Sự thật cần biết về amiang trắng
Tại Việt Nam amiang được sử dụng nhiều trong các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp fibro - xi măng. Và hơn 95% tấm lợp amiang đều được đẩy lên vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, điều nguy hại mà rất nhiều người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi không hề biết tới là amiang là chất gây ung thư trung biểu mô hàng đầu trên thế giới.
Người dân không biết amiang độc hại
Mất gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được đoạn đường khủng khiếp, ngổn ngang đá hộc dài hơn chục km từ trung tâm xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, Hà Giang vào bản Pao Mã Phìn. 65 hộ dân trong thôn, 100% người dân tộc Mông, cư ngụ trên các đỉnh núi cao sát đường biên giới. Hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều sử dụng tấm lợp fibro - xi măng để lợp nhà ở hoặc lợp chuồng gia súc. Như nhiều hộ gia đình khác trong thôn, khi xây dựng nhà ở, gia đình anh Vàng Mí Phồng chọn tấm lợp fibro - xi măng để lợp mái nhà. Sống trên đỉnh núi, nguồn nước khan hiếm nên có giai đoạn gia đình anh hứng nước mưa từ mái nhà để dùng. Anh Phồng cho biết không có lựa chọn nào khác vì tấm lợp fibro - xi măng vì nó rẻ tiền và bền, trong khi tấm lợp tôn đắt hơn nhiều lần, ngói âm dương theo truyền thống của người Mông thì hiếm, giá thành cao, vận chuyển rất tốn công sức và dễ hư hỏng.
Trong một chuyến đi khác, chúng tôi cũng mất nguyên cả một buổi sáng để đi từ trung tâm xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa vào bản Tà Cóm- một bản xa và khó khăn nhất của xã. Bản Tà Cóm nơi sinh sống của 89 hộ, với hơn 300 nhân khẩu đều là người Mông. Điểm dễ nhận thấy nhất là các ngôi nhà ở đây được xây rất rộng, vách gỗ, mái lợp fibro - xi măng. Anh Sùng A Sự, người vừa dựng xong ngôi nhà mới rộng rãi ngay đầu bản cũng lựa chọn tấm lợp fibro - xi măng để lợp nhà. “Vì sao anh chọn tấm lợp này”- chúng tôi hỏi. Anh Sự không ngần ngại trả lời: “Ở đây, tấm lợp này là rẻ nhất và bền hơn cả. Các loại vật liệu khác giá rất cao, chúng tôi không có tiền để mua”. Chúng tôi hỏi tiếp, vậy anh có biết chất amiang trong tấm lợp này có hại có sức khỏe không? Anh Sự ngẩn người bảo rằng không biết amiang là chất gì.
Cũng như anh sự, khi được hỏi amiang trắng là gì, chị Sùng Thị May, bản Phùng xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, Hà Giang không hề biết tấm lợp fibro - xi măng được làm từ amiang trắng, càng không biết amiang trắng là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư và các bệnh tật khác. Chị chỉ biết rằng tấm lợp fibro - xi măng được nhiều người dân trong xã dùng vì nó rẻ. Trước đây, nhiều cơ quan, đơn vị ở dưới xuôi lên xã chị có tặng bà con loại tấm lợp này để lợp nhà.
Có thể nhận thấy hầu hết người DTTS không hề biết sự độc hại của amiang trắng và vô tư sử dụng. Thực tế là trong những năm trước đây, không ít tổ chức, cá nhận và một số chương trình, dự án đã hộ trợ trực tiếp đồng bào DTTS, miền núi loại tấm lợp này để lợp nhà mà không hề có sự cảnh báo nào tới người dân.
Chất độc giấu mặt khiến 220.000 người chết mỗi năm
Amiang là sợi khoáng silicat tự nhiên. Amiang Chrysotile, hay còn gọi là amiang trắng là một trong 6 dạng amiang và là dạng duy nhất của amiang vẫn đươc khai thác và thương mại hóa. Amiang trắng chiếm 95% tổng số amiang được bán trên thị trường trong thế kỷ vừa qua. Amiang trắng đã được sử dụng trong quá khứ cho các sản phẩm bao gồm các sản phẩm trong ngành xây dựng, ô tô và dệt may.
Các bằng chứng khoa học đều chỉ ra rõ ràng phơi nhiễm sợi amiang có thể gây ra ung thư bụi phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, ung thư thanh quản và buồng trứng.
Phần lớn các bệnh ung thư trung biểu mô là do tiếp xúc với amiang. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư trung biểu mô đã có một số tiếp xúc trong công việc với amiang. Trong khi việc phơi nhiễm với sợi amiang là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư phổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tuyên bố amiang là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang trong suốt thập kỷ qua. Năm 2004, WHO ước lượng trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với amiang. Gần đây, Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBDS) ước tính số lượng người chết do amiang là khoảng 220.000 người mỗi năm. Con số ước tính ở châu Á cũng đã ở mức báo động và con số này đang tăng lên do mức độ tiêu thụ gần đây. Ước tính số ca tử vong do các bệnh liên quan tới amiang năm 2016 là 2.000 người ở Việt Nam; 1.556 người ở Thái Lan; 984 người ở Indonesia; 4.048 người ở Australia và 20.940 người ở Trung Quốc.
Theo Tài liệu của Tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia (Union Aid Abroad APHEDA), điều đáng lo ngại là bệnh ung thư và các bệnh khách liên quan đến amiang có thể cần tới vài thập kỷ để phát triển sau khi phơi nhiễm. Đối với những quốc gia tại châu Á chỉ mới tiêu thụ amiang trong những thập kỷ gần đây thì trong tương lai đây sẽ là đại dịch ung thư nếu không có những hành động chấm dứt việc sử dụng càng sớm càng tốt.
Cấm sử dụng amiang trắng là điều cần làm ngay
Đa số các quốc gia trên thế giới đã chính thức cấm sử dụng hoặc không còn sử dụng amiang trắng trong sản xuất công nghiệp vì gây ung thư chết chóc của nó đối với người lao động và cộng đồng. Australia là nước hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ việc sử dụng amiang trắng với tỉ lệ tử vong do mắc bệnh ung thư trung biểu mô cao nhất thế giới. Trước hậu quả nặng nề này, từ năm 2003, Chính phủ Australia đã ban hành cấm amiang toàn diện. Mặc dù lệnh cấm đã được đưa ra hơn 15 năm qua (với amiang trắng) và với amiang xanh là hơn 40 năm, tỉ lệ mắc ung thư trung biểu mô tại Australia vẫn chưa giảm. Ông Shane Mc Cardle, Giám đốc cơ quan An toàn và Loại từ amiang Australia, Chính phủ Australia cho biết, Chính phủ Australia hiện vẫn đang phải nỗ lực giải quyết những vật liệu chứa amiang trắng từ quá khứ để lại.
Theo Tổ chức Union Aid Abroad APHEDA, trong năm 2015, chỉ có 87 quốc gia báo cáo về việc tiêu thụ amiang thô và hầu hết trong số này tiêu thụ một lượng rất nhỏ. Có ít hơn 15% trong số 195 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc sử dụng hơn 1.000 tấn amiang trắng trong năm 2015. Châu Á hiện là khu vực chính tiêu thụ amiang trắng, chiếm hơn 75% lượng tiêu thụ hàng năm của thế giới, trong đó, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50.000 tấn mỗi năm. 95% tấm lợp chứa amiang được đẩy lên vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này tiềm ẩn sự nguy hại không thể lường trước được đối với sức khỏe của nhiều thế hệ.
Hoàn toàn có thể thay thế amiang bằng các vật liệu khác an toàn hơn
Mặc dù đã có những bằng chứng rõ ràng và không thể chối cãi về ung thư và các nguy cơ gây bệnh liên quan khác đến việc tiếp tục sử dụng amiang trắng nhưng các nhà sản xuất vật liệu chứa amiang giá rẻ vẫn tìm cách biện minh cho việc tiếp tục sử dụng amiang. Những người tiếp tục ủng hộ sử dụng amiang trắng cho rằng sợi amiang trắng hòa tan trong cơ thể trong vòng 14 ngày nên không gây ra các bệnh liên quan đến amiang là hoàn toàn sai. Các sản phẩm chứa amiang có “chi phí thấp” được sử dụng để lập luận cho việc tiếp tục sử dụng amiang, đặc biệt là cung cấp vật liệu xây nhà giá rẻ cho người nghèo. Tuy nhiên, chi phí thấp này không thể so với chi phí bồi thường và chăm sóc sức khỏe cho những người mắc các bệnh liên quan đến amiang trong tương lai, nguy cơ tiếp xúc của những người sống trong ngôi nhà với những tấm lợi độc hại cũng như chi phí trong tương lai để loại bỏ và thải bỏ an toàn vật liệu chứa amiang từ các tòa nhà và các sản phẩm khác.
Dựa trên nhiều cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, Tổ chức Union Aid Abroad APHEDA khẳng định amiang không phải là vật liệu xây dựng “rẻ tiền” và có thể chuyển sang các vật liệu thay thế không chứa amiang mà điều này cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của các nước đang phát triển và các nước công nghiệp mới.
Hội nghị về Lao động của ILO với sự tham dự của tất cả các quốc gia thành viên năm 2006 đã ra tuyên bố loại bỏ việc sử dụng amiang trong tương lai như là cách hiệu quả nhất để bảo vệ người lao động khỏi bị phơi nhiễm amiang và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến amiang trong tương lai. Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần tuyên bố “cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiang là ngừng sử dụng tất cả các loại amiang”. Nếu tiếp tục sử dụng amiang chi phí kinh tế sẽ rất cao. Nghiên cứu gần dây của tổ chức Y tế Thế giới ước tính chi phí chăm sóc sức khỏe hoàn toàn cầu hàng năm liên quan tới ảnh hưởng sức khỏe của amiang là khoảng 2,4 -3,9 tỉ đô la Mỹ, không bao gồm những chi phí về phúc lợi, đau đớn về thể chất. Các chi phí khác bao gồm khắc phục và xử lý đặc biệt ở những nước đang loại bỏ amiang cũng như chi phí đền bù, chi phí kiện tụng. Nghiên cứu gần đây cho thấy việc cấm sử dụng amiang không ảnh hưởng đến GDP ở bất kỳ quốc gia nào trong số hơn 60 quốc gia đã cấm sử dụng amiang.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành năm 2009 cho thấy chi phí trực tiếp thay thế các vật liệu xây dựng chứa amiang bằng các giải pháp an toàn hơn chỉ đắt hơn từ 10-15%. Đó chỉ là chi phí nhỏ khi cân nhắc tới những chi phí gián tiếp lớn hơn ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Ở các nước khác như Thái Lan, theo một khảo sát do Nhóm người tiêu dùng Thái Lan thực hiện so sánh giá ở các tỉnh khách nhau về các nhãn hiệu tấm lợp khác nhau thì giá ngang bằng hoặc thậm chí có thể rẻ hơn đối với những vật liệu thay thế không chứa amiang.
Thực tế, các quốc gia đã cấm sử dụng amiang bao gồm các quốc gia ở châu Á đã thay thế các sản phẩm chứa amiang bằng những vật liệu thay thế an toàn và hiệu quả về mặt kinh tế. Với các mái lợp ở khu vực vùng sâu, vùng xa, gạch bê tông có thể đươc chế tạo từ xi măng, cát và sỏi và tùy thuộc các vật liệu sẵn có tại địa phương như đay, gai dầu, xidan, hạt cọ, xơ dừa, kenaf và bột giấy từ gỗ. Mạ kẽm sát và gạch đất sét là những vật liệu thay thế khác. Vật liệu thay thế cho ống xi măng amiang bao gồm ống sắt dẻo, ống pô-li-thê-in mật độ cao và ống bê tông cốt thép kim loại.
Trước thực tế là amiang đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe của người lao động và cộng đồng, ngày 1-1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 01/NQ-CP, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023. Tiếp đó, ngày 7-8-2018, Ủy ban Dân tộc ký Quyết định 476/QĐ-UBDT phê duyệt về Kế hoạch Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số dừng sử dụng amiang trắng.
Đây là một trong những bước đi đầu tiên của nước ta thể hiện quyết tâm ngừng sử dụng amiang để giảm gánh nặng bệnh tật và những thiệt hại kinh tế do bệnh tật có liên quan đến amiang gây ra. Tuy nhiên, để làm được việc này đạt hiệu quả tốt nhất, điều đầu tiên cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và hệ thống chính trị hiểu rõ những hậu quả, tác động tiêu cực do amiang mang lại. Bên cạnh đó, cần phân tích, so sánh rõ ràng những gánh nặng chi phí của thuốc điều trị các bệnh liên quan đến amiang cũng như chi phí loại bỏ nó trong tương lai với khoản lợi nhuận do sử dụng vật liệu có chứa amiang mang lại cho nền kinh tế.
Ngoài ra, cần truyền thông cho người dân biết về các loại vật liệu mới có thể thay thế vật liệu chứa amiang.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/su-that-can-biet-ve-amiang-trang/