Sự phân hóa vẫn tiếp tục diễn ra trong kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng

Theo các chuyên gia, sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn tiếp diễn trong quý II. Đáng chú ý, tín dụng đã có dấu hiệu cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giúp kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành cả năm 2024 tăng trưởng khoảng 15 – 17%.

Ngân hàng cải thiện tín dụng

Theo báo cáo từ Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra trong quý II/2024. Điều này đã được dự báo từ quý I khi các chuyên gia nhận định sự phân hóa giữa các tổ chức tín dụng vẫn duy trì rõ nét trong năm nay.

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2024.

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2024.

Dù vậy, tín hiệu tích cực đã xuất hiện với tăng trưởng lợi nhuận cải thiện, đặc biệt nhờ vào sự mở rộng biên lãi ròng (NIM) và sự tăng trưởng của các hoạt động ngoài lãi, được hỗ trợ bởi các điều kiện vĩ mô thuận lợi.

Các tổ chức có thế mạnh về cho vay doanh nghiệp và hệ sinh thái rộng lớn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, trong khi những tổ chức chuyên về mảng bán lẻ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, những tổ chức có khẩu vị rủi ro thấp lại có mức tăng trưởng thấp hơn cả về tín dụng và lợi nhuận.

Hoạt động cho vay trong quý II cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đã từ mức 1,42% trong quý I nhảy vọt lên 6,1% vào cuối quý II. Tuy nhiên, sự phân hóa giữa các đơn vị trong hoạt động cho vay cũng trở nên ngày càng rõ ràng.

PHS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho cả năm có thể đạt khoảng 14%, đặc biệt sau khi NHNN thông báo nới hạn mức tín dụng vào cuối tháng 8, mở ra cơ hội lớn cho một số tổ chức tài chính có tiềm năng tận dụng.

Tăng trưởng huy động vốn chậm

Mặc dù lãi suất huy động đã có dấu hiệu tăng nhẹ trong quý II, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống vẫn khá khiêm tốn, chỉ đạt 1.50% tính đến cuối nửa đầu năm 2024 (so với mức -0.53% của quý I). Một số tổ chức thậm chí ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi trong 6 tháng đầu năm.

Lãi suất huy động của các ngân hàng.

Theo PHS, sự yếu kém trong huy động vốn xuất phát từ một số nguyên nhân chính: Hoạt động cho vay gặp nhiều thách thức, với mức tăng trưởng tín dụng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước; nhiều tổ chức tín dụng tăng tỷ lệ LDR nhằm tối ưu hóa nguồn vốn trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt ở các đơn vị vừa và nhỏ; cùng với áp lực tăng của tỷ giá, dòng tiền rút khỏi Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Ước tính NHNN đã bán ra khoảng 5 tỷ USD, tương đương hơn 130 nghìn tỷ đồng.

Với những dấu hiệu khả quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh, triển vọng tín dụng được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện, kéo theo đó là xu hướng tăng của lãi suất tiền gửi trong những tháng cuối năm. PHS dự báo, lãi suất tiết kiệm có thể tăng thêm 0,50 – 0,80%, đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên mức 5,00 – 5,50%.

Trích lập dự phòng tăng

PHS cũng chỉ ra rằng, phần lớn các tổ chức tín dụng đã gia tăng trích lập dự phòng trong quý II/2024, với chi phí trích lập toàn ngành tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhiều đơn vị sụt giảm.

Theo đó, các chuyên gia dự báo, xu hướng trích lập dự phòng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm khi nợ xấu vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt đối với các tổ chức tập trung vào mảng bán lẻ. Ước tính tỷ lệ nợ xấu toàn ngành có thể đạt khoảng 2,06% trong năm 2024.

Sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng ngày càng rõ rệt. Các đơn vị có quy mô vốn lớn đang chiếm ưu thế vượt trội, trong khi những tổ chức có quy mô trung bình và nhỏ lại gặp nhiều thách thức hơn trong hoạt động cho vay, đồng thời chịu áp lực trích lập dự phòng cao hơn do chất lượng tài sản suy giảm.

Dù vậy, với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và NHNN nhằm thúc đẩy nền kinh tế, kỳ vọng triển vọng của hệ thống tín dụng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, đặc biệt khi áp lực tỷ giá giảm và các chính sách tiền tệ nới lỏng được triển khai hiệu quả.

Trong năm 2024, các chuyên gia kỳ vọng các tổ chức tài chính sẽ tập trung vào kiểm soát chất lượng tài sản, với tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành dự kiến ở mức 15 – 17%.

Theo ông Na Sung Soo, Giám đốc điều hành Công ty Chứng khoán Vina (VNSC), dự báo về kết quả kinh doanh quý III của ngành ngân hàng cho thấy tiềm năng phục hồi. Theo công bố từ NHNN, tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,15% và có thể đạt mục tiêu đề ra 14 -15% cho cả năm 2024. Mặc dù tín dụng đã tăng tốc vào tháng 4 nhờ sự phục hồi kinh tế, chủ yếu từ các ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc gia tăng tín dụng.

Về biên lợi nhuận lãi suất (NIM), dự kiến sẽ giảm nhẹ trong những tháng cuối năm 2024 do lãi suất tiền gửi tăng lên, trong khi lãi suất cho vay giữ nguyên hoặc giảm nhẹ để thu hút khách hàng. Dù vậy, thu nhập lãi thuần vẫn được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ vào tăng trưởng tín dụng, giúp bù đắp phần nào sự suy giảm của NIM. Tỷ lệ nợ xấu cũng đã suy giảm nhẹ trong quý II năm 2024, nhưng không phải là mối lo ngại đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Tổng thể, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện, với các ngân hàng lớn có khả năng hoạt động tốt hơn nhờ cơ sở khách hàng vững mạnh và tỷ lệ nợ xấu thấp. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ cần theo dõi hiệu suất trong quý tiếp theo. Dựa vào những yếu tố này, có thể kỳ vọng vào hiệu suất tích cực từ các ngân hàng lớn và giữ vị thế trung lập đối với các ngân hàng nhỏ hơn.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/su-phan-hoa-van-tiep-tuc-dien-ra-trong-ket-qua-kinh-doanh-cua-he-thong-ngan-hang-159792.html