Sự thật mùi hôi ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước
Ngày 7/8, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cùng các đơn vị có liên quan đã mời người dân các quận huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 7 xuống Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước để giám sát hoạt động của các nhà máy tại đây.
Mùi nồng nặc, dân không dám xuống xe
Người dân lần lượt đi khảo sát thực tế tại 3 công ty đang hoạt động trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước gồm: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Xanh (xử lý bùn cống) và Công ty CP-DV Môi trường đô thị Hòa Bình (xử lý phân bùn hầm cầu).
Sau khi được đoàn đưa đi thực tế tại nhà máy Công ty Sài Gòn Xanh và Công ty Hòa Bình (xử lý phân bùn cầu), ông Nguyễn Thành Mỹ (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cho biết, nhà cách công ty chỉ 200m, đang dọn cơm ăn mà mùi hôi bay đến là bỏ chạy. Mỗi ngày bị ảnh hưởng mùi hôi nên rất lo lắng cho sức khỏe.
Ngoài ra, việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Mỹ đề nghị cơ quan chức năng và công ty sớm trồng cây xanh cách ly, cũng như di dời nhà ông và một số hộ dân đang nằm trong ranh quy hoạch trồng cây xanh cách lý.
“Hôm nay lên đến bãi chôn lấp rác, tôi không ngửi thấy mùi hôi là mấy. Công ty xử lý mùi hôi tại bãi tốt và mong rằng phía công ty sẽ có nhiều giải pháp hơn để người dân sống xung quanh không bị ảnh hưởng”, ông Minh đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Phê (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết, khi đến đây thấy môi trường sinh hoạt rất tốt. Cách đây hơn 10 năm, ông làm việc gần bãi rác nên có biết mùi hôi ở đây rất khó chịu.
“Tuy nhiên, thời gian gần đây thì không có. Bữa nay tôi qua đây khảo sát thực tế mấy điểm trong nhà máy thì thấy rất tốt. Ngay cả nước sau khi xử lý từ nước rỉ rác cũng được anh bạn của tôi uống, không sao”, ông Phê nói.
Ông Nguyễn Trọng Hùng (ngụ quận 7) nói rằng người dân cảm nhận mùi hôi từ các giác quan nên thấy sao nói vậy. Cuộc sống người dân khác trước vì ảnh hưởng bởi mùi hôi. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến năm nay, mùi hôi có giảm nhưng thi thoảng vẫn còn. Đặc biệt là buổi chiều và tối.
“Khi đi tham quan thực tế Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, chúng tôi ghi nhận công nghệ xử lý rác của công ty. Chúng tôi mong muốn chính quyền thành phố và công ty công khai dữ liệu quan trắc môi trường không khí, nước để người dân biết và giám sát”, ông Hùng đề nghị.
Bà Tô Hồng Trang (ngụ quận 7) thì rằng việc Sở Tài nguyên và Môi trường mời người dân giám sát trong khung giờ nhất định chưa phản ánh được đánh giá mùi hôi. Từ đây, bà Trang đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương tổ chức đường dây nóng để nhận phản ánh của người dân. Từ đó cơ quan chức năng đến ngay vị trí người dân phản ánh để kiểm tra, xác minh.