Sự thao túng tinh vi của một con sói đội lốt cừu trong 'Lolita'

Nhà văn Christina Baker Kline (tác giả 'Chuyến tàu mồ côi') cho rằng giống Dracula hay Hannibal Lecter, Humbert thu hút vì gã vừa lịch sự, tao nhã, vừa tham lam, tàn bạo.

 Nhân vật Humbert (do Jeremy Irons thủ vai), Lolita (Dominique Swain thủ vai) trong bộ phim Lolita năm 1997. Ảnh: Allstar/Cinetext/Pathe.

Nhân vật Humbert (do Jeremy Irons thủ vai), Lolita (Dominique Swain thủ vai) trong bộ phim Lolita năm 1997. Ảnh: Allstar/Cinetext/Pathe.

Vanity Fair đã nhận xét Lolita là “câu chuyện tình yêu có tính thuyết phục duy nhất trong thời đại của chúng ta”. Đơn vị xuất bản tại Mỹ của cuốn sách cũng giới thiệu về tác phẩm này như một câu chuyện tình cảm, một "câu chuyện tình yêu có khả năng khơi dậy những tiếng cười khúc khích và cả những cái nhíu mày".

Sau khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, Lolita đã trở thành thuật ngữ dùng để chỉ những cô gái trẻ đầy quyến rũ. Nhưng chân dung của Nabokov về Lolita (Dolores, Dolly hay Lo) phức tạp hơn nhiều so với sự mô tả của nhà xuất bản cũng như của hàng loạt đánh giá phê bình khác.

Chính nhân vật Humbert đã nói: “Không điều gì có thể khiến Lolita của tôi quên đi dục vọng bẩn thỉu mà tôi đã buộc cô ấy trải qua… Một bé gái Bắc Mỹ tên Dolores Haze đã bị một tên điên tước đoạt tuổi thơ của mình”. Nhà văn Christina Baker Kline khẳng định Lolita là một nạn nhân vị thành niên đáng thương, tuyệt vọng, đau đơn với những nỗ lực vô ích nhằm thoát khỏi gông cùm của Humbert.

Độc giả chứng kiến hình ảnh cô gái nhỏ khóc với trái tim thắt lại cho tới khi thiếp vào giấc ngủ. Cuốn sách kết thúc với sự thừa nhận chua xót của Humbert về hành động đầy thú tính và tàn bạo của mình dành cho Lolita. Gã thú nhận rằng mình đã bắt cóc, cưỡng hiếp và cướp đi tuổi thơ của cô bé.

Vậy mà, nhiều người vẫn còn coi đó là một “câu chuyện tình yêu” trường tồn với thời gian. Trên chuyên trang CrimeReads, Christina Baker Kline viết: "Thực tế, Lolita không phải một câu chuyện tình yêu, mà là một tiểu thuyết kinh dị".

 Hình ảnh trong bản phim chuyển thể năm 1997 do Adrian Lyne đạo diễn. Ảnh: Films, Deconstructed.

Hình ảnh trong bản phim chuyển thể năm 1997 do Adrian Lyne đạo diễn. Ảnh: Films, Deconstructed.

Góc nhìn khác về Humbert

Humbert được khắc họa là một nhân vật đầy sức hút và hiểu rõ bản thân. Vì vậy mà thật khó để tưởng tượng một quý ông uyên bác như thế lại là một tội phạm tình dục. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, Humbert đặt mình trong vị thế của một bị cáo và kể lại câu chuyện như thể anh ta đang đứng trước bồi thẩm đoàn.

Câu chuyện đan xen giữa những lời cầu xin tuyệt vọng và những lời kháng cáo, cố thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng chuyện giữa gã và Lolita là một câu chuyện tình yêu chính đáng. Gã hình dung về người đọc như một nhân vật có đạo đức và trí tuệ, cầu xin người đọc lắng nghe toàn bộ câu chuyện trước khi đưa ra phán xét.

Humbert rõ ràng có ý thức về những điều tồi tệ mà mình gây ra. Sau cùng, gã còn tìm cách thay đổi chiến thuật, ngừng biện minh cho sự vô tội của mình và bắt đầu ám chỉ rằng những phán xét về mặt đạo đức là dấu hiệu của sự thiếu tinh tế.

Đọc Lolita, độc giả không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng Humbert đang kể một câu chuyện lan man. Gã thậm chí còn chuyển hướng sự chú ý của bồi thẩm đoán và đánh tráo những tình tiết diễn ra trong câu chuyện khi nói rằng Lolita từng có tình nhân trước đó, rằng cô bé "tận hưởng nỗi đau mà mình gây ra"… Những điều này thực chất đều chỉ nhằm giúp Humbert có thể chiếm được sự thông cảm từ phía bồi thẩm đoàn.

Christina Baker Kline bông đùa rằng Lolita tựa một cuốn cẩm nang hướng dẫn mà những tội phạm tình dục bị tố giác trong phong trào MeToo đã học theo. Người đọc sẽ nhìn thấy bóng dáng của danh hài “thất sủng” người Mỹ Bill Cosby, người bị buộc tội tấn công tình dục một cô gái 16 tuổi; hay nhà sản xuất phim đình đám Harvey Weinstein, người bị tuyên án 23 năm tù vì tội tấn công tình dục hơn 18 phụ nữ; hay tỷ phú Jeffrey Epstein, người bị truy tố hai tội danh gồm cầm đầu đường dây mại dâm trẻ vị thành niên và âm mưu mại dâm trẻ vị thành niên...

Những tội phạm tình dục trên đều đã sử dụng giọng văn từa tựa Humbert khi đứng trước tòa. Vậy mà, trong 65 năm kể từ khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, người ta đã không ngừng ngộ nhận và bào chữa cho những kiểu hành vi như của nhân vật Humbert.

Nhiều người thậm chí đã đặt câu hỏi: Lolita hay Humbert mới thực sự là nạn nhân? Đây là câu chuyện về một người lớn khiến một đứa trẻ trở nên hư hỏng, hay là câu chuyện về một đứa trẻ hư hỏng kiểm soát một người lớn yếu đuối?

Trên tạp chí The Atlantic, giáo sư tâm lý học Dan P.Mc Adams đã giải thích rằng: “Những người ngưỡng mộ kẻ ái kỷ sẽ luôn bị thu hút và cảm thấy phấn khích khi đứng trước một nhân vật tuyệt vời, mạnh mẽ, năng động, sáng tạo và đầy lôi cuốn như vậy. Kể cả khi người ta nhận thức được rằng sự ám ảnh về bản thân của những kẻ ái kỷ có phần không đứng đắn, họ vẫn tận hưởng và đắm mình trong ánh hào quang của kẻ đó”.

 Bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Lolita của Vladimir Nabokov. Ảnh: Phương An/Nhã Nam.

Bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Lolita của Vladimir Nabokov. Ảnh: Phương An/Nhã Nam.

Lolita - tiểu thuyết gothic rùng rợn?

Xuyên suốt cuốn sách, có lẽ người đọc và Lolita đều là con mồi của Humbert. Gã truy đuổi, bắt giữ và thao túng người đọc một cách khéo léo như cách anh ta đã thực hiện với cô bé Lolita.

Đến phần 2 của cuốn tiểu thuyết, Humbert dần lộ khỏi lốt cừu của mình và thú nhận những hành vi man rợ gã đã thực hiện. Giữa ngôn từ cao nhã và bản chất bẩn thỉu của Humbert dần lộ ra khoảng cách. Trong sự kích động đầy giận dữ và oán hận, Humbert dựng lên mộng tưởng trả thù. Và độc giả cảm nhận sự hồi hộp đến nghẹ thở trong khi chờ đợi Humbert bị trừng phạt thích đáng.

Yếu tố giật gân này, cùng bản chất của Humbert, không khỏi khiến Christina Baker Kline liên tưởng đến Hannibal Lecter, hay Patrick Bateman trong American Psycho (tạm dịch: Kẻ tâm thần nước Mỹ), hay thậm chí là bá tước Dracula.

Bà cho rằng Lolita là tác phẩm văn học có sự giao thoa giữa nhiều thể loại tiểu thuyết, nhưng cũng chính điều này đã tạo nên sức cuốn hút trường tồn với thời gian của câu chuyện.

Trên một khía cạnh nào đó, người đọc có thể coi Lolita là một cuốn tiểu thuyết về tội phạm với những lời thú tội thất thường nhưng đầy mê hoặc của một kẻ sát nhân bị kết án. Theo dòng tiến triển của câu chuyện, Christina Baker Kline cảm nhận được âm hưởng của một tiểu thuyết kinh dị kiểu gothic. Trong đó, nhân vật chính độc ác khơi dậy nỗi sợ hãi, kinh hoàng và ghê tởm ở cả nạn nhân lẫn độc giả.

Vladimir Nabokov cho phép người đọc đi sâu vào tâm trí của một kẻ ái kỷ như Humbert, nhận biết và lý giải được động cơ, hành vi của hắn ta. Càng đọc, sự tò mò của ta càng được thỏa mãn.

Đây là kiểu trải nghiệm đọc ta tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết kinh dị trào phúng American Psycho (tạm dịch: Kẻ tâm thần nước Mỹ) và trong tiểu thuyết ly kỳ The talented Mr. Ripley (Quý ngài tài năng), khi ta bị thu hút bởi dòng suy nghĩ của nhân vật và về những góc khuất của chúng ta, so sánh với những kẻ có tâm lý lệch lạc.

Giống Tom Ripley và Patrick Bateman, hay như Bá tước Dracula và Hannibal Lecter, Humbert thu hút vì sự gã vừa lịch sự, tao nhã, vừa tham lam, tàn bạo.

Trong các tác phẩm kinh dị tâm linh như The Shining (Thị kiến) hay Rosemary's baby (tạm dịch: Đứa con của Rosemary), kẻ phản diện thường làm điều xấu vì một thực thể ma quỷ nào đó. Tương tự, Humbert trong Lolita thường xuyên đổ những hành vị của mình cho dục vọng hoặc ham muốn hoặc một trạng thái tinh thần không ổn định. Gã tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm.

Hơn thế, Christina Baker Kline so sánh chất kinh dị của Lolita với Frankenstein. Trong tác phẩm của Mary Shelley, tham vọng tạo ra một con người lý tưởng bác sĩ Frankenstein, thực tại kinh hoàng và quỷ dị xung đột với nhau, dẫn mạch truyện đến cái kết khốc liệt. Trong Lolita, Humbert tự huyễn hoặc bản thân về những hành vi trái đạo đức của mình, cho đến khi không thể kiểm soát được "con quái vật" ấy.

Chính Humbert sau cùng cũng đã phải thừa nhận rằng thứ mà gã điên cuồng muốn sở hữu không phải cô bé Dolores, mà là "tác phẩm" do gã tạo ra, một Lolita huyền ảo.

Và để Humbert dễ dàng phủ nhận Lolita "thực", gã phải phủ nhận nhân tính của cô bé bằng cách liên tục gọi cô bé là "nữ thần". Chi tiết này tương tự cách Frankenstein phủ nhận nhân tính nơi tạo vật của ông bằng cách gọi nó là "sinh vật", "ma quỷ".

Và giống như "quái vật" của Frankenstein, cái kết chờ đón Lolita là một bi kịch.

Nhà văn Elizabeth Barrette từng nói rằng các tác phẩm kinh dị hay nhất thường rung chuyển chúng ta, kéo ta khỏi vùng an toàn, buộc ta phải suy nghĩ đối mặt với những ý tưởng mà đáng ra ta đã bỏ qua, thách thức định kiến của ta. Kinh dị nhắc nhở chúng ta rằng thế giới không phải lúc nào cũng an toàn, yên bình.

Và như với những tác phẩm kinh dị hay nhất, ta gấp Lolita lại, cảm thấy phát ốm và bất an.

Christina Baker Kline viết: "Nếu độc giả chỉ đơn thuần gọi Lolita là một câu chuyện tình yêu thì có nghĩa là họ đã hiểu sai tác phẩm".

Hàng thập kỷ trôi qua, người ta vẫn tìm đến Lolita vì vẻ đẹp sinh động trong ngôn từ, vì chiều sâu trong dòng suy nghĩ của nhân vật, vì góc khuất cuộc sống được hé lộ thông qua câu chuyện kinh khủng này.

Hàm Xuân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-thao-tung-tinh-vi-cua-mot-con-soi-doi-lot-cuu-trong-lolita-post1420035.html