Sự thật rùng rợn về cung điện làm bằng máu ở Tây Phi, gắn liền với một tà giáo vô cùng nổi tiếng
Sự ảnh hưởng của tà giáo Voodoo đối với quốc gia Tây Phi này là vô cùng sâu rộng.
Tại quốc gia nhỏ bé Benin của Tây Phi, dọc theo Vịnh Guinea, có một cung điện có lịch sử xây dựng gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện rùng rợn. Cung điện này tọa lạc tại Abomey, được cho là được xây dựng bằng máu của các nạn nhân bị hiến tế cho tà thuật. Trên thực tế, Benin được coi là cái nôi của Voodoo, một trong những tà giáo lâu đời nhất thế giới.
Abomey, thủ đô của Vương quốc Dahomey cổ đại, được cai trị bởi 12 vị vua kể từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 (1600 - 1904). Vua Ghezo, người cai trị thứ chín, trị vì từ năm 1818 đến năm 1858 và nổi tiếng vì đã phát triển một nền văn hóa quân phiệt tàn nhẫn. Ông thường được nhắc đến như một nhà cai trị khát máu và quyền lực.
Những đồ trang trí của Ghezo phản ánh tham vọng quân sự của ông: Con hẻm dẫn đến nơi trú ngụ của ông được cho là được lát bằng đầu lâu và ngai vàng của ông được đặt lên trên xương của kẻ thù. Truyền thuyết kể rằng ngay cả những túp lều tang lễ trong cung điện của Ghezo - một phần của Di sản Thế giới được UNESCO công nhận - cũng được xây dựng bằng vữa làm từ máu của 41 nạn nhân hiến tế. Gần đây, các nhà khảo cổ học người Pháp đã kiểm tra bằng các phương pháp khoa học và xác nhận tính xác thực của nó. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Proteomics .
Các tác giả viết trong nghiên cứu:"Chúng tôi xây dựng chiến lược ban đầu là phân tích các protein hiện diện trên một lượng nhỏ tấm ốp được lấy mẫu từ mặt trong của bức tường đài tưởng niệm và xác định nguồn gốc của chúng. Một số chỉ số chứng minh sự hiện diện của dấu vết máu người và gia cầm trong vật liệu".
Các nhà nghiên cứu giải thích:"Chất kết dính của các bức tường không phải là vữa tiêu chuẩn mà được cho là được làm từ dầu đỏ và nước rửa tội trộn với máu của 41 nạn nhân hiến tế - 41 là con số thiêng liêng trong tà thuật". "Các nạn nhân có thể là nô lệ hoặc tù nhân của kẻ thù", họ cho biết thêm.
Mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ liệu máu được tìm thấy trên các bức tường của lăng mộ Ghezo có phải đã đổ ra trong một sự kiện như vậy hay không, nhưng phân tích DNA sâu hơn có thể tiết lộ chính xác số lượng cá nhân đã tình nguyện đóng góp máu của mình để xây dựng lên công trình này.