Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society) chính thức công nhận một đại dương thứ năm: Nam Đại Dương. Vùng nước này nằm xung quanh Nam Cực, kéo dài từ đường bờ biển đến vĩ độ 60 độ.
Tất cả các đại dương đều được kết nối với nhau, vì vậy theo một cách nào đó, chúng ta chỉ có một đại dương duy nhất. Nhưng theo truyền thống, từ lâu nước trên hành tinh đã được chia thành bốn khu vực: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương và Ấn Độ Dương.
Đại dương mới này được xác định bằng dòng chảy hải lưu Nam cực, không phải bằng vị trí địa lý và các mảng kiến tạo như 4 đại dương trước đó.
Nam Đại Dương hay còn được gọi là Nam Cực Đại Dương, Nam Cực hoặc Đại Dương Áo. Đây là đại dương trẻ nhất vì nó được mới được hình thành khoảng 30 triệu năm trước khi lục địa Nam Mỹ và Nam Cực tách rời nhau.
Sự thay đổi mới này khiến Nam Đại Dương trở thành đại dương nhỏ thứ hai, chỉ lớn hơn Bắc Băng Dương. Nó chỉ bao phủ vỏn vẹn 6% bề mặt Trái đất.
Bên cạnh đó, Nam Đại Dương cũng là đại dương duy nhất tiếp xúc với 3 đại dương khác đồng thời bao trùm toàn bộ một châu lục, mà không phải bị các châu lục khác nằm bao quanh như 4 đại dương còn lại.
Dòng chảy ước tính khoảng 34 triệu năm tuổi này là yếu tố làm cho hệ sinh thái của Nam Đại Dương trở nên khác biệt, cung cấp môi trường sống độc đáo cho hàng nghìn loài.
Nam Đại Dương được phát hiện là nơi sinh sống của chim cánh cụt hoàng đế, chim hải âu lang thang, cá voi xanh, hải cẩu lông và cả những con mực khổng lồ có chiều dài lên đến 15m.
Nam Đại Dương được xem là nơi có khung cảnh thiên nhiên đẹp nhất trong những nơi con người có thể đến. Các sông băng xanh ngắt, không khí cực lạnh tạo nên màn trắng băng tuyết cùng những ngọn núi hùng vĩ.
Độ sâu trung bình của Nam Đại Dương là 3.200m, điểm sâu nhất là rãnh South Sandwich với độ sâu hơn 7.000m. Nhiệt độ nước biển của Nam Đại Dương dao động từ -2 độ C đến 10 độ C, dao động theo mùa.
Chỉ có một số ít cảng biển ở Nam Đại Dương và rất khó để di chuyển vào mùa đông, đa số thuộc về các trạm nghiên cứu, chẳng hạn như Trạm Rothera (cơ sở nghiên cứu của Anh), Trạm Palmer (Hoa Kỳ), Trạm Mawson (Úc).
Hầu như không có người bản địa ở Nam Đại Dương, chỉ có các trạm nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng những nhà nghiên cứu, nhà khoa học và thám hiểm chỉ làm việc và sinh sống ở đó trong một thời gian nhất định.
Mời các bạn xem video: Những Hiện Tượng Thiên Nhiên Kỳ Lạ Và Độc Đáo Trên Thế Giới. Nguồn: Chuyện lạ VN&TG
Thùy Dung (T.H)