Sự sụp đổ của trật tự quốc tế truyền thống ở hạ lưu Mekong nửa sau thế kỷ XIX
Màn kịch này do chính De La Grandìere báo cáo lên các quan chức cấp trên ở Paris. Chúng ta không biết liệu sứ thần Huế có thực sự nhún nhường xin lỗi người Pháp hay không, tuy nhiên, theo lời của quan chức Pháp thì khung cảnh này đã làm cho vua Norodom bị 'shock' vì lần đầu tiên người Pháp cho thấy sự xác lập của 'trật tự mới' ở vùng hạ lưu Mekong.
Sau cuộc chạm trán này, viên tư lệnh quân Pháp để lại cho vua Norodom một bản hiệp ước bảo hộ để nhà vua suy nghĩ, còn ông ta đi chơi Biển Hồ. Ngày 10-8, khi ông này quay lại, nhà vua Cambodia thông báo rằng Hiệp ước Bảo hộ Pháp - Cambodia sẽ được ký kết vào ngày hôm sau (11-8-1863). Vận mệnh của nước Cambodia hiện đại đã được định đoạt sau một cuộc gặp gỡ như thế.
Chữ ký của Huế, Paris/Sài Gòn, Bangkok và Udong/Phom Penh trên các hiệp ước Pháp-Đại Nam (1862), Pháp-Cambodia (1863) và Pháp-Siam (1867) đã khép lại một kỷ nguyên của các quan hệ quốc tế và trật tự an ninh ở hạ lưu Mekong vốn được hình thành và vận hành hơn 3 thế kỷ với người Khmer ở giữa người Việt và Thái. Đây là câu chuyện về sự sụp đổ của trật tự quyền lực cũ và hình thành quan hệ quốc tế mới khi người Pháp bắt đầu công cuộc thực dân ở hạ lưu Mekong.
Vào giữa thế kỷ XIX, Bangkok và Huế rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan bởi cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ ở Cambodia. Bản thân triều đình Cambodia thường xuyên trong tình trạng chia thành hai phe nhóm, dựa vào hai thế lực Việt-Siam để tranh đấu quyền lực. Năm 1834, Minh Mệnh quyết định biến vùng đất này thành Trấn Tây Thành như một nỗ lực giải quyết dứt điểm vấn đề an ninh này.
Tuy nhiên, khó khăn hậu cần, vận tải, duy trì binh lính, đặc biệt là các cuộc nổi dậy của người Khmer với sự giúp sức của người Thái đã làm cho tình thế của người Việt trở nên khó khăn. Giải pháp của tình trạng đó là sự nhượng bộ của Huế và Bangkok, biến vương quốc Khmer thành Muang song fai fai (mường [nước] có 2 tôn chủ).
Điều này giữ cho tình thế ở hạ lưu Mekong được yên bình. Ít nhất là trên phương diện lãnh thổ, dù không có một hiệp ước như phương Tây, sự dàn xếp này phản ánh một sự thỏa hiệp quốc tế thay cho giải pháp quân sự. Đó cũng có thể coi là hiệp định hòa bình đầu tiên trước khi người Pháp tới.
Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Một thập kỷ sau, trật tự này đã nhanh chóng bị người Pháp tìm cách phá vỡ. Ngay khi chiếm được 3 tỉnh Nam Kỳ, năm 1861, đô đốc Charner cử phái đoàn của thiếu tá Lespès đi Cambodia.
Nhà vua Khmer sau đó phái một đoàn đáp lễ tới Sài Gòn, nơi ông ta tuyên bố về việc người Khmer đang có xung đột với Anam và sẽ dừng việc triều cống cho Huế. Quan hệ quốc tế truyền thống vùng hạ lưu Mekong bắt đầu sụp đổ khi người Pháp có được chữ ký của triều Nguyễn lên bản hòa ước năm 1862 mà qua đó họ có được 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn. Đó là bước đệm cho người Pháp đặt chân lên vùng Mekong.
Người Anh bắt đầu nhận ra tham vọng của Pháp và đẩy mạnh bành trướng ở Myanmar, gây thêm sức ép lên Siam và vùng trung lưu Mekong. Siam bắt đầu nhận ra thế khó bị kẹp hai bên Đông-Tây của mình và phản ứng để bảo vệ ảnh hưởng ở các chư hầu phía Đông, bao gồm Lào và Cambodia. Thực tế là hai vùng này đã và sẽ nằm trong tầm ngắm của người Pháp.
Từ năm 1855, người Pháp đã tới Siam và Cambodia để tìm kiếm cơ hội thương mại. Tuy không giành được một hiệp định nào, phái viên của họ Mongtiny (đại diện của Pháp ở Thượng Hải) nhận ra rằng các hàng hóa mà Siam có, ở Cambodia cũng tương tự nhưng với giá trị rẻ hơn và rõ ràng đã tìm thấy ở đây một tiềm năng thương mại lớn.
Như sẽ thấy dưới đây, tham vọng này sẽ trở lại vào năm 1859, mở rộng sang Cambodia năm 1863, lên trung lưu Mekong vào các năm 1866-1868 với phái đoàn thám hiểm của Doudart de Lagreé và cuối cùng là cuộc chiến ồn ào với Siam để giành lấy nước Lào vào những năm 1890.
Chiến thuật của người Pháp ở khu vực Mekong là gì? Họ tìm cách xác lập một trật tự quốc tế mới nhằm thay thế cho các thỏa thuận đang có giữa Siam-Udong-Huế. Trước tiên là tìm cách loại bỏ Đại Nam và Siam ra khỏi Cambodia. Cuộc đối đầu giữa Pháp và Siam diễn ra gây cấn trong việc tranh giành quyền tôn chủ, quyền bảo hộ và quyền lãnh thổ trên các vùng đất này.
Với Hiệp ước Pháp-Đại Nam 1862, Sài Gòn tuyên bố rằng họ sẽ kế thừa vai trò của Huế trong việc bảo hộ Cambodia. Người Pháp ép Siam chia sẻ quyền ảnh hưởng ở Cambodia. Họ sẽ lập lại đúng những gì Việt-Siam từng thực hành bằng việc can dự vào cuộc nội chiến ở vương quốc Khmer và đồng ý cho một thủ lĩnh nổi dậy là Sanongso cư trú tại đường biên giới với Nam Kỳ. Hành động này đáp trả việc Siam đưa quân vào Cambodia để dẹp loạn và lập Norodom làm “Phó vương của tỉnh Cambodia”.
Các hành động quân sự của Siam làm người Pháp lo lắng. Khi Sài Gòn đã được thiết lập, Pháp cần tiếp cận sông Mekong (để thực hiện giấc mơ đường sông tới Trung Hoa). Người Anh cũng đang đẩy mạnh bành trướng ở Đông Nam Á lục địa, và rõ ràng Paris không muốn thấy những kẻ cạnh tranh này chiếm mất các nguồn hàng và con đường sông chiến lược đó.
Đổi lại, Bangkok đã gia tăng đáng kể các hoạt động quân sự ở Cambodia, lo sợ rằng vùng đất này là mục tiêu tiếp theo của người Pháp. Điều này là có cơ sở bởi vì trước khi có các dự án nông nghiệp khổng lồ cuối thế kỷ XIX đến đầu XX nhằm biến Nam Bộ thành một không gian kinh tế độc lập thì Cambodia và Nam Kỳ tạo ra mạng lưới thương mại không thể tách rời.
Nỗi ám ảnh của người Pháp là Siam sẽ thâu tóm Cambodia và chuyển toàn bộ nguồn hàng hóa của nước này sang hướng Tây (thay vì đi xuôi theo Mekong về Sài Gòn). Viễn cảnh đó sẽ là một thảm họa đối với căn cứ thuộc địa đang được tạo dựng của Pháp.
Việc tấn phong của vua Norodom chính là một trong những màn kịch gay cấn nhất phản ánh các xung đột của nghi lễ, ngôn ngữ và biểu tượng ngoại giao mà phía sau đó là một trật tự quan hệ quốc tế đang thai nghén trên vùng hạ lưu Mekong.
Các quan chức giám sát của Siam đã đe dọa nhà vua Khmer rằng nếu ông không tham dự buổi lễ tấn phong tại Bangkok, ông sẽ đánh mất tự do của chính mình và lãnh thổ của Cambodia. Điều này đã có kết quả. Siam cũng không quên mời Tổng tư lệnh lực lượng Pháp tại Viễn Đông Pierre-Paul de La Grandìere tới dự với tư cách của một vị khách và người chứng giám!
Sài Gòn đã không ngồi yên. Doudart de Lagreé, chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn được phái tới Udong và theo sát vua Norodom như hình với bóng. Ngày 3-3-1864, nhà vua khởi hành khỏi Udong và hướng sang Siam. Ngày 6-3, Lagreé kéo cờ Pháp ở Udong và cho bắn 21 phát đại bác, đồng thời cảnh báo nhà vua Norodom rằng nếu ông ta sang Bangkok nhận tấn phong thì sẽ không có cơ hội quay trở về. Các tàu chiến của Pháp sẽ chặn đường Campot. Ngày 10-3, nhà vua quay trở lại và Siam phải nhượng bộ bằng một lễ tấn phong bởi cả Siam và Pháp tại Udong.
Nhưng “kẻ cắp bà già gặp nhau”. Siam cũng không phải tay vừa. 4 tháng sau Hiệp ước bảo hộ Pháp-Cambodia, các quan chức Siam giám sát ở Udong đã ký một hiệp ước bí mật với nhà vua Norodom (được biết đến với tên gọi hiệp ước bí mật Siam-Cambodia). Người Pháp hoàn toàn không hề hay biết sự tồn tại của nó cho đến khi viên lãnh sự của họ tại Bangkok đọc được bản dịch tiếng Anh trên tờ Straits Times của Singapore 9 tháng sau đó. Theo hiệp ước này, Cambodia công nhận quyền tôn chủ của Siam. Nhà vua Siam có toàn quyền đối với việc lựa chọn người thừa kế ngai vàng Khmer và can dự vào nhiều vùng lãnh thổ khác.
Người Pháp đã bị choáng với nước cờ ngoại giao của người Thái nhưng những bộ óc thực dân lão luyện ở Paris và Sài Gòn đã không dừng bước. Chiêu bài mới của họ là thuyết phục Siam rằng Cambodia cần phải là một nước độc lập và trung lập (theo lập luận của Bộ trưởng Hải quân Chasseloup-Laubat). Khi vua Pháp Napoleon III gửi thư cho vua Siam Mongkut, ông vẫn coi Norodom là “nhà vua của Cambodia”.
Ông cũng muốn bảo đảm rằng lãnh thổ Siam và Lào thuộc Siam phải dừng lại ở bờ Tây của sông Mekong. Quyền lực của Siam ở Battambang và Angkor cũng phải bị hạn chế vì nếu Pháp công nhận sự hiện diện của người Thái ở đó thì 2 tỉnh khác là Pursat và Kampong Svai cũng chịu chung số phận.
Tuy nhiên, trong 3 năm sau đó, việc Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ (1867) đã làm thay đổi căn bản cán cân quyền lực lượng trên vùng hạ lưu Mekong. Sức ép từ phía người Anh buộc Siam và Pháp phải nhanh chóng xác lập trật tự mới ở Cambodia và Lào. Bangkok có vấn đề riêng của họ khi bản thân mình cũng có nguy cơ bị phương Tây xâm lược.
Hệ quả của nó là Hiệp ước Pháp-Siam vào năm 1867 để kết luận vấn đề Cambodia. Theo đó, hiệp ước bí mật Siam-Cambodia bị vô hiệu. Siam công nhận quyền bảo hộ của Pháp trên vương quốc Khmer, đổi lại, Siam chiếm 2 tỉnh là Siamreap và Battambang. Lịch sử thực dân đầy bạo lực của vùng hạ lưu Mekong đã bắt đầu như thế.
Cuối cùng, trong vòng chưa đến một thập kỷ khi người Pháp xâm lược Nam Kỳ, họ đã tìm cách xác lập những luật chơi mới lên vùng hạ lưu Mekong. Công cuộc thực dân này không chỉ đưa đến một hình thức áp bức mới (tư bản) mà còn xác lập các cách thức mới của sự vận hành quan hệ chính trị-quyền lực, ngoại giao... mà trật tự cũ được thiết lập bởi Huế, Bangkok, Phnom Penh/Udong bị loại bỏ. Hiểu về quá trình này sẽ là một trong những mắt xích giúp tháo gỡ nhiều định kiến, hiểu lầm và niềm tin dân tộc mù quáng có thể làm cho tình hình hạ lưu Mekong căng thẳng.