Sự thật kinh hoàng về vụ bắt giữ, hành quyết trùm phát xít Ý Mussolini- Kỳ 1
Vào ngày 28/4/1945, Benito Mussolini đã bị hành quyết khi đang tìm cách chạy trốn đến Thụy Sĩ, giữa lúc nguy cấp quân Đồng minh tiến đến miền bắc Italy, và sau đó đám đông giận dữ đã tùng xẻo xác ông ta tại một quảng trường công cộng ở Milan.
KỲ 1: NGÒI BÚT VÀ THANH KIẾM

Benito Mussolini hứng chịu một kết cục thảm khốc cho một chương đen tối trong lịch sử Italy. Ảnh: Focus
Cái chết của Benito Mussolini vào ngày 28/4/1945 đã đánh dấu sự kết thúc một chương đen tối trong lịch sử Italy. Sau khi lên nắm quyền vào năm 1922, nhà độc tài đã cai trị đất nước bằng nắm đấm sắt. Mặc dù Mussolini bị phế truất vào năm 1943, Đức Quốc xã đã phục hồi ông ta làm người đứng đầu chính phủ bù nhìn của mình ở miền bắc Italy trong Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, khi quân Đồng minh tiến gần đến hồi kết của cuộc xung đột, Mussolini muốn tránh bị xét xử như một tội phạm chiến tranh và đã quyết định chạy trốn sang Thụy Sĩ.
Kế hoạch của ông ta đã thất bại. Mussolini bị những người du kích nhận ra. Họ bắt giữ và hành quyết Mussolini cùng với tình nhân của ông, Clara Petacci, và hàng chục tên phát xít khác. Nhưng đó chỉ là khởi đầu.
Sáng hôm sau, những người du kích đã quăng xác Mussolini ra quảng trường ở Milan, và một đám đông giận dữ nhanh chóng tụ tập. Đám đông vừa đá vào xác của "Il Duce" (có nghĩa là “Lãnh tụ” – từ mà Mussolini tự xưng khi còn cầm quyền), vừa hét lên những lời nguyền rủa. Sau đó, thi thể bị cắt xẻo của Mussolini bị treo ngược trên một trạm xăng, một sự trừng phạt mang tính biểu tượng cho những nỗi đau mà nhà độc tài đã gây ra.
Việc hành quyết Benito Mussolini và những hành động làm ô uế cơ thể người chết phản ánh lòng căm thù dữ dội được khơi dậy và những vết sẹo lâu dài mà chế độ cai trị của ông để lại cho đất nước. Cho đến ngày nay, di sản của Mussolini vẫn là sự tàn phá và khủng bố, được đánh dấu bằng các chính sách tàn nhẫn và cuộc đấu tranh đau đớn của Italy để giành lại quyền lực dân chủ.

Xác của Benito Mussolini, thứ hai từ trái sang, bị treo ngược trên dầm của một trạm xăng ở Milan. Ảnh đã làm mờ: Nguồn mở
Trỗi dậy bằng cả ngòi bút và thanh kiếm
Sinh ngày 29/7/1883 tại Dovia di Predappio, Benito Amilcare Andrea Mussolini thông minh và ham học hỏi từ khi còn nhỏ. Trên thực tế, ban đầu Mussolini định trở thành một giáo viên, nhưng ông sớm nhận ra rằng nghề này không dành cho mình. Tuy nhiên, ông ta vẫn say mê đọc các tác phẩm của các triết gia vĩ đại của châu Âu như Immanuel Kant, Georges Sorel, Friedrich Nietzsche và Karl Marx.
Ở độ tuổi 20, Mussolini đã điều hành một loạt các tờ báo mà thực chất là các tờ tuyên truyền cho quan điểm chính trị ngày càng cực đoan của mình. Ông ủng hộ bạo lực như một cách để tạo ra sự thay đổi, đặc biệt là khi nói đến sự tiến bộ của các công đoàn và sự an toàn cho người lao động.
Nhà báo trẻ Mussolini đã bị bắt nhiều lần vì kích động bất ổn theo cách này. Năm 1903, ông bị bỏ tù vì ủng hộ cuộc đình công bạo lực của công nhân ở Thụy Sĩ. Quan điểm của Mussolini cực đoan đến mức Đảng Xã hội thậm chí đã khai trừ ông ta ra khỏi đảng và chính ông đã rút khỏi tờ báo của đảng này.
Hồ sơ ghi chép của Mussolini sau khi bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ vào ngày 19/6/1903 vì ủng hộ một cuộc đình công bạo lực.

Ảnh tội phạm của Mussolini khi bị bắt. Ảnh: Nguồn mở
Sau đó, Mussolini tự nắm lấy vận mệnh của mình. Vào cuối năm 1914, khi Thế chiến thứ nhất mới bắt đầu, ông ta thành lập một tờ báo có tên là Il Popolo d’Italia, hay Nhân dân Italy. Trên tờ báo này, Mussolini phác thảo các triết lý chính trị chính của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa cực đoan - sẽ định hướng cho phần đời còn lại của ông ta.
"Từ hôm nay trở đi, tất cả chúng ta đều là người Italy và không gì khác ngoài người Italy", Mussolini đã từng nói như vậy. “Giờ đây, khi thép đã gặp thép, một tiếng kêu duy nhất vang lên từ trái tim chúng ta — Viva l’Italia! [Italy muôn năm!]”

Nhà độc tài tương lai của Italy, Benito Mussolini vào đầu những năm 1900. Ảnh: Nguồn mở
Từ "Il Duce" đến nhà độc tài tàn bạo
Sau sự nghiệp làm nhà báo rồi phục vụ quân ngũ với tư cách một tay súng bắn tỉa trong Thế chiến thứ nhất, Benito Mussolini đã thành lập Đảng Phát xít Quốc gia Italy vào năm 1921.
Được sự ủng hộ của ngày càng nhiều người và các đội bán quân sự mặc đồ đen, nhà lãnh đạo phát xít bắt đầu tự gọi mình là “Il Duce” (“Lãnh tụ”) và sớm trở nên nổi tiếng với những bài phát biểu đầy nhiệt huyết được thúc đẩy bởi thế giới quan chính trị ngày càng bạo lực. Những đội “Áo đen” này xuất hiện khắp nước Italy, đốt cháy các tòa nhà chính phủ và giết chết hàng trăm người đối lập. Trong khi đó, bản thân Mussolini đã kêu gọi một cuộc đình công của toàn thể công nhân vào năm 1922, cũng như một cuộc diễu hành đến Rome.
Khi 30.000 người ủng hộ Mussolini tiến vào thủ đô kêu gọi làm “cách mạng”, không lâu sau đó, các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Italy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhường lại quyền lực cho những kẻ phát xít. Vào ngày 31/10/1922, Vua Victor Emmanuel III đã bổ nhiệm Mussolini làm Thủ tướng. Ở tuổi 39, ông ta là người trẻ nhất từng giữ chức vụ này và giờ đây ông có nhiều khán giả hơn bao giờ hết cho các bài phát biểu, chính sách và thế giới quan của mình.

Mussolini diễu hành cùng đội bán quân sự "Áo đen" vào năm 1922. Ảnh: Nguồn mở
Trong suốt những năm 1920, Mussolini đã xây dựng lại Italy theo quan điểm của mình. Và đến giữa những năm 1930, ông ta bắt đầu khẳng định quyền lực vượt ra ngoài biên giới đất nước. Vào năm 1935, Mussolini đưa quân xâm lược Ethiopia, và sau đó cuộc chiến tranh nhanh chóng chấm dứt với kết thúc với chiến thắng của Italy, Ethiopia trở thành thuộc địa.
Một số nhà sử học thậm chí còn cho rằng đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến II. Tuy nhiên, khi cuộc chiến chính thức bắt đầu vào tháng 9/1939, Mussolini đã có được vị thế của mình trên trường thế giới lớn hơn bao giờ hết.
Sa lầy và kết cục được báo trước
5 năm sau cuộc xâm lược Ethiopia, Benito Mussolini đã đứng ngoài cuộc khi Adolf Hitler xâm lược Pháp. Trong suy nghĩ của mình, Il Duce cảm thấy rằng Italy nên chiến đấu với Pháp. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, quân đội Đức lớn hơn và được trang bị tốt hơn với những nhà lãnh đạo hiệu quả hơn. Do đó, Mussolini chỉ có thể đứng nhìn, liên minh hoàn toàn với Hitler và tuyên chiến với kẻ thù của Đức.
Lúc đó, Mussolini đã sa lầy. Ông ta đang trong cuộc chiến với phần còn lại của thế giới — chỉ có Đức ủng hộ ông ta.
Nhà độc tài cũng bắt đầu nhận ra rằng lực lượng vũ trang của Italy kém xa lực lượng vũ trang của kẻ thù. Mussolini cần nhiều hơn là những bài phát biểu gay gắt và lời lẽ bạo lực — ông ta cần một quân đội mạnh để ủng hộ chế độ độc tài của mình.

Sau khi “Il Duce” bị cách chức thủ tướng, Hitler đưa ông ta lên làm người đứng đầu chính quyền bù nhìn của Đức Quốc xã ở miền bắc Italy. Ảnh: Nguồn mở
Italy đã sớm sử dụng sức mạnh của mình để xâm lược Hy Lạp, nhưng chiến dịch này không thành công và không được lòng dân trong nước. Ở xứ sở hình chiếc ủng, người dân vẫn thất nghiệp và đói khát, và họ cảm thấy muốn nổi loạn. Nếu không có sự can thiệp của quân đội Hitler, một cuộc đảo chính chắc chắn đã lật đổ Mussolini vào năm 1941.
Đối mặt với áp lực ở mặt trận trong nước, Benito Mussolini đã bị nhà vua và Đại Hội đồng cách chức vào tháng 7/1943. Lực lượng Đồng minh đã giành lại miền bắc châu Phi từ lực lượng phe Trục và họ cũng đã đưa quân vào đảo Sicily. Những ngày tháng cuối của Il Duce đã được đếm.