Sự thật gây sốc về những sản phẩm thân thiện với môi trường
Đánh vào tâm lý 'muốn bảo vệ môi trường, thân thiện với hệ sinh thái' dần trở thành một chiến lược marketing vô cùng hấp dẫn và đem lại lợi nhuận. Nhưng ít ai biết được những sản phẩm đang được quảng bá với nhãn mác 'thân thiện với môi trường' kia lại không hề hiệu quả, thậm chí có nhiều sản phẩm còn khiến cho vấn đề nghiêm trọng hơn.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang khiến cho nhiều người trở nên giàu có. Kênh RT dẫn báo cáo từ Ủy ban Kinh tế và Khí hâu Toàn cầu đưa tin chỉ trong vòng 10-15 năm nữa, thế giới dự kiến đầu tư khoảng 90 nghìn tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới để ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Nhiều nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng cũng muốn tham gia vào hành động này. Người tiêu dùng thì sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được một sản phẩm “thân thiện môi trường và bền vững”. Theo công ty đa quốc gia của Anh và Hà Lan chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng Unilever, 1/3 người tiêu dùng sẵn sàng mua sản phẩm dựa vào mức độ ảnh hưởng của nó tới môi trường, trong khi 1/5 khách hàng thích thú với những đồ dùng mang thông điệp xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các sản phẩm bán ra đều mang tính “hữu cơ, bền vững”. Thậm chí, một vài sản phẩm phản tác dụng, khiến môi trường nghiêm trọng hơn so với tác động từ vật dụng mà nó thay thế.
Theo một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Communications vào tháng trước, canh tác hữu cơ - trồng lương thực-thực phẩm mà không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và phân bón - không phải là giải pháp cứu Trái Đất như những gì được quảng bá. Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Cranfield (Anh) phát hiện trồng một số loại cây hữu cơ, cụ thể như đậu, khoai tây và yến mạch, tạo ra nhiều khí thải hơn trong toàn bộ chu trình hơn là trồng chúng theo cách truyền thống. Các nhà khoa học tin rằng việc tìm cách khiến mọi người dân Anh ăn lương thực, thực phẩm hữu cơ sẽ trở thành một thảm họa môi trường.
Vì lượng sản phẩm thu hoạch trên một hecta từ canh tác hữu cơ mang lại nhỏ hơn so với canh tác truyền thống nên công việc này đòi hỏi nhiều đất đai hơn để sản sinh ra cùng một lượng sản phẩm. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu Anh và xứ Wales chuyển sang canh tác hữu cơ 100%, thì chính quyền cần phải giải phóng mặt bằng gấp 5 lần đất nông nghiệp và lượng carbon sẽ sản sinh nhiều hơn vào tầng bình lưu. Tất nhiên tình trạng của đất và nguồn nước sẽ được cải thiện đáng kể vì không có dòng chảy hóa học từ canh tác thông thường nhưng việc giảm khí thải là điều không thể nếu không có sự thay đổi trong chế độ ăn uống.
Tương tự nguồn lương thực-thực phẩm hữu cơ, các sản phẩm “xanh” như năng lượng tái tạo cũng không gây ít ảnh hưởng tới môi trường như những lời quảng cáo từ các nhà marketing.
Năng lượng mặt trời là một ví dụ điển hình trong trường hợp này. Thực tế, đúng là năng lượng mặt trời không thải ra carbon khi các tấm quang năng được lắp đặt và hoạt động. Tuy nhiên, quá trình sản xuất ra những tấm quang năng đó lại là một mớ hỗn độn độc hại. Được sản xuất bằng cadmium kim loại nặng gây đột biến và ung thư, cần hàng tỷ lít nước để sản xuất và làm mát, những “góc khuất” trong quá trình sản xuất ra tấm quang năng hiếm khi được đưa ra phân tích trong các cuộc thảo luận về tính ứng dụng của năng lượng tái tạo.
Xe điện trở thành một biểu tượng mang tính tiến bộ môi trường. Hàng loạt công ty sản xuất nhận được trợ cấp từ chính phủ ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2011, quá trình sản xuất một chiếc xe điện tiêu thụ nhiều năng lượng hơn một chiếc xe chạy bằng khí đốt và thấy mức độ thải carbon trong quá trình sản xuất của cả hai chiếc xe là như nhau.
Xe ô tô điện có thể không sản sinh ra khí thải trong quá trình vận hành, những chúng chỉ thực sự “xanh” khi điện được sạc vào. Pin lắp đặt trong ô tô chứa vô số các kim loại độc hại như lithium, đồng, bạch kim coban. Việc khai thác các chất này chắc chắn tàn phá môi trường và việc sử dụng pin không đúng cách có thể khiến các kim loại độc hại rò rỉ.
Ngay cả việc lựa chọn túi giấy thay vì túi nilon cũng không thân thiện với môi trường như hầu hết mọi người nghĩ. Luôn quan điểm túi nilon là “ác quỷ”, người tiêu dùng không hề để ý đến đặc điểm túi giấy tạo ra ô nhiễm không khí và nước nhiều hơn túi nilon, đồ nhựa và cũng thực sự cần nhiều năng lượng hơn để tái chế. Túi giấy chiếm nhiều không gian hơn trong các bãi chôn lấp và cần nhiều khí đốt hơn để vận chuyển. Tất nhiên, không thể phủ nhận túi nilon không độc hại, nhưng những người tiêu dùng tin rằng họ đang cứu Trái Đất khi yêu cầu túi giấy tại các siêu thị rõ ràng đang bị đánh lừa.
Theo nhà nghiên cứu Philipp Sapozhnikov tại Viện Hải dương học Shirshov, vi hạt nhựa ở trong mọi thứ, đến ngay cả các sản phẩm được cho là “xanh”.
“Chúng ta đều có xu hướng này. Nếu chúng ta đối mặt với một vấn đề phức tạp và lớn lao như biến đổi khí hậu hay cứu rừng, nếu chúng ta làm một việc, như tắt đèn khi ra khỏi phòng, hành động đó khiến chúng ta cảm thấy mình không còn gây rắc rối nữa”, Andrew Revkin – người sáng lập Sáng kiến Truyền thông và bền vững tại Đại học Columbia (Mỹ) – nhận định.
“Các nhãn hiệu mang thông điệp xanh cho phép người tiêu dùng có thể tự ngụy biện cho chính bản thân mà không phải hy sinh bất cứ điều gì”, Will Fowler – Giám đốc sáng thuộc công ty chăm sóc sức khỏe Headspace (Anh) kết luận.
Trong thực tế, tiêu thụ ít luôn tốt hơn việc sử dụng một sản phẩm “xanh”. Nhưng rõ ràng, nếu người dân không tiêu thụ thì các công ty sẽ không kiếm được lợi nhuận, từ đó nền kinh tế một nước cũng không phát triển. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế không bị hạn chế không thể cùng lúc tồn tại với mong muốn giảm thiểu tác động của con người với môi trường, hoặc nói theo cách khác, không một quốc gia nào có thể tránh được tình trạng không sản sinh ra khí thải.
Bản chất của con người là muốn cứu lấy hành tinh này và các tập đoàn thúc đẩy cơn sốt tiêu dùng xanh chỉ đơn thuần là đang lợi dụng tâm lý này. Điều duy nhất “xanh” về sản phẩm của họ là số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra.