Sự phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đồng
Nếu nhà quản lý không quan tâm đến các mối quan hệ khi đối mặt với những quyết định khó khăn, họ không những từ chối một phần bản thân mình mà còn là một quan điểm lâu đời của bản năng con người.
Kinh thư cổ của đạo Hindu, Upanishad, đã giải thích về quan điểm này bằng hình ảnh ẩn dụ: “Trên một cái bánh xe, tất cả cây căm đều hướng về tâm bánh xe và gắn chặt vào niềng bánh xe, vì thế mỗi cá nhân đều gắn chặt với nhau, vào thánh thần, vào thế giới xung quanh, vào hơi thở và thân thể của các cá nhân khác”.
Còn ở phương Tây, Aristotle phát biểu rằng con người là “một sinh vật xã hội và chính trị” - tức là con người thuộc về một nhà nước, có khả năng lập luận và những hành động hợp tác. Chính nhờ vào những chức năng này mà con người có khả năng phân biệt đúng - sai; thiện - ác; chính đáng - bất chính; công bằng - bất công.
Vào thời kỳ Trung cổ, truyền thống phương Tây đã chuyển đổi tư tưởng này thành một thế giới quan rộng khắp, giải thích rằng: vũ trụ được sắp xếp như một cấu trúc tổ chức khổng lồ. Thượng Đế là trung tâm của các thiên thần, bên dưới trần gian là những ông vua và những trung thần khác, sau cùng là các tầng lớp xã hội. Xuống sâu bên dưới lòng đất là Satan, quản lý các thiên thần sa ngã.
Cách diễn giải này bắt đầu bị suy tàn trong thời kỳ Phục hưng. Đối với nhiều người, sự nổi lên của các ngành khoa học hiện đại đã làm cho thế giới quan này trở thành một lối ẩn dụ mê hoặc hơn là cách mô tả về thế giới hiện thực.

Nhà quản lý cần quan tâm đến các mối quan hệ khi đối mặt với những quyết định khó khăn. Ảnh: Pinterest
Cho dù tư tưởng về thế giới ra sao chăng nữa, khái niệm “chúng ta” vẫn luôn luôn mạnh mẽ, đầy quyền lực. Martin Luther King Jr. đã viết trong Letter from the Birmingham Jail rằng: “Chúng ta sinh ra đã bị mắc míu vào mạng lưới ràng buộc tương hỗ không thể thoát ra được, bị dệt chung vào cùng một miếng vải mang tên định mệnh”.
Hầu như các tôn giáo ngày nay đều chấp nhận phần nào cách diễn đạt của King, và những người theo thuyết vô thần cũng nghĩ vậy. Ví dụ, Albert Einstein viết: “Dường như tôi không thể chấp nhận một cách nghiêm túc Thượng Đế là một khái niệm về nhân loại học. Khoa học bị kết án làm xói mòn đạo đức, nhưng lời kết tội đó không chính đáng. Hành vi đạo đức của một người nên dựa trên mối quan hệ xã hội, nền tảng giáo dục và sự cảm thông; chứ không cần dựa trên điều luật của một tôn giáo nào cả”.
Chúng ta đều biết tổ tiên loài người là những sinh vật chịu tác động lớn về các mối quan hệ và có khuynh hướng thiên về sự hợp tác với nhau. Vì chỉ như thế mới có hy vọng sống sót và duy trì nòi giống qua thời gian. Nhiều chứng cứ cho thấy con người gắn chặt vào mối quan hệ xã hội. Ví dụ, các nhà nghiên cứu về nhân loại học đã nghiên cứu về những trường hợp được gọi là “chú bé hoang dã”, những đứa trẻ được tìm thấy sống trong rừng và được các loài thú hoang dã nuôi lớn trong suốt quá trình trưởng thành mà không có bất kỳ mối tương tác nào với con người. Những đứa trẻ này gặp rất nhiều khó khăn trong việc học ngôn ngữ và không mấy thân thiện với người khác; một số còn không thể học cách đi thẳng lưng như con người. Những trường hợp này, cũng như các nghiên cứu tâm lý về những đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên trong môi trường bị lạm dụng, đều dẫn đến cùng một kết luận: cấu trúc và sự phát triển của bộ não từ lúc sinh ra đã định hình, con người chúng ta là một thực thể phụ thuộc lẫn nhau.
Nói tóm lại, khi đưa ra những quyết định khó khăn, chúng ta cần chú ý đến mối quan hệ và những giá trị, quy ước chi phối đến đối tượng đó. Như nhà xã hội học Philip Selznick viết: “Ngay từ khi bắt đầu, chúng ta nên nhìn ở góc độ xã hội, chứ đừng nhìn ở góc độ cá nhân”. Điều này có nghĩa là phải nhìn vào cộng đồng và tổ chức xung quanh chúng ta và cố gắng nhận thức được mối quan hệ đó có nghĩa gì đối với vấn đề trong vùng xám.
Nguồn Znews: https://znews.vn/su-phu-thuoc-lan-nhau-trong-cong-dong-post1567336.html