Sự phát triển của tiền điện tử như Libra gây khó khăn trong chống rửa tiền quốc tế
Việc các loại tiền điện tử tương tự như Libra của Facebook được sử dụng rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn các mô hình rửa tiền và đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố.
Tin từ TTXVN cho biết, Lực lượng đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF) ngày 18.10 đã cảnh báo việc các loại tiền điện tử tương tự như Libra của Facebook được sử dụng rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn các mô hình rửa tiền và đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố.
Theo FATF, các "stablecoins" (các loại tiền điện tử cơ bản được gắn với đồng tiền truyền thống) có tính ít biến động, không phụ thuộc vào ngân hàng trung ương nào, có thể khiến công chúng chấp nhận rộng rãi, thanh toán ngang hàng online mà không cần đến các cơ chế quản lý trung gian, do đó gây cản trở đến các nỗ lực ngăn chặn hoạt động tội phạm.
Trong bối cảnh Facebook đang thúc đẩy tiền điện tử Libra của mình vào thương mại điện tử và thanh toán toàn cầu, cho rằng Libra sẽ mở rộng độ tiếp cận dịch vụ tài chính tại các nước đang phát triển, giảm chi phí cao và thời gian chuyển tiền lâu hiện nay thì nhóm các nước phát triển G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Canada, Ý) cho rằng, việc sử dụng rộng rãi các loại tiền điện tử như thế sẽ đe dọa đến hệ thống tiền tệ thế giới và sự ổn định tài chính.
Do đó G7 cho rằng chỉ nên sử dụng những loại tiền điện tử như Libra khi các rủi ro nêu trên được tháo gỡ.
Dự kiến năm 2020, FATF sẽ công bố báo cáo về "stablecoins" do các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương các nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế G20 soạn thảo.
Tiền điện tử đang dần trở thành xu hướng công nghệ mới trên toàn cầu, kể cả ở Việt Nam. Tiện ích khá lớn của chúng là tiết kiệm chi phí, giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khó bị làm giả, các giao dịch được bảo mật thông tin chặt chẽ, khó bị đánh cắp.
Về cơ bản đây là phương thức thanh toán mới nên cần được đối xử như một công nghệ mới, cần đưa vào khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh loại hình này còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm quản lý thì chưa nên công nhận giao dịch bằng tiền điện tử
Vấn đề cần làm trong thời gian tới là xây dựng khung pháp lý và đặt ra các điều kiện về mục đích sử dụng tiền điện tử, kèm theo chế độ đăng ký, báo cáo có liên quan để phòng ngừa các hoạt động chuyển tiền lậu hay rửa tiền.
A.T.T tổng hợp