Sự quy chiếu của các đại từ 'họ, chúng' trong liên kết văn bản tiếng Việt

Các từ chỉ ngôi thứ ba có tác dụng liên kết câu với câu hoặc với tổ chức ngôn ngữ lớn hơn câu.

Diệp Quang Ban đã cho rằng: nó là phương tiện của quy chiếu chỉ ngôi. Bên cạnh các từ chỉ ngôi thứ ba hắn, y, nó, các từ chỉ ngôi họ, chúng cũng được coi là một trong những yếu tố ngôn ngữ điển hình thực hiện phép liên kết quy chiếu trong văn bản tiếng Việt.

Trong bài viết này, tác giả dựa vào lý thuyết của M.A.K Halliday và qua sự áp dụng vào nghiên cứu tiếng Việt của tác giả Diệp Quang Banđể nghiên cứu khả năng quy chiếu của từ họ, chúng trong liên kết văn bản tiếng Việt.

Một số vấn đề lý luận cơ bản

1. Khái niệm quy chiếu

Quy chiếu là vấn đề nền tảng trong ngữ nghĩa học và triết học ngôn ngữ. John Lyons cho rằng: thuật ngữ "quy chiếu" được đưa vào ngôn ngữ học là để chỉ mối quan hệ giữa các từ ngữ với những sự vật, hiện tượng mà chúng "thay thế". Quan hệ giữa từ, ngữ với sự vật (cái quy chiếu của từ ngữ) là quan hệ quy chiếu(1). Như vậy, quy chiếu liên quan đến "nghĩa của từ" và "tên gọi" - vấn đề cơ bản của thuyết quy chiếu về nghĩa.

Quy chiếu là mối quan hệ "tồn tại" giữa những từ ngữ trong một ngôn ngữ với những gì mà chúng "thay thế" trong thế giới khách quan (gồm cả thế giới cổ tích, cả sự tưởng tượng của con người). Tương tự như vậy, trong thế giới diễn ngôn (văn bản), "tồn tại" những yếu tố ngôn ngữ không rõ nghĩa nhưng lại có quan hệ "thay thế", "tương tự" giữa các thực thể ngôn ngữ rõ nghĩa trong cùng văn bản. Muốn hiểu nghĩa của yếu tố không rõ nghĩa, cần phải "quy chiếu" đến nghĩa của các thực thể ngôn ngữ có nghĩa. Đây là cơ sở của phép quy chiếu trong văn bản(2).

2. Khái niệm đại từ

Trong ngữ pháp học truyền thống, đại từ là "từ được dùng để đại diện cho một từ rõ nghĩa đã được dùng ở chỗ khác của ngữ cảnh, hoặc là từ đóng vai một tên gọi vắng mặt, nói chung là có mang một sắc thái không xác định"(3). Chúng ta thấy nửa đầu của định nghĩa này nói về chức năng thay thế trong văn bản của đại từ, nửa sau nói đến chức năng quy chiếu ra ngữ cảnh ngoài văn bản, nhưng ý này chưa diễn giải theo thuật ngữ quy chiếu ngày nay.

Hiện nay, người ta quan tâm hơn đến việc sử dụng ngôn ngữ nói/ ngôn ngữ tự nhiên với sự phát triển của Ngữ dụng học và Phân tích diễn ngôn. Đại từ chủ yếu được quan tâm, nghiên cứu theo hai cách sử dụng sau: Trước hết, đại từ là các từ thay thế cho từ, cụm từ hay câu ở bên trong văn bản. Chúng là từ quy chiếu trong văn bản hay nội chiếu. Trong cách dùng thứ hai, đại từ là những từ có tác dụng thiết lập mối quan hệ với các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, tức là có quy chiếu đến tình huống bên ngoài văn bản hay ngoại chiếu. Và việc sử dụng đại từ trong văn bản theo hướng nội chiếu hay ngoại chiếu cũng liên quan đến vấn đề quy chiếu(4).

Sự quy chiếu của các đại từ "họ, chúng" trong liên kết văn bản tiếng Việt

Từ điển tiếng Việt chú giải: đại từ họ là từ dùng để chỉ người ở ngôi thứ ba, số nhiều(5). Đại từ chúng là từ dùng để chỉ những người, những con vật được nói đến, thường với ý coi khinh(6). Ngoài ra, từ chúng còn được coi là phụ từ dùng trước danh từ, là từ biểu thị số nhiều, gồm tất cả những người hoặc động vật muốn nói đến.

Ví dụ:

Mời chị đến chơi với chúng em.

Theo kịp chúng bạn.

Mấy con chó này, chúng nó khôn lắm.

Cách chú giải trên chưa bao quát hết thực tế sử dụng của họ và chúng trong ngôn bản. Trong giao tiếp đối mặt, họ và chúng là những đại từ dùng để chỉ những người được nói đến (ngôi thứ ba, số nhiều) với sắc thái nghĩa khác nhau. "Những người được nói đến" này có thể có mặt trong ngữ cảnh tình huống nói năng. Nếu không có mặt, thì "những người được nói đến" thường đã được biểu thị bằng các danh từ, danh ngữ trong các phát ngôn đi trước. Sau đó, họ và chúng mới được sử dụng để chỉ "những người được nói đến", thực chất là thay thế các danh từ, danh ngữ. Trong văn bản, các đại từ này vừa thực hiện sự thay thế, vừa hồi chiếu về nghĩa với các danh từ, danh ngữ ở các câu đi trước. Điều đó cho thấy, họ và chúng có tác dụng liên kết các câu trong văn bản.

1. Sự quy chiếu của đại từ "họ"

Họ là đại từ chỉ ngôi thứ ba, số nhiều, có sự trung hòa sắc thái nghĩa. Nó chuyên được dùng để thay thế và hồi chiếu các danh từ, danh ngữ có nét nghĩa chỉ người trong các câu đi trước. Trước hết, đó là các danh từ, danh ngữ biểu thị khái niệm tập hợp. Ví dụ:

[1] Đàn bà lạ lắm. Cái gì thuộc về họ thì họ hành hạ đến nơi đến chốn, họ chỉ quí thứ tình gió đưa thôi. (Nguyễn Huy Thiệp)

[2] Cả lớp không ai ăn mặc như tôi. Họ mặc lối thị xã cả, đẹp thật, tôi cũng rất thích nhưng vì không tiền phải chịu. (Nguyễn Huy Thiệp)

[3] Có lẽ ở thế hệ trước thì cha anh tôi cũng giống như anh bây giờ. Họ mang lại đủ thứ cho chúng tôi, trước hết là vật chất, trừ mỗi một thứ là văn hóa sống. (Nguyễn Huy Thiệp)

Họ trong các ví dụ trên có nội dung, ngữ nghĩa khác nhau nhờ sự thay thế và hồi chiếu đến các danh từ, danh ngữ có nội dung ngữ nghĩa biểu thị những khái niệm tập hợp khác nhau trong các câu đi trước.

Một trường hợp khác thường gặp là họ thay thế và hồi chiếu những danh từ, danh ngữ có trung tâm là từ người, hoặc có nét nghĩa chỉ người, đồng thời lại có hình thức ngôn ngữ biểu hiện số nhiều đứng ở phía trước như những, các, bọn, lũ, một vài, mọi… Ví dụ:

[4] Mọi người trong nhà cô Phượng đều quan tâm săn sóc đến tôi. Họ biết có thể đến ngày mai tôi không còn ở trên cõi đời này nữa. (Nguyễn Huy Thiệp)

[5] Cô Phượng giới thiệu tôi cho các bạn gái của cô. Họ đều xinh đẹp, sồn sồn, có học thức, giàu có. (Nguyễn Huy Thiệp)

[6] Tôi im lặng, tôi không hiểu lắm về những người giàu tiền của và có học thức. Tôi thấy họ bí hiểm, họ giỏi giang, họ nguy hiểm. (Nguyễn Huy Thiệp)

Họ còn được dùng để hồi chiếu gộp hai danh từ, danh ngữ chỉ người có mặt ở câu trước hoặc ở hai câu phía trước. Ví dụ:

[7] Ngoài những người trên, gia đình tôi còn có ông Cơ và cô con gái gàn dở của ông… Thấy cha con ông tốt bụng, đáng thương vợ tôi sắp xếp cho họ ở với chúng tôi. (Nguyễn Huy Thiệp)

[8] Ba mẹ con ngồi trên chiếc ghế dài kê sát tường. Người lão bộc ngồi ở bậc cửa. Họ ríu rít nói chuyện đi đường, chuyện về những xe tay và người kéo xe. (Nguyễn Huy Thiệp)

[9] Người tù trên xe nhảy ào lên lưng con ngựa. Tôi chỉ thoáng thấy anh ta để tóc dài, mặc bộ quần áo chàm xanh. Cô gái Thái nhảy lên theo và họ lập tức phi ngựa băng qua các mẹt hàng, sạp hàng chạy về phía đường rừng Tạ Bú, tả ngạn sông Đà. (Nguyễn Huy Thiệp)

Trong các ví dụ trên, khi đọc đến câu chứa họ, người đọc buộc phải dừng lại một lát, hồi chiếu lại các thực thể ngôn ngữ có mặt ở các câu trước, xem họ là những ai, do các ngữ đoạn nào biểu thị, tức là xác định các tiền thể được đại từ họ chỉ số nhiều hồi chiếu đến. Mối quan hệ hồi chiếu giữa họ và các danh từ, danh ngữ được tri nhận gộp từ hai, ba câu kề nhau làm cho các câu đó có sự liên kết móc xích, câu nọ móc vào câu kia.

2. Sự quy chiếu của đại từ "chúng"

So với họ thì chúng/ chúng nó có sự khác biệt rõ rệt về sắc thái nghĩa khi được sử dụng. Đồng thời, các thực thể ngôn ngữ mà chúng thay thế, hồi chiếu có phạm vi ngữ nghĩa mở rộng hơn, từ những danh từ chỉ khái niệm trừu tượng đến những danh từ, danh ngữ biểu thị mọi sự vật, hiện tượng trong thực tế.

Giống như họ, chúng được sử dụng để thay thế và hồi chiếu đến các danh từ, danh ngữ chỉ người được đánh giá là có vị thế xã hội, vị thế giao tiếp thấp, kém so với những người khác (bao gồm cả người nói/ người viết). Ví dụ:

[10] Chưa bao giờ Chí Phèo được thỏa thuê đến thế! Hắn lấy làm lạ sao mãi đến hôm nay mới ngồi uống rượu với thằng cha Tự này. Chúng uống với nhau rất là nhiều. (Nam Cao)

[11] Người ta đổ ộc vào miệng những đứa bé con đang bú sữa mẹ hàng bát những thứ nước ấy. Chúng khóc thét lên vì gan ruột cào xé. (Nguyễn Huy Thiệp)

[12] Đật và Ninh mỗi đứa chiếm một bên cạnh mẹ. Chúng nó nằm phục vị, đầu chúi vào đít mẹ. (Nam Cao)

Trong các ví dụ trên, chúng thay thế và hồi chiếu đến các danh từ riêng chỉ trẻ con, chỉ những nhân vật có vị trí thấp kém trong xã hội được nhận thức dưới dạng số nhiều. Ở các ví dụ này, không thể thay thế chúng bằng họ, mặc dù cả hai đều hồi chiếu đến các danh từ, danh ngữ chỉ người. Ở đây có sự phân biệt về sắc thái nghĩa trong sử dụng của hai đại từ chỉ ngôi thứ ba, số nhiều này. Mặc dù vậy, chức năng hồi chiếu có tác dụng liên kết văn bản của họ và chúng/ chúng nó là như nhau.

Khác với họ, phạm vi thay thế và hồi chiếu của chúng/ chúng nó trong văn bản có phần rộng mở hơn. Chúng/ chúng nó còn được dùng thay thế và hồi chiếu đến cả các tiểu loại danh từ, danh ngữ (không có nét nghĩa chỉ người) chỉ động vật, thực vật; các danh từ biểu thị khái niệm tập hợp, khái niệm trừu tượng; đôi khi còn có các yếu tố ngôn ngữ chỉ hình thức số nhiều đi kèm như những, các… Ví dụ:

[13] Năm ấy, bỗng dưng trong rừng Hua Tát xuất hiện một loại sâu đen kỳ lạ. Chúng bé như những cái tăm, bám đầy chi chít trên những cành lá. (Nguyễn Huy Thiệp)

[14] Đôi gà rừng sẽ nghĩ là chưa gặp người. Như thế tốt cho chúng nó. (Nguyễn Huy Thiệp)

[15] Điều kiện sống thích hợp nhất của tre là nơi có nhiệt độ trung bình năm trên 22oC. Chúng mọc trên nhiều loại đất khác nhau. (Dẫn theo Trần Ngọc Thêm)

[16] Ôi những quyển sách nâng niu. Tôi đã nguyện giữ chúng suốt đời để lưu lại cái kỷ niệm một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng… (Nam Cao)

Ở các ví dụ trên, các danh từ, danh ngữ chỉ vật nói chung có yếu tố ngôn ngữ chỉ số nhiều đi kèm và các danh từ biểu thị khái niệm tập hợp chủ yếu được tri nhận dưới dạng số nhiều và được thay thế, hồi chiếu bằng chúng ở các câu đi sau. So sánh hai ví dụ sau:

[17] Thực dân phản động Pháp động viên hải lục không quân hàng chục vạn người. Chúng chi tiêu vào quân phí mỗi ngày hàng chục triệu bạc. (Hồ Chí Minh)

[18] Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc ta. (Hồ Chí Minh)

Trong hai ví dụ trên, các danh ngữ được đại từ thay thế và hồi chiếu có trung tâm là danh từ biểu thị khái niệm trừu tượng. Chế độ được nhận thức như một thực thể, một thể chế nên đã được thay thế và hồi chiếu bằng nó - đại từ chỉ ngôi thứ ba, số ít. Thực dân được tri nhận như một khái niệm tập hợp và dường như có nét nghĩa chỉ người nên thường được thay thế và hồi chiếu bằng chúng - đại từ chỉ ngôi thứ ba, số nhiều, nhất là khi trước danh từ thực dân có loại từ/ danh từ đơn vị chỉ người: bọn. Ví dụ:

[19] Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta.

Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành (…) (Hồ Chí Minh)

Trong đoạn văn trên, Hồ Chủ Tịch đã dùng tới 15 từ chúng để thay thế và hồi chiếu tới ngữ danh từ bọn thực dân Pháp với sắc thái nghĩa coi khinh, căm ghét. Các từ chúng này đồng hồi chiếu về bọn thực dân Pháp, do đó tất cả các câu có chứa từ chúng liên kết với nhau và liên kết với câu đứng đầu đoạn văn theo phương thức liên kết quy chiếu về nghĩa. Đặc biệt, Hồ Chủ Tịch đã thể hiện sự đánh giá, thái độ của mình đối với bọn thực dân Pháp và người Pháp, dùng đại từ họ thay thế và hồi chiếu ngữ danh từ người Pháp ở trong đoạn văn tiếp theo.

[20] Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng mà lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. (Hồ Chí Minh)

Trong ví dụ trên, chúng thay thế và hồi chiếu bọn thực dân Pháp; họ thay thế và hồi chiếu người Pháp. Cách Hồ Chủ Tịch sử dụng chính xác đại từ chúng và họ trong hai đoạn trên là một minh chứng cho sự khác nhau về sắc thái nghĩa trong sử dụng của hai đại từ này. Chúng "phân công" nhau thay thế và hồi chiếu đến những danh từ, danh ngữ có ý nghĩa chỉ tập hợp, chỉ số nhiều.

Kết luận

Các đại từ nhân xưng ngôi thứ ba họ, chúng là một trong các phương tiện hồi chiếu chủ yếu trong văn bản tiếng Việt. Các đại từ này được coi là những yếu tố "rỗng nghĩa", là những hình thức ngôn ngữ mà thay vì được giải thích theo ngữ nghĩa như tư cách của chúng thì lại được quy chiếu đến các thực thể ngôn ngữ khác đi trước để có được giá trị ngữ nghĩa. Họ, chúng/ chúng nó được dùng để thay thế và hồi chiếu các danh từ có ý nghĩa chỉ tập hợp hoặc những danh ngữ có có yếu tố ngôn ngữ chỉ số nhiều: những, các, vài, một số...

Nghiên cứu khả năng quy chiếu của các đại từ họ, chúng trong liên kết văn bản tiếng Việt có thể được dùng trong việc giảng dạy cho sinh viên Ngữ văn và Ngôn ngữ học, cũng như cho người nước ngoài học tiếng Việt. Những kiến thức này sẽ giúp họ sử dụng đúng đại từ nhân xưng, chỉ từ trong các chức năng chỉ trỏ hay thay thế và quy chiếu, góp phần vào việc tạo lập và tri nhận văn bản tốt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

([1]) John Lyons (1968), Nhập môn ngôn ngữ học lý thuyết, Vương Hữu Lễ dịch (1996), Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh, tr.636.

(2) Phạm Thị Hồng Tâm (2021), Sự quy chiếu của các đại từ "hắn, y, nó" trong liên kết văn bản tiếng Việt, Tạp chí Dạy và học ngày nay, kì 2 - 12/2021, tr.40.

(2) Diệp Quang Ban (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.517.

(4) Phạm Thị Hồng Tâm (2021), Sự quy chiếu của các đại từ "hắn, y, nó" trong liên kết văn bản tiếng Việt, Tạp chí Dạy và Học ngày nay, kì 2 - 12/2021, tr.40.

(5) Hoàng Phê (Chủ biên, 2009), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, tr.552.

(6) Hoàng Phê (Chủ biên, 2009), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, tr.239.

Phạm Thị Hồng Tâm - Trường Đại học Hoa Lư

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/su-quy-chieu-cua-cac-dai-tu-ho-chung-trong-lien-ket-van-ban-tieng-viet-179230107000258232.htm