Sự thật khủng khiếp đằng sau vụ xả súng vào siêu thị gia đình Messi
10 ngày trước, siêu thị do gia đình Lionel Messi sở hữu đã bị tấn công với 14 phát súng làm hư hại nhiều đồ đạc tại hiện trường. Đã có những phỏng đoán cho rằng đây chỉ xuất phát từ mục tiêu cá nhân, khi những kẻ xả súng không muốn Messi về khoác áo đội bóng họ căm ghét. Nhưng sự thật đằng sau đó lại kinh khủng hơn vậy.
Vụ xả súng ngày 3/3 vẫn trở thành tâm điểm của thành phố Rosasio, quê hương Messi. Theo tờ Clarin, Rosasio vốn là địa chỉ ưa thích của các băng đảng ma túy hoạt động tại Argentina: “Vụ tấn công bằng súng vào siêu thị của gia đình Antonela Roccuzzo là mối đe dọa đối với Lionel Messi nói riêng và cộng đồng Rosario nói chung.
Nó đã gây ra hậu quả là càng dấy lên nỗi lo của người dân. Họ đang đối mặt với nguy cơ xảy ra xả súng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nơi đây, các băng đảng đang giành giật miếng bánh trên từng con hẻm, trong khi chính quyền cũng cố gắng trấn át tình hình.
Nhưng mọi thứ dường như càng trầm trọng hơn. Rosario chứng kiến tỷ lệ giết người cao nhất đất nước, với 22/1000, gấp 8 lần thủ đô Buenos Aires. Trung bình có 3 vụ xả súng mỗi ngày. Hơn 1 năm qua, đã có 300 người chết vì súng đạn trên đường, con số thực tế có thể còn cao hơn.
Vào tháng 9 năm ngoái, 1,4 tấn cocaine đã bị thu giữ tại cảng Rosario. Nỗ lực của chính quyền thậm chí chỉ khiến những kẻ tội phạm thêm hung hăng. Do vậy, chúng muốn đưa ra những tuyên bố đanh thép, mà siêu thị của Messi là một ví dụ. Thông điệp ấy không nhắm vào Messi, mà chính xác là ngôi sao bóng đá bị sử dụng làm mồi nhử, để chúng có thể truyền tải lời đe dọa càng rộng khắp.
Đó là một chiến thuật lây lan đám đông cũ nhưng rất hiệu quả. Kết quả có thể thấy là chúng đang khủng bố người dân, khiến niềm tin của họ thêm lung lay. Một cụ ông 70 tuổi đã chia sẻ: "Tôi ở đây đã hàng chục năm nhưng chưa bao giờ thấy tình hình căng thẳng như hiện giờ. Cảnh sát không thể bảo vệ chúng tôi, chẳng ai bảo vệ chúng tôi cả. Chúng tôi đang phải đương đầu với nguy hiểm mỗi khi ra đường".
Theo truyền thông xứ Tango, chính quyền Rosario và Argentina đang nỗ lực kiểm soát tình hình. Mới đây, họ thành lập các đội đặc nhiệm về vấn đề ma túy, lực lượng được tăng lên 3.500 thành viên. Nhưng "tất cả sẽ khiến đường phố Rosario phải chịu đựng nhiều hơn, và những vụ tiêu biểu như nhắm vào tài sản của Messi hoàn toàn có thể tái diễn", Clarin kết luận.