Sự phối hợp giữa '6 nhà' phải có tiếng nói chung!
Hôm nay, ngày 14-11, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của ngành (14-11-1945 - 14-11-2020). 75 năm qua, ngành Nông nghiệp của Việt Nam đã không ngừng phát triển, nhất là từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) đến nay, đưa Việt Nam từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực đã trở thành nước có lượng trái cây và lúa gạo xuất khẩu với số lượng lớn.
Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11-4-1946 Bác Hồ đã viết: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” cho thấy Bác Hồ đã đúc kết một thực tế của nhân loại. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng thường nói: Lương thực là Tổ quốc. Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước đã không ngừng lãnh đạo, thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng để ngành Nông nghiệp nước nhà phát triển. Đặc biệt là trong những năm qua, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuỗi liên kết đã được Đảng và Nhà nước tập trung thực hiện, đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho ngành Nông nghiệp phát triển, vươn lên.
Từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn, ngành Nông nghiệp đã có sự phát triển thần kỳ, đưa đất nước từ thiếu gạo trong thập niên 70, 80 của thế kỷ XX phải ăn độn với bo bo, đến năm 1989 Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo, sau đó vươn lên là một trong những quốc gia có lượng gạo xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới. Còn trái cây, từ xuất khẩu chuối, khóm hộp... trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, thì nay nông sản Việt đã được xuất khẩu đến gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand…, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu) và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước. Trong đó, Tiền Giang hiện có gần 80.000 ha cây ăn trái, sản lượng hằng năm hơn 1,4 triệu tấn trái cây các loại; cây lúa với diện tích gieo trồng trên 200.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm, đóng góp một phần quan trọng vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp nước nhà.
75 năm qua, ngành Nông nghiệp nước ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đó là góp phần tích cực trong xóa khó giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu đồng bào. Và không chỉ thế, ngành Nông nghiệp cũng đã giúp nông dân từng bước vươn lên khá, giàu; đồng thời, góp phần rất lớn làm cho “nước ta thịnh”, bởi khi nông nghiệp phát triển thì cả xã hội phát triển, đất nước đi lên.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, từ đó chưa phát triển ngang tầm với tiềm lực. Đó là quy mô sản xuất manh mún, trình độ sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao của nông dân còn hạn chế; tính cạnh tranh của nông sản chưa cao do chất lượng còn thấp; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; nông dân trồng tự phát, thiếu quy hoạch nên cung vượt cầu, từ đó giá cả nông sản, chủ yếu là trái cây bấp bênh, Nhà nước phải “giải cứu” cho nông dân.
Bên cạnh đó, các vấn đề như: Đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực hiện bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân nhằm ổn định đầu ra, giảm các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định…
Chính vì vậy, trong thời gian tới, để ngành Nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng thì vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời, sự phối hợp, liên kết giữa "6 nhà": Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối phải có tiếng nói chung!