Sự thật những giấy tờ, thành tích 'nhà sư tự phong' khoe khoang trên mạng
Liên tục khoe khoang quen biết, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của của cơ quan tổ chức Trung ương và địa phương nhưng những giấy tờ này của ông Phúc đều không được chứng thực, do tự làm ra.
Liên tục khoe khoang trên mạng về những “thành tích” là được gặp gỡ, nhận được nhiều sự khen thưởng của các cơ quan, lãnh đạo ở trung ương và địa phương nhưng thực tế, những giấy tờ này của ông Nguyễn Minh Phúc, tức sư tự phong Tâm Phúc (còn gọi là sư thầy ăn thịt chó) đều là giả mạo, không có chứng nhận pháp lý.
Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều thông tin, hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội, ông Nguyễn Minh Phúc (38 tuổi) ngụ ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung (Củ Chi, TP HCM) tự nhận mình là “đại đức Thích Minh Phúc”, trụ trì chùa Hoàng Pháp Trung ương tại địa chỉ ở ấp Láng Cát. Đây cũng đồng thời là nơi cư trú của ông Phúc và người thân trong gia đình.
Trước cửa ông nhà Phúc có đặt nhiều tượng Phật, trang trí, bài trí như những khu vực chùa chiền khác. Tuy nhiên, theo đại diện của Giáo hội Phật giáo huyện Củ Chi thì đây không phải cơ sở thờ tự được cấp phép của Giáo hội Phật giáo. Việc ông Phúc tự xưng, mặc áo là hành vi giả danh, giả mạo cư sĩ Phật giáo.
Đặc biệt, việc ông này tự kêu gọi trên mạng để lấy những loại đồ ăn là thịt các loại động vật gây búc xúc cho người dân, người tu hành, ảnh hưởng tiêu cực tới sự thanh tịnh của Phật giáo. Ngoài ra, giáo hội cũng cho biết một số giấy tờ tu học mà ông Phúc đưa lên mạng xã hội là giả mạo, do ông tự làm ra.
Ngoài ra, tại địa chỉ này ông Phúc từng đăng ký hoạt động 6 đơn vị là doanh nghiệp tư nhân nhưng hiện nay đều đã hết thời gian đăng ký và cũng chưa từng có hoạt động gì, đều đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép.
Ngoài ra, ông Phúc cũng khoe khoang nhiều giấy khen, bằng khen của các tổ chức, cá nhân, hiệp hội ở trong và ngoài nước. Thậm chí ông còn khoe khoang quen biết rất nhiều cá nhân là lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời ông cũng khoe khoang việc đi học ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, toàn bộ các thông tin này chưa có bất cứ nơi nào xác nhận, chứng thực.
Thậm chí, theo thông tin của chúng tôi, những huân chương, huy chương, bằng khen của Trung ương đó qua tra xét danh sách khen thưởng lưu trữ tại Ban Thi đua – Khen thưởng không có tên ông Nguyễn Minh Phúc và cơ quan chức năng khẳng định do ông Phúc tự làm giả. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra các thông tin này.
Ngoài những thông tin, hình ảnh giả mạo nêu trên theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua ông Phúc cũng liên tục gây hấn với người thân, hàng xóm khi xảy ra các sự việc tranh chấp đất đai, tài sản. Hiện cơ quan chức năng địa phương đang tích cực điều tra, làm rõ các thông tin ông Phúc đưa ra cũng như xử lý những đối tượng đã quay các clip, hình ảnh của ông này tung lên mạng xã hội.