Sự thật phương pháp truyền thuốc phòng đột quỵ
Đột quỵ chỉ có thể dự phòng bằng cách kiểm soát tốt các bệnh lý nền và thay đổi lối sống như tăng cường tập thể dục, giảm cân, không ăn mặn. Việc tiêm hay uống các loại thuốc đều không có tác dụng.
Mẹ tôi bị tăng huyết áp nhiều năm, vẫn duy trì uống thuốc hằng ngày. Khoảng 10 ngày nay, huyết áp của bà lúc tăng, lúc giảm, người mệt mỏi. Mẹ tôi đến trung tâm y tế khám và nhận thuốc theo đúng tuyến BHYT. Bác sĩ tại đây tư vấn truyền 2 loại thuốc liệu trình 10 ngày để chống đột quỵ. Tên 2 loại thuốc: Cerebrolysin và Luotai, giá hơn 4 triệu đồng/liệu trình. Xin bác sĩ tư vấn trường hợp của mẹ tôi có thể dùng thuốc này không? (Hoàng Lan, Hà Đông, Hà Nội)
Tiến sĩ Bùi Long - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) tư vấn:
Hai thuốc trên chỉ là thuốc bổ não và được chỉ định dùng cho những người đã bị đột quỵ do tế bào não chết đi, thuốc này có tác dụng tốt cho tế bào não còn lại, bù đắp phần đã chết. Hai thuốc trên hoàn toàn không có tác dụng phòng ngừa đột quỵ hay điều trị huyết áp.
Theo tôi, bạn nên đưa mẹ tới cơ sở y tế khám chuyên khoa tim mạch để xác định rõ nguyên nhân tăng - giảm huyết áp sẽ tốt hơn.
Để phòng đột quỵ, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh lý sẵn có như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì.
Với trường hợp tăng huyết áp, người dân cần lưu ý thông tin như sau:
Huyết áp tâm thu thông thường từ 120-140mmhg. Khi chỉ số này vượt quá 140 là tăng huyết áp, khi đó áp lực lên thành mạch máu tăng lên, suy yếu mạch máu nhỏ, tăng nguy cơ đột tử (nhồi máu cơ tim), đột quỵ.
Với người tăng huyết áp, mục tiêu phòng đột quỵ của họ là kiểm soát, ổn định bệnh. Đây là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ bao gồm xuất huyết não và nhồi máu não. Các bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu có tới 60% do huyết áp không được kiểm soát.
Tăng huyết áp bị coi là "kẻ giết người thầm lặng" do biến chứng diễn tiến âm thầm. Để biết mình có bị tăng huyết áp hay không, người dân nên tầm soát chỉ số huyết áp bằng 2 cách:
Cách 1: Bạn có thể đến cơ sở y tế để khám, đo huyết áp. Nếu chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 mmhg được coi là tăng huyết áp.
Cách 2: Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp đạt chuẩn. Chỉ số đo tại nhà được cho là tăng từ 130mmhg. Khi đo ở nhà, bạn tĩnh tại, không hồi hộp nên Hiệp hội Phòng chống Tăng huyết áp Thế giới đã khuyến cáo chỉ số là 130.
Nếu chỉ số huyết áp bình thường, bạn chỉ cần đo lại 6-12 tháng/lần.
Trường hợp huyết áp tăng, người bệnh cần thay đổi lối sống như tập thể dục, hạn chế các món ăn nhiều muối, chất kích thích. Sau 1 tháng, nếu chỉ số vẫn ở mức trên, bạn cần điều trị bằng thuốc theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo báo cáo Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (STEP) năm 2021, tỷ lệ mắc huyết áp tăng ở người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên là 26,2%. Trong đó, nhóm tuổi từ 50 đến 69 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất với 51,9%. Trong quá trình sống chung với bệnh, người bệnh phải đạt huyết áp mục tiêu dưới 140mmhg, cần tuân thủ điều trị của bác sĩ và thay đổi lối sống.
Một số trường hợp tăng huyết áp cần được chữa trị ngay lập tức tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt, vì lúc này nguy cơ bệnh nhân tử vong là khá cao.
Hiệp hội Phòng chống Tăng huyết áp Thế giới khuyến cáo như sau:
1. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
2. Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình.
3. Thực hiện giảm muối (< 5g muối/ngày) ngay hôm nay để có một cơ thể khỏe mạnh.
4. Đọc kỹ hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng.
5. Tăng cường tiêu thụ các loại rau, củ, trái cây: các thực phẩm giàu chất xơ.
6. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường, muối, chất béo bão hòa.
7. Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng, chống thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác.