Sự thăng hoa của nhạc pop trong thế kỷ 20
Cuốn 'Can't Slow Down: How 1984 Became Pop's Blockbuster Year' của Michaelangelo Matos kể lại lịch sử âm nhạc theo cách nó tồn tại.
Một trong những thách thức cơ bản của việc viết lịch sử văn hóa là tính thời kỳ. Nếu chúng ta coi văn hóa là cái gì đó luôn luôn diễn ra, sẽ không có nhiều điểm bắt đầu hay các thời kỳ rõ ràng theo trình tự thời gian.
Cuốn sách mới của nhà sử học âm nhạc Michaelangelo Matos Can’t Slow Down: How 1984 Became Pop’s Blockbuster Year đối mặt vấn đề này bằng cách không đề cập nghệ sĩ hay bối cảnh âm nhạc mà tập trung khoảnh khắc, thời điểm.
Như Matos đã thừa nhận trong phần giới thiệu cuốn sách, câu chuyện âm nhạc của ông vượt ra ngoài ranh giới năm dương lịch được đề cập.
Là tác phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng, cuốn sách ngay lập tức có vị trí trên giá sách không thể thiếu về âm nhạc trong những năm 1980 thế kỷ trước.
Năm 1984 đã ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực: Đánh dấu tên tuổi dòng máy tính cá nhân Macintosh của Apple, nữ vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ Mary Lou Retton giành huy chương vàng Thế vận hội mùa hè; chiến thắng vang dội của Ronald Reagan; sự nổi lên của bài hát Do They Know It’s Christmas?; bộ phim Stop Making Sense hay diễn ra Lễ trao giải MTV Video Music Awards lần đầu tiên, nơi một ngôi sao đang lên tên là Madonna đã có buổi trình diễn đáng nhớ bài Like a Virgin trong bộ váy cưới.
Theo lời của Matos, đó cũng là “năm cuối cùng của thế giới cũ” và thực sự, đọc cuốn sách này vào năm 2020 mang lại cảm giác như đang nhìn vào dấu mốc trong lịch sử âm nhạc.
Vào năm 1984, công nghệ MIDI cũng thay đổi cách tạo ra âm nhạc, bộ trộn âm thanh Solid State Logic thay đổi cách ghi âm và đĩa compact thay đổi cách chúng được bán ra.
Năm 1984 cũng chứng kiến Thriller của Michael Jackson được ghi tên vào sách Kỷ lục Guinness với tư cách là album bán chạy nhất mọi thời đại; T La Rock và Jazzy Jay phát hành album It’s Yours, một bước ngoặt của dòng nhạc hip-hop và cũng là đĩa hát đầu tiên được hãng thu âm danh tiếng Def Jam cho ra mắt công chúng.
Bằng cách xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại âm nhạc, Matos đã xây dựng một đánh giá trung thực và đầy đủ hơn về cách nhạc pop được tạo ra, lưu hành và phát triển.
Nhạc sĩ không tồn tại theo một định nghĩa riêng biệt, họ cũng là người nghe nhạc. Còn người hâm mộ cũng hiếm khi xác định rõ ràng thị hiếu của họ, không ai thực sự chỉ nghe nhạc đồng quê, hip-hop hoặc indie rock.
Chủ đề trung tâm của cuốn sách là sự vươn lên, ngay cả trong những khoảnh khắc nhạc pop dường như đang giữ vị trí độc tôn: Bước đột phá được mong đợi từ lâu trong dòng nhạc pop của Prince với album Purple Rain; Los Lobos, một ban nhạc hoạt động từ năm 1973, giành vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các nghệ sĩ Pazz & Jop cuối năm của tờ Village Voice; Tina Turner trở thành nữ nghệ sĩ solo lớn tuổi nhất đứng đầu Billboard Hot 100 hay nhóm nhạc hip-hop Run-DMC được xuất hiện trên MTV, Live Aid và các chương trình phát thanh chính thống.
Trong khi tác phẩm của Matos truyền đi tình yêu thực sự đối với âm nhạc thì ông cũng chú ý đến bối cảnh khi âm nhạc phát triển vào thời điểm đó, từ những lo lắng về cuộc Chiến tranh Lạnh, cuộc cách mạng về máy tính gia đình hay sự thăng trầm của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, Matos hướng độc giả đến mục đích tích cực của nhạc pop, như buổi hòa nhạc Live Aid xuyên Đại Tây Dương hay đĩa đơn và album từ thiện We Are The World, quy tụ sự tham gia của nhiều ngôi sao như Michael Jackson, Lionel Richie, Quincy Jones và Michael Omartian.
Trong thời điểm khó khăn, nhạc pop và âm nhạc nói chung luôn có thể tạo nên những đóng góp và kỳ tích. Đặc biệt là sau sự ra đi của các biểu tượng những năm 1980 như Michael Jackson, Whitney Houston, George Michael và Prince, thì việc nhìn lại âm nhạc của thời điểm đó càng trở nên quan trọng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-thang-hoa-cua-nhac-pop-trong-the-ky-20-post1161330.html