Sự sống trên Trái Đất có thể được sinh ra từ sấm sét
Vào 4 tỷ năm trước, sấm sét ở Trái Đất cổ đại đã giải phóng một lượng phosphorus đủ lớn để tạo ra sự sống.
Theo Benjamin Hess, sinh viên khoa học hành tinh của Đại học Yale, phosphorus là chất cần thiết cho sự hình thành của các cấu trúc tế bào cơ bản. Ngoài ra, nó còn là xương sống cho ADN và ARN.
Vào thời điểm ban sơ của hành tinh, nguyên tố này bị giam trong các khoáng vật trên mặt đất.
“Đa số khoáng vật này có đặc tính trơ, nghĩa là chúng ít phản ứng được với các hợp chất khác”, Hess cho biết. “Các vụ sấm chớp có thể đã gây nên một số phản ứng đặc biệt, từ đó tạo ra dạng phosphorus thích hợp cho sự sống”.
Trước đây, người ta cho rằng thiên thạch với khoáng chất có tên là schreibersite mới là thứ đem lại khởi nguồn cho sinh vật ở Trái Đất.
Tuy nhiên, vào khoảng 3,5-4,5 tỷ năm trước, khi sự sống xuất hiện, số lượng thiên thạch rơi vào Trái Đất đã giảm.
Người ta còn phát hiện được schreibersite trong fulgurite, loại thủy tinh được sinh ra khi sét đánh xuống mặt đất. Fulgurite được cho là chứa phosphorus từ mặt đất và có thể hòa tan.
Hiện nay, Trái Đất xảy ra 540 triệu vụ sấm chớp mỗi năm. Con số này ở khoảng từ 1-5 tỷ đối với Trái Đất cổ đại và có từ 100 triệu đến 1 tỷ trong số đó đánh vào mặt đất.
Với vài phép tính đơn giản, có thể thấy lượng phosphorus được tạo ra từ sấm sét trong vòng hàng tỷ năm là rất lớn.
Sở dĩ Trái Đất sơ khai có nhiều sét đến vậy là do hàm lượng khí C02 trong bầu khí quyển cao. Khí này góp phần làm tăng nhiệt độ địa cầu, và khi nhiệt độ tăng, lượng sấm sét được sinh ra sẽ nhiều và dữ dội hơn.
“Nghiên cứu của chúng tôi có thể áp dụng được cho bất kỳ hành tinh nào có thể tạo ra sấm sét trong bầu khí quyển. Với đủ lượng sét, hành tinh đó sẽ tạo đủ lượng phosphorus để bắt đầu sự sống”, Hess chia sẻ.
CNN