Sự sụp đổ của Vương triều Shah
Năm 2001, 9 thành viên của Hoàng gia Nepal, bị sát hại. Vụ thảm sát được cho rằng dựa trên một lời sấm truyền có từ thuở xa xưa.
Năm 2001, 9 thành viên của Hoàng gia Nepal, bao gồm cả vua và hoàng hậu, bị sát hại. Nhưng nhà vua sau đó lên ngôi không được lòng dân và Nepal bãi bỏ chế độ quân chủ. Vụ thảm sát được cho rằng dựa trên một lời sấm truyền có từ thuở xa xưa.
Đêm lạnh trong cung điện hoàng gia
Tối thứ Sáu, ngày 1/6/2001, Hoàng gia Nepal tổ chức một bữa tiệc gia đình thân mật tại Cung điện Hoàng gia Narayanhity với sự tham gia của hơn 10 thành viên. Mục đích chính của bữa tiệc là bàn chuyện kết hôn của Thái tử Dipendra, 29 tuổi, con của Vua Birendra Bir Bikram Shah Dev và Hoàng hậu Aishwarya.
Sau khi dùng bữa, Thái tử Dipendra rời bàn ăn trong tình trạng lâng lâng do say rượu và hút thuốc lá chứa cần sa. Tuy nhiên, chỉ vài chục phút sau, từ Cung điện Narayanhity phát ra một loạt tiếng nổ khiến mọi người không khỏi kinh hãi.
Ông Rajiv Raj Shahi, con rể của Hoàng thân Dhirenda, em trai Vua Birenda, kể lại rằng sau khi Thái tử Dipendra kêu muốn về phòng nghỉ ngơi, ông cùng Hoàng tử Nirajan đưa Thái tử về phòng. Những người khác di chuyển qua phòng vẽ tranh hình chữ L, nơi có một chiếc bàn bi-a to, để giải trí và trò chuyện. Họ ngồi theo từng nhóm nhỏ.
Không lâu sau đó, tràng súng lấy mạng các thành viên trong gia đình Hoàng gia Nepal nổ ra. Vua Birendra bị bắn đầu tiên.
“Khoảng 9 giờ tối, tôi nghe thấy tiếng súng nổ nhưng tôi nghĩ rằng có ai đó đang chơi đùa. Rồi tôi nghe thấy tiếng la hét và ai đó kêu lên: Nhà vua đã bị bắn”, ông Raj cho biết.
Là bác sĩ quân y, ông Raj vội vàng chạy vào phòng tranh, tiến đến chỗ Nhà vua rồi cởi áo khoác, chặn lên cổ nơi đang chảy máu. Vua Birendra còn bị bắn vào bụng nên rất cần phải cầm máu.
Xung quanh đó, hai công chúa Shruti và Shobhi cũng bị bắn. Công chúa Shruti chết tại chỗ còn Shobhi bị thương. Ông Raj chạy thoát qua đường cửa sổ để kêu gọi sự giúp đỡ của cảnh vệ vì trong bữa tiệc thân mật của Hoàng gia, lính canh đã được yêu cầu chờ ở bên ngoài cung điện.
Trong lúc này, một tràng súng khác tiếp tục vang lên. Hoàng tử Nirajan và Hoàng hậu Aishwarya bị bắn chết trong vườn. Vào buổi tối định mệnh ngày hôm đấy, 9 thành viên trong Hoàng gia Nepal đã thiệt mạng gồm Vua Birendra, Hoàng hậu Aishwarya, Công chúa Shruti, Hoàng tử Nirajan, Công chúa Shanti, anh trai Vua Birendra, hai em gái và em rể nhà vua, Kuma Khadga. Vụ án trở thành vụ thảm sát hoàng gia lớn nhất trong lịch sử.
Hung thủ không ai ngờ đến
Ban đầu, thông tin về vụ thảm sát được giữ kín. Người dân Nepal chỉ biết rằng Vua và Hoàng hậu cùng nhiều thân quyến hoàng gia đã qua đời do một thiết bị tự phát nổ.
Sau cái chết của Vua Birendra, Thái tử Dipendra được trao quyền thừa kế nhưng chỉ vài ngày sau sự việc, Thái tử qua đời trong bệnh viện do bị thương nặng sau vụ thảm sát. Ngôi vị được chuyển cho em trai cố Nhà vua, Hoàng thân Gyanendra. Chỉ trong vỏn vẹn vài ngày, Nepal thay đổi 3 nhà vua. Khi lên ngôi, Vua Gyanendra hứa sẽ điều tra vụ án này thật kỹ lưỡng.
Kết quả về thủ phạm của vụ thảm sát khiến người dân Nepal không khỏi bàng hoàng. Đó không phải là quân bạo động như họ tưởng tượng mà không ai khác chính là Thái tử Dipendra.
Theo lời khai của các nhân chứng, sau khi trở về phòng ngủ, Thái tử đã gọi điện cho người yêu Devyani Rana ba lần. Rana kể rằng Thái tử nói chuyện lắp bắp, bảo cô rằng mình sẽ đi ngủ rồi cúp máy.
Sau đó, Thái tử rời phòng ngủ trong bộ đồ rằn ri và mang theo ba khẩu súng, trong đó có một khẩu M16.
Một người hầu nhìn thấy Dipendra ở đầu cầu thang nhưng không quá để ý đến các khẩu súng do Thái tử có sở thích sưu tầm vũ khí. Thái tử đi qua người hầu, tiến thẳng đến phòng tranh rồi nã phát súng đầu tiên vào cha mình, Vua Birendra, trong sự hoảng loạn của người thân.
Những người hầu đã cố gắng phá cửa kính vào phòng tranh để giải cứu những thành viên hoàng gia khác nhưng động tác của Thái tử quá mau lẹ. Rất nhiều người ngã xuống. Sau đó, Thái tử đã đi tìm mẹ mình trong vườn.
Khi muốn ra tay với Hoàng hậu Aishwarya, Dipendra đối mặt với sự phản kháng từ em trai, Hoàng tử Nirajan. Nirajan lấy thân mình che chắn cho Hoàng hậu và van nài: “Xin anh đừng làm vậy. Hãy giết em nếu anh muốn”. Kết cục, cả Hoàng tử lẫn Hoàng hậu đều bị bắn chết.
Sau đó, Thái tử tự nã súng vào đầu mình và được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Thái tử được tìm thấy nằm trên một cây cầu bắc qua hồ gần phòng riêng. Dipendra hôn mê trong nhiều ngày rồi qua đời 3 ngày sau vụ thảm sát.
Những giả thuyết bên lề
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân Thái tử gây án. Ban đầu, một số chuyên gia cho rằng Thái tử và Nhà vua mâu thuẫn với nhau về chế độ. Sau cuộc nổi dậy vào những năm 1990, Vua Birendra đã chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến. Điều này có thể khiến Thái tử cảm thấy quốc vương đã trao đi quá nhiều quyền lực và lo lắng về việc thừa kế.
Tuy nhiên sau đó, một giả thuyết phổ biến hơn là vấn đề hôn nhân của Thái tử. Trong buổi tối xảy ra vụ thảm sát, những thành viên Hoàng gia đã tụ họp và thảo luận về hôn nhân của Thái tử, trong đó, cả Nhà vua lẫn Hoàng hậu đều phản đối Thái tử kết hôn với bạn gái Devyani Rana.
Bất chấp sự ngăn cấm của gia đình, trước đó Thái tử đã bí mật đính hôn với Rana. Khi hay tin, Nhà vua rất tức giận và đã dọa sẽ không truyền ngôi cho Thái tử mà trao quyền kế vị cho Hoàng tử Nirajan.
Vào những năm 1990, Thái tử Dipendra theo học tại Đại học Eton (Anh), ngôi trường nổi tiếng chuyên đào tạo các vị vua và thủ tướng trong tương lai. Trong quãng thời gian học tập tại đây, Dipendra quen và nảy sinh tình cảm với Devyani Rana, con gái của một chính trị gia hàng đầu Nepal.
Trên thực tế, với bối cảnh gia đình này, Rana hoàn toàn có đủ khả năng trở thành Thái tử phi nhưng Hoàng hậu Aishwarya không muốn điều đó. Bà quyết tâm chia rẽ đôi uyên ương và muốn Thái tử kết hôn với một người họ hàng xa của nhà Shah.
Gia đình Rana cũng phản đối tình yêu này. Vốn xuất thân từ một dòng dõi vương công của Ấn Độ, gia đình Rana sở hữu khối tài sản kếch xù, thậm chí còn giàu có hơn Hoàng gia Nepal. Mẹ của Rana từng bảo nếu Rana chấp nhận hôn sự này, cô sẽ phải sống “nghèo khó” hơn trước đây. Bà cũng suy nghĩ nghiêm túc về việc liệu con gái có thể sống tốt nếu gả vào một gia đình nghèo hay không.
Dù bị hai bên gia đình phản đối, đôi uyên ương vẫn bí mật qua lại trong nhiều năm. Thái tử vẫn kiên trì cầu xin cha mẹ tác thành cho bọn họ nhưng không thành. Về phía Rana, cô được rất nhiều gia đình dòng dõi để ý và ngỏ ý muốn cầu hôn.
Sau 10 năm yêu nhau, Rana yêu cầu Thái tử đưa ra quyết định cuối cùng. Có thông tin cho rằng Thái tử đã tới nhà Rana và dọa sẽ uống thuốc độc nếu cô không cưới mình. Điều này càng khiến gia đình Rana thất vọng và thẳng thừng từ chối chuyện hôn nhân giữa con gái và Thái tử Nepal.
Lúc này, tình trạng hôn nhân của Thái tử cũng là điều được cả nước quan tâm. Ngày 27/5/2001, một tờ báo Nepal đăng bài thảo luận về việc tại sao Thái tử chưa kết hôn ở tuổi này và liệu tương lai của anh với tư cách là người kế vị ngai vàng có lung lay hay không. Trong phần kết luận, bài báo nhấn mạnh: “Đã đến lúc Thái tử kết hôn. Người dân cả nước mong muốn hôn lễ của Thái tử được tổ chức sớm và theo cách trọng đại nhất”.
Căng thẳng leo thang và kết thúc vào tối 1/6/2001 sau một vụ thảm sát kinh hoàng. Sau đó, Rana phải đi lánh nạn một thời gian do nguy cơ bị những kẻ quá khích tấn công. 5 năm sau, cô kết hôn với thành viên một trong những gia đình danh giá hàng đầu Ấn Độ.
Lời sấm truyền ứng nghiệm
Bên cạnh đó, giả thuyết khác cho rằng vụ thảm sát là kết quả của một âm mưu chính trị. Vua Gyanendra sau khi lên ngôi bị cho là đã âm mưu cho vụ thảm sát vì vắng mặt trong bữa tiệc. Có tin đồn rằng Vua Gynendra đã thông đồng với con trai là Paras để gài bẫy Dipendra thực hiện vụ thảm sát còn họ giành lấy ngai vàng. Tuy nhiên, hai người đều phủ nhận liên quan đến vụ việc.
Ngoài ra còn nhiều giả thuyết chưa được xác thực xung quanh vụ án nhưng đều bị các bên liên quan bác bỏ. Cho đến nay, liệu Thái tử có phải người đứng đằng sau vụ án và nếu đúng như vậy, nguyên nhân từ đâu vẫn chưa được xác định rõ.
Dù vậy, vụ án đã gây chấn động dư luận trong lẫn ngoài nước. Người dân Nepal không thể chấp nhận việc Thái tử của đất nước lại chính là người sát hại Vua và Hoàng hậu của đất nước đó. Sau vụ thảm sát, một loạt cuộc biểu tình diễn ra làm hàng chục người thương vong. Chính phủ mới phải ban hành một lệnh giới nghiêm kéo dài 3 ngày để chấm dứt tình trạng trên.
Vụ thảm sát còn làm người ta nhớ đến một truyền thuyết lưu truyền ở nước này. Theo đó, vào năm 1769, Vua Prithvi Narayan Shah thành lập Vương quốc Nepal. Trong một lần hành quân qua thung lũng Kathmandu, nhà vua tình cờ gặp một nhà hiền triết nên đã mời vị này dùng sữa chua. Nhà hiền triết nếm thử và trả lại phần còn lại, nói rằng nó đã được ban phước.
Tuy nhiên, không muốn ăn món sữa chua mà nhà hiền triết đã đụng qua, Vua Prithvi liền ném nó xuống đất. Nhà hiền triết giận dữ chỉ trích nhà vua quá kiêu ngạo. Nếu quốc vương ăn sữa chua, mọi điều ước của ông đã trở thành hiện thực. Nhưng giờ đây, sữa chua bắn tung tóe lên 10 ngón chân của vua nên triều đại ông gây dựng sẽ sụp đổ sau 10 thế hệ.
Vua Birenda là vị vua thứ 11 của triều đại Shah. Vì Vua Gyanendra không được lòng dân nên năm 2008, Nepal bãi bỏ chế độ quân chủ và chuyển sang chế độ cộng hòa. Như vậy, triều đại Shah đã chính thức khép lại với vị vua cuối cùng là Gyanendra.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/su-sup-do-cua-vuong-trieu-shah-post652157.html