Sự quý giá của World Cup
Những giọt nước mắt, cơn thịnh nộ tại Qatar cho thấy giá trị của giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Điều này phần nào dập tắt ý tưởng vung tiền tổ chức 2 năm một lần của FIFA.
Ngày 1/12, Thomas Muller rời World Cup trong nước mắt. Ngày thứ 2, Luis Suarez nức nở.
Ngày thứ 5, Maya Yoshida rơi lệ. Ngày thứ 9, Neymar bật khóc.
Ngày thứ 10, Cristiano Ronaldo mắt đỏ hoe và Harry Kane đổ gục.
Đây là sức mạnh của một kỳ World Cup - nơi cảm xúc được bộc lộ, lột trần và phơi bày, theo Independent.
Đây là nơi các cầu thủ nhớ lại mình từng là những cậu bé ôm giấc mơ to lớn. Không ai trong số họ muốn bộc lộ điều đó: Suarez giấu mặt trong áo, Ronaldo tiến vào phòng thay đồ, Kane cúi mặt khi các đồng đội bảo vệ anh khỏi máy quay.
Nhưng tất cả đều không thể kìm nén cảm xúc trong lòng.
Mỗi kỳ World Cup diễn ra như thể lịch sử được viết bằng loại mực không thể xóa nhòa.
Mỗi giải đấu vẽ nên bức tranh với những khoảnh khắc đáng nhớ: bàn thắng của Carlos Alberto năm 1970, bàn tay của Chúa năm 1986 của Maradona, pha va chạm của Nigel de Jong với Xabi Alonso năm 2010.
Một kỳ World Cup có ý nghĩa riêng mà không thể có cơ hội thứ 2 hoặc sửa chữa sai lầm.
Vì vậy, các cầu thủ khóc vì biết rằng họ không thể lấy lại những gì đã mất.
Thứ quý hiếm
Ronaldo sẽ không bao giờ vô địch World Cup. Không ai công nhận bàn thắng kỳ diệu trong trận tứ kết của Neymar, trong khoảng 13 phút là khoảnh khắc mang tính biểu tượng, định nghĩa sự nghiệp và khẳng định cuộc đời của anh. Cũng không thể tua lại quả phạt đền của Kane. Có lẽ ngày nào đó, anh sẽ có cơ hội khác để dẫn dắt đội tuyển Anh tới bán kết World Cup, nhưng hành trình tới đó còn dài và không chắc chắn.
Đây là điểm mấu chốt. Bóng đá không nhất thiết phải khiến người ta khóc, nhưng khả năng lay động tâm hồn của nó mới là thứ khiến người hâm mộ không thể rời mắt.
Gần đây, cuộc tranh luận về việc chuyển đổi World Cup nam và nữ từ các sự kiện 4 năm một lần sang 2 năm hầu như không gây ngạc nhiên. Tuy nhiên, rất nhiều cảm xúc dâng trào sẽ bị xóa bỏ nếu có giải đấu sắp diễn ra, nếu chỉ còn 18 tháng nữa.
Điều làm cho World Cup thành công như một sản phẩm thể thao là sự khan hiếm của nó, diễn ra 4 năm một lần. Tất cả đòi hỏi hàng thập kỷ để xây dựng, nhiều năm đáp ứng đủ điều kiện, nhiều tháng chuẩn bị, nhiều tuần hoàn thiện, nhưng mọi hy vọng đều có thể bị dập tắt bằng một cú sút.
Lionel Messi đã sống 35 năm, chơi bóng chuyên nghiệp gần 2 thập kỷ và định nghĩa lại những gì mọi người từng nghĩ là có thể. Tuy nhiên, liệu anh có thể tiếp bước Pele và Diego Maradona tiến vào đền thờ những người chiến thắng World Cup huyền thoại hay không sẽ được định đoạt vào 20h tại Doha (giờ địa phương). Điều đó sẽ không bao giờ có thể viết lại.
“Đây là kỳ World Cup cuối cùng của tôi. Thật ấn tượng khi được khép lại bằng trận chung kết. Còn một chặng đường dài phía trước cho phần tiếp theo, còn nhiều năm nữa và chắc chắn vì tuổi tác mà tôi sẽ không làm được”.
Điều đáng chú ý là có rất ít sự thúc đẩy cho ý tưởng tổ chức World Cup 2 năm một lần ở đây. FIFA có thể cố gắng khai thác giải đấu ở Qatar để thúc đẩy điều này.
Giám đốc phát triển toàn cầu của FIFA, Arsene Wenger, là gương mặt đại diện cho kế hoạch gây tranh cãi, nhưng đã có bước ngoặt lớn trong các bình luận với L'Equipe vào tuần trước.
“Tôi thực sự đã nghĩ về World Cup 2 năm một lần và tôi nghĩ đó không phải là một ý tưởng tồi. Nhưng sự phát triển như vậy đòi hỏi phải xem xét lại toàn bộ lịch thi đấu vòng loại. Chúng tôi sẽ không làm điều đó mà tập trung vào chu kỳ 4 năm xen kẽ với World Cup nữ đang ngày càng trở nên quan trọng hơn và Euro”.
Đây có vẻ là tín hiệu khả quan, nhưng chúng ta nên luôn cảnh giác. Mối đe dọa về một giải Siêu cúp châu Âu sẽ quay trở lại dưới hình thức nào đó, bất chấp nỗ lực của những người quan tâm đến trận đấu. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tranh luận về chu kỳ 2 năm của World Cup cũng sẽ nổi lên.
Tuy nhiên, tần suất tổ chức 4 năm một lần nhấn mạnh mọi thứ: nỗi đau và sự hoảng loạn, mối hiềm khích giữa Argentina và Hà Lan, niềm đam mê và tự hào của Morocco, sự căng thẳng khi các cầu thủ Hàn Quốc túm tụm quanh chiếc iPhone xem số phận của họ bị quyết định bởi một trận đấu khác.
World Cup này đã cho thấy giá trị của một thứ quý hiếm và điều đó đáng được bảo vệ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-quy-gia-cua-world-cup-post1385689.html