca khúc Da vàng, Thiền sư đã xuất bản các bài thơ nói lên sự vô lý của chiến tranh sau này được tập hợp trong tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt. Tập thơ tiếp theo Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện...
Trong buổi pháp thoại tháng 2/2004 tại tu viện Lộc Uyển (Mỹ), Thiền sư đã thay nhạc sĩ xưng “chúng tôi” nhấn mạnh sự tương đồng: “Chúng tôi có một ít can đảm dám nói sự thật” - cụ thể ở đây là tiếng nói phản chiến. “Thiền là chánh niệm. Chánh niệm là khả năng biết những gì thực sự xảy ra trong giây phút hiện tại. Trịnh Công Sơn nói lên sự thật là đang thực tập thiền”, Sư ông nhấn mạnh. Và cắt nghĩa Nguyên Thọ - pháp danh của nhạc sĩ tức là “được trao truyền từ suối nguồn lòng nhân ái từ bi và lòng dũng cảm”.
Cũng trong buổi pháp thoại này, Sư ông cho hay: “Trịnh Công Sơn có gởi cho tôi một tập nhạc đề là Tặng thầy Nhất Hạnh. Bây giờ tôi vẫn còn giữ. Tôi cũng có viết thư cho Trịnh Công Sơn để Trịnh phổ nhạc giùm một số bài kinh. Vì tôi biết rằng, nếu Trịnh Công Sơn phổ nhạc những bài kinh này thì Phật tử đọc, tụng, hát sẽ hay lắm, sẽ được nhiều lợi lạc. Thế nhưng thư của tôi bi thất lạc, đến khi Trịnh Công Sơn nhận được thư đó thì ông đã bị bệnh nặng nên không làm được. Thật đáng buồn!”.
Ông Nguyễn Trung Trực - phu quân của em gái Trịnh Công Sơn là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho hay, ông chính là người được giao nhiệm vụ gìn giữ thư từ của nhạc sĩ. Nhưng ông đã lục tìm mà không hề thấy thư của Thiền sư. “Sư ông có hỏi và chúng tôi cũng đã trả lời là thư đã không đến tay anh Sơn. Rất tiếc tôi cũng không biết tại sao…”.
Ông Nguyễn Trung Trực nhớ lại: “Khi anh Sơn mất, ngày đó gia đình rất xúc động tự dưng thấy một đoàn mười mấy người mặc áo vàng từ nước ngoài đến. Đó là đoàn Thầy Thích Nhất Hạnh cử về đi dự lễ tang Trịnh Công Sơn”. Báo chí mô tả đoàn có hơn 20 tăng sĩ, gồm cả người nước ngoài: “Họ, nước mắt rơi trên má, cùng bước vào gian nhà của Trịnh Công Sơn ở Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP.HCM) đồng thanh hát Cát bụi, Một cõi đi về...”.
Sau khi gửi thư cho nhạc sĩ mà không được hồi âm, khi về nước Sư ông có tìm các em của Trịnh Công Sơn nhưng cũng không gặp được. “Vì lúc đó mỗi người ở một nơi. Sau này tụi tôi mới có cơ hội diện kiến Thầy”, ông Trực cho biết. “Từ đó hai bên có một mối lương duyên rất gần gũi. Chúng tôi thường ra sinh hoạt với Sư ông, nhất là Sư cô Chân Không. Sư cô với các sư thầy nói ở Làng Mai thường xuyên hát nhạc Trịnh, gần như mỗi tháng. Và các thầy nói với tôi thuộc hơn 120 bài của nhạc Trịnh, kể cả những bài ít có ai hát”. Việc nhạc Trịnh phổ biến ở Làng Mai tất nhiên có sự định hướng của vị trụ trì. Vì Sư ông đã nói: “Có những bài hát của Trịnh Công Sơn có khả năng tưới tẩm hạt giống hiểu và hạt giống thương trong ta. Những bài đó người tu có thể hát”.
Sư cô Chân Không cũng kể với gia đình nhạc sĩ, trong thời gian cùng Sư ông đi khắp thế giới để kêu gọi hòa bình, Sư cô luôn luôn hát nhạc Trịnh tại những buổi diễn thuyết của Sư ông. “Trong những lần chúng tôi gặp Sư cô gần đây nhất cũng vậy, Sư cô luôn muốn hát nhạc Trịnh Công Sơn với Trinh”, ông Trực kể. Như để nối dài mối duyên với Làng Mai, đầu năm 2018, gia đình Trịnh Công Sơn có mặt trong số những mạnh thường quân tài trợ cho sự kiện công chiếu phim tài liệu Bước chân an lạc tại Việt Nam. Bộ phim đưa người xem đến với không gian sống và tu hành của tăng thân Làng Mai do hai nhà làm phim người Anh Marc J.Francis và Max Pugh thực hiện trong 3 năm.
Tháng 4/2019, ông Trực có mặt trong số đại diện Việt Nam đón đoàn 9 thượng nghị sĩ Mỹ tới thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Từ Hiếu. “Có ở đó mới thấy cái trân trọng của họ. Họ quỳ xuống, họ ngồi với Thầy kể những câu chuyện của họ. Xúc động nhất là một ông thượng nghị sĩ ở New Mexico kể mỗi lần bước đi trên sàn của thượng nghị viện để quyết định điều gì quan trọng cho đất nước ông luôn nghĩ về thiền chánh niệm, luôn nghĩ về Thầy Thích Nhất Hạnh để giúp ông có những quyết định sáng suốt nhất”.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink có mặt trong đoàn này khi đó có phát biểu trên trang Facebook của Đại sứ quán: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn là biểu tượng của lòng khoan dung và hòa bình. Thông điệp về chánh niệm và sống đơn giản của thầy đem lại sự an yên và truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta”. Đại diện gia đình Trịnh Công Sơn cũng khẳng định: “Công lao lớn nhất của Thầy là mang thiền chánh niệm - một hướng đi mới của Phật giáo ra thế giới”.
Người dẫn đầu đoàn, thượng nghị sĩ Patrick Leahy giải thích với ông Trực về tầm quan trọng của buổi viếng thăm Thiền sư. “Vì cùng đi với ông ấy có những thượng nghị sĩ trẻ là tương lai của nước Mỹ. Và ông muốn những thượng nghị sĩ này hiểu Việt Nam hơn, đặc biệt là thiền chánh niệm của Thầy Thích Nhất Hạnh. Vì vậy cả đoàn đã dành một buổi sáng để ở bên Thầy”, ông Trực kể đồng thời nhấn mạnh tầm vóc cũng như vai trò đặc biệt của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mối bang giao Việt - Mỹ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/su-ong-lang-mai-dong-cam-nhac-trinh-post1412629.tpo