Sự quan tâm đặc biệt đến phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch COVID-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành khoảng 104 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn này cho thấy đây là một sự quan tâm rất đặc biệt.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến cơ chế, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến bày tỏ đồng tình với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu về thực trạng, những khó khăn trong đời sống và bất cập của chính sách cũng như một số giải pháp được đại biểu đề xuất liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số là đúng với thực tế.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc và ban hành Kết luận số 65 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Trên tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trình Quốc hội.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể và ban hành Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là quyết sách mang tính lịch sử.

Ngay sau đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết kèm theo Kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đã được thành lập do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Hiện đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2020 và Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực cũng đã hoàn thành xây dựng các tiêu chí.

Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội. Nguồn vốn này đã được bố trí trong giai đoạn 2021 và vốn trung hạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, việc triển khai được thực hiện minh bạch, khi chúng ta hiện thực hóa mục tiêu chương trình quốc gia này thì sẽ giải quyết căn cơ những nội dung, những khó khăn và chắc chắn đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên một bước.

“Trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch COVID-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành gần 104 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn này cho thấy đây là một sự quan tâm rất đặc biệt”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu /..

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/su-quan-tam-dac-biet-den-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui/413070.vgp