Sự phô diễn của gió

Nhiều cơn bão liên tiếp ập vào miền Trung, phóng viên thường trú tại địa bàn phải di chuyển thường xuyên để phản ảnh hoạt động phòng, chống lụt bão; từ đó phục vụ cho công tác chỉ đạo, rút kinh nghiệm, tạo cầu nối để xã hội chung tay chia sẻ nỗi đau với sự mất mát. Bài viết này phóng viên đề cập đến câu chuyện của gió, nhận định về nguyên nhân sạt lở từ những cơn gió lớn và sức chống chọi của người miền Trung.

Hình ảnh đáng sợ khi sóng biển len theo ngõ ngách để tràn vào làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương

Hình ảnh đáng sợ khi sóng biển len theo ngõ ngách để tràn vào làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương

Gió hú

Mưa gió mù mịt. Cây cối nghiêng ngả và phát ra âm thanh răng rắc. Tiếng cây ngã đổ đầy nguy hiểm cứ như treo lơ lửng trên đỉnh đầu. Đó là lúc gần 12 giờ trưa ngày 14-11, trên đỉnh đèo Hải Vân, thời điểm cơn bão số 13 có tên quốc tế là Vamco đang hướng vào các tỉnh miền Trung, hoàn lưu bão cực lớn, quét từ Quảng Ngãi ra tới Quảng Bình. Trang quốc tế của các báo đưa hình ảnh nơi cơn bão quét qua ở các tỉnh Catanduanes, Camarines Norte, Camarines Sur của Philippines là núi sạt xuống đường, nhà ngập gần tới nóc, cây đổ ngổn ngang, 53 người chết, 22 người mất tích, thủ đô Manila bị tê liệt.

Mũi tấn công chính diện của bão Vamco chính xác là vùng nào? Quảng Nam hay Đà Nẵng, hoặc Thừa Thiên Huế…? Thông thường, việc dự đoán sẽ có kết quả tương đối chính xác khi cơn bão vào gần. Từ 12 giờ trưa ngày 14-11, lệnh “cấm ra đường” được phát trên các kênh thông tin công cộng và mạng xã hội. Phần lớn người dân đều chấp hành. Trên đường từ thành phố Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế không hề có trạm kiểm soát chốt chặn nào để buộc người dân thực hiện lệnh cấm. Tuy nhiên, càng gần đến mốc 12 giờ trưa thì nhiều ngôi nhà đã bắt đầu đóng kín cửa. Đỉnh đèo Hải Vân trở nên thâm u hơn bao giờ hết.

Không còn tuyến xe từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế, nên chúng tôi vượt đèo Hải Vân trong ngày mưa bão. Lúc 12 giờ trưa ngày 14-11, toàn bộ khu đỉnh đèo giống như ngôi làng chết. Tôi không thể nào lôi được máy ảnh ra chụp cảnh tượng hùng vĩ, nhưng cũng đáng sợ, vì mây trôi cuồn cuộn, gió thổi ầm ầm như bão đã tới. Hóa ra trên đỉnh đèo, điểm cao sẽ là nơi hứng gió đầu tiên. Vì vậy, những cây trên sườn núi bắt đầu gãy gập và đổ nhào xuống đường. Cánh tài xế chạy xe chở dầu tăng tốc hết cỡ để vượt đèo cũng phải dừng lại, ngó nghiêng khung cảnh gió hú, mây bay.

Đi qua vài cơn bão lớn, quan sát kỹ, tôi nghiệm ra một điều, gió ầm ầm từ biển vào bờ như một trận cuồng phong. Nhưng chỉ thấy được gió mạnh, nếu gió đi qua những khu nhà dày đặc, đi qua đỉnh núi, hoặc xuyên qua rừng cây. Những ngôi nhà nào không tháo dỡ mái hiên, không buộc rút dây từ mái hiên xuống mặt đất, không chặn mái nhà thì sẽ trở thành “mồi ngon” của gió. Khi gió đã lọt được cả luồng vào nhà thì ngôi nhà đó lập tức biến thành cảnh thảm thương.

Gầm gừ gió

Những người có mặt trong đội hình sẵn sàng ứng cứu lúc mưa bão, những phóng viên đi tác nghiệp vùng bão, nếu ngay từ giờ phút đầu đã nấp kỹ trong nhà thì sẽ không dám đương đầu với gió. Bởi vì nếu khoác trên người chiếc áo mưa, lặn lội khắp thôn xóm trong khung cảnh mưa lạnh, gió rít, tiếng mưa rơi lộp bộp thì không nghe được tiếng gầm gừ đầy dọa nạt của gió.

Tiếng gió trong cơn bão số 9 ở miền biển tạo ra nhiều âm thanh đáng sợ. Ảnh: Văn Chương

Tiếng gió trong cơn bão số 9 ở miền biển tạo ra nhiều âm thanh đáng sợ. Ảnh: Văn Chương

Xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là nơi tâm bão số 9 có tên gọi quốc tế là Molave ập vào. Tôi đến đây và ở lại, để rồi nghe đủ thứ âm thanh, có cả tiếng gió rít kéo dài rồi biến thành tiếng giống người rên rỉ đầy ma quái. Trong đêm 27-10, bão thì chưa vào, nhưng gió đã biến không gian ở làng chài này giống như nơi diễn tấu những bản nhạc kỳ lạ của thiên nhiên.

Từ ngôi nhà cách bờ biển 100m, tôi nghe tiếng gió rít lên theo luồng, giống tiếng gió đi qua khe núi mà tôi từng nghe trong lần trèo Fansipan ở Lào Cai cách đây hơn 6 năm về trước. Tiếp đó là tiếng ùng ùng, có sự pha trộn giữa tiếng gió với tiếng lồng của mái tôn. Âm thanh này tôi từng nghe ở vùng tâm bão số 5 tại cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế, khi nhiều mái tôn bị hất văng và treo lủng lẳng trên trụ điện.

Mỗi khi có tiếng gió hú, nhiều người đến tránh trú bão trong ngôi nhà này lại im bặt, ánh mắt lo lắng. Ông Dương Tấn Long, 70 tuổi, một người dân địa phương đã có nhiều kinh nghiệm về biển cả cho biết, mỗi khi gió dừng lại và im lặng là bão đang hút trong không gian và nó mạnh dần lên, khi hút đủ nguồn lực thì bão sẽ tăng tốc và báo hiệu bằng tiếng hú, giật mạnh, thổi một phát là bay nhà, nhà cấp 4 là bay hết.

Lúc 1 giờ sáng ngày 28-10, tôi bật dậy khi vừa mới ngủ được hơn 1 giờ và đặt câu hỏi “giờ này sao có tiếng la, kêu cứu? bão chưa vào nhưng tại sao lại có nhà sập?”. Nhìn xuống gian nhà trên, chỉ còn vài người già ngồi lặng lẽ bên ngọn đèn và không hề mảy may cảm xúc trước tiếng kêu. Tôi định thần lại và lắng nghe kỹ, thì ra âm thanh của gió vào lúc mờ sáng nghe khá kỳ lạ. Có lẽ cả đêm “chơi” giàn “nhạc cụ” để phát ra âm thanh hú, rít, hít, gào…thì tới giờ này, tất cả âm thanh đó cùng hòa một lúc và tạo ra thứ âm thanh giống như tiếng người. Nếu những người ở thành phố, người chưa từng trải qua những giây phút trong tâm bão thì sẽ nổi da gà trước sự đùa cợt của thiên nhiên.

Thần gió gọi ma núi

Lúc 9 giờ sáng ngày 28-11, bão số 9 ập vào đất liền thì khoảng 14 giờ chiều cùng ngày, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở đất, cuốn trôi cụm dân cư với 11 gia đình, 53 nhân khẩu và ban đầu chỉ 21 người chạy thoát. Các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã đưa ra nhiều nhận định ban đầu. Nhưng theo lời giải thích của người miền núi thì phần lớn đều do thần gió “đánh thức” sạt lở.

Sau bão, cây cối ở Trà Leng bị ngã gục trên núi, sau đó lũ quét cuốn cây xuống xóm làng như những mũi lao. Ảnh: Văn Chương

Sau bão, cây cối ở Trà Leng bị ngã gục trên núi, sau đó lũ quét cuốn cây xuống xóm làng như những mũi lao. Ảnh: Văn Chương

Ông Lê Ngọc Hà, người dân tộc Ca Dong, 60 tuổi, từng là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trà Leng đưa ra nhận định rằng “nó là do xăm đất, nước ngấm xuống sâu, sau đó thì núi lở”. Xăm đất được ông Hà giải nghĩa, đó là cây bị gió mạnh, gió lay cây liên tục, từ đó nước mưa không trượt trên bề mặt, mà ngấm xuống đất, sau đó thì đất tụt.

Nghiệm lại và khớp nối với hàng loạt những diễn biến thời tiết ở miền Trung trong thời gian qua, tôi nhận ra, đây là nguyên nhân mang tính thuyết phục rất cao. Vì ngay sau lưng Trạm kiểm lâm 67(xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), nơi xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 13 quân nhân và cán bộ đoàn công tác, khoảng 70 cây keo lai đều ngã rạp, bật gốc. Toàn bộ ngọn đồi giống như mới bị nhiều mũi khoan chọc xuống nền đất sét. Bão gió, cộng với mưa lớn kéo dài liên tục, cây trên núi bị gió xoay, lắc nên nước mưa ngấm xuống sâu hơn, vách núi no nước, biến thành bùn nhão, chỉ chờ cơ hội là đổ ập xuống.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/su-pho-dien-cua-gio-post435450.html