Sự thật sau ánh hào quang của các nhóm Kpop
Trước công chúng, hình ảnh của các nhóm nhạc thần tượng Kpop luôn đẹp đẽ, ấm áp. Tuy nhiên, đôi khi đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài mà thôi...
Ám ảnh tâm lý vì bị bắt nạt
Bắt nạt trở thành vấn nạn nhức nhối nhất của làng giải trí Hàn Quốc trong năm 2021. Hàng loạt ngôi sao đã lên tiếng bóc trần sự thực lý do họ phải rời nhóm khiến công chúng choáng váng.
Vừa qua, cựu thành viên nhóm ILUV là Shin Min Ah đã chiến thắng trong vụ kiện với công ty quản lý WKS ENE. Công ty này đã kiện nữ ca sĩ sau khi cô tố cáo các thành viên trong nhóm bắt nạt mình.
Theo nữ thần tượng, các thành viên của ILUV đã đánh đập, buộc quần áo và phả khói thuốc vào mặt cô.
Bị quấy rối liên tục khiến cô rơi vào trạng thái hoảng loạn. Thậm chí, Shin Min Ah đã gặp bác sĩ tâm lý để điều trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Cô mắc chứng khó ăn, chỉ nặng 36kg. Cô còn ra sông định tự tử nhưng may mắn được cảnh sát cứu sống. “Tôi thấy mỗi ngày đều như địa ngục”, Shin Min Ah chia sẻ trên Star News.
Trước đó, thành viên Huyn Joo của nhóm April cũng cáo buộc các thành viên trong nhóm đối xử tệ bạc với cô từ khi còn là thực tập sinh vào năm 2014.
Hyun Joo khẳng định, trong 3 năm (2014 - 2016), cô phải chịu đựng những hành động và hành vi bạo lực, chế giễu, chửi thề và tấn công, xúc phạm.
“Công ty biết chuyện nhưng không có biện pháp xử lý. Tôi rơi vào bóng tối mà không thể nhìn thấy tận cùng. Tôi đưa ra một quyết định cực đoan, nhưng dường như họ không cảm thấy có lỗi dù chỉ là một chút”, Hyun Joo chia sẻ. Quá khứ đó khiến Hyun Joo bị ám ảnh tâm lý sau khi rời nhóm, mà cô mô tả “chúng trở thành vết thương lòng như có thể nuốt chửng lấy tôi”.
Sau cáo buộc này, công ty quản lý DSP Media và các thành viên của nhóm April đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc.
Theo Korea Times, DSP Media đâm đơn kiện Hyun Joo và em trai của cô vì hành vi phỉ báng, bôi nhọ. Nhưng sau đó, cảnh sát đã bác bỏ đơn kiện.
AOA là nhóm nhạc nữ ra mắt trực thuộc FNC Entertainment vào năm 2012. Năm 2019, thành viên Kwon Mina rời nhóm và rời công ty.
Tới năm 2020, cựu thần tượng đăng đàn tố cáo thành viên Jimin của AOA đã bắt nạt, khiến cô đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Chỉ trong thời gian ngắn, Jimin cũng rời AOA, cho biết mình đã trực tiếp xin lỗi Mina. Nhưng một ngày, Mina đăng tải hình ảnh tự hủy hoại bản thân và cho biết mình bị trầm cảm sau vụ việc, nhiều lần tự tử bất thành.
Cô cũng tuyên bố chưa bao giờ nhận được lời xin lỗi chân thành từ kẻ bắt nạt mình.
Bê bối bắt nạt nội bộ trong nhóm nhạc tại Kpop không phải mới diễn ra gần đây.
Năm 2012, làng giải trí nước này chấn động trước bê bối bắt nạt thành viên Hwa Young của nhóm nhạc T-ara. Lùm xùm này khiến nhóm trở thành “con ghẻ quốc dân”, sự nghiệp bị vùi dập khi đang ở đỉnh cao.
Nhưng đến năm 2018, Chủ tịch Công ty MBK Entertainment - công ty quản lý của T-ara khi đó “bóc phốt” Hwa Young là người đóng vai nạn nhân, trong khi cô và người em của mình là Hyo Young mới là kẻ bắt nạt thành viên Areum trong nhóm. Tuyên bố này đã làm đảo ngược tình thế.
Trên thực tế, không phải mọi vụ bắt nạt đều có thể có ảnh hoặc đoạn ghi âm để làm bằng chứng.
Dù vậy, điều này đủ nói lên một mặt trái khốc liệt phía sau hào quang, sau những hình ảnh đẹp đẽ mà các thần tượng thể hiện trước công chúng.
Không ít người hoài nghi, có khả năng nhiều người nổi tiếng khác cũng đang bị bắt nạt nhưng chưa lên tiếng hoặc không dám lên tiếng.
Không nên quản thúc ca sĩ suốt ngày đêm
Theo SCMP, với các công ty giải trí Hàn Quốc, ký túc xá giúp các công ty quản lý các thành viên ban nhạc và thúc đẩy tinh thần đồng đội dễ dàng hơn.
Các thành viên có thể phát triển mối quan hệ giống như gia đình, tạo nên sự gắn bó thân thiết mà người hâm mộ rất thích.
Do đó, hầu hết các nhóm nhạc Kpop, các thành viên không phân biệt lứa tuổi đều sống chung trong một căn ký túc xá cho đến khi được phép ra ở riêng. Thế nhưng, chính việc sống chung dễ làm nảy sinh mâu thuẫn nội bộ.
Theo các chuyên gia văn hóa, bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào cũng cần có khoảng không gian và thời gian riêng tư.
Hệ thống ký túc xá khiến các thành viên không có không gian riêng tư, có thể gây ra xung đột. Một quản lý giấu tên trong ngành thừa nhận, không dễ để xác định hoặc can thiệp vào vấn đề tình cảm giữa các thành viên.
Tuy nhiên, vấn đề này nếu phát sinh sẽ gây ảnh hưởng và gây khó khăn cho hoạt động của nhóm cũng như những người nổi tiếng sau này.
Chia sẻ trên Korea Times, Giáo sư Lee Jong Im - tác giả cuốn sách “Idol Trainees Sweat and Tears (2018)” về mặt tối của hệ thống đào tạo Kpop cho rằng, các công ty giải trí nên đại tu hệ thống hiện tại để ngăn chặn sự tái diễn các scandal bắt nạt nội bộ.
Ông cho rằng, nếu các thần tượng vẫn phải sống chung với nhau thì “họ cần một nơi mà quyền riêng tư được bảo vệ thích hợp”.
Cùng đó, công ty không nên quản thúc các ca sĩ suốt ngày đêm. Các thần tượng cần được dành đủ thời gian và không gian để đi học, xây dựng mối quan hệ với những người khác ngoài bạn cùng nhóm.
Đồng quan điểm, nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae của Tạp chí IZM dẫn chứng nhóm nhạc One Direction của Anh Quốc.
Được thành lập vào năm 2010, nhóm đã tạm ngừng hoạt động kể từ năm 2016. Các thành viên không sống cùng nhau, nhưng có tinh thần đồng đội cao. Còn tại Kpop, việc sống chung khiến các nghệ sĩ cảm thấy căng thẳng, khó khăn.
“Những bê bối bắt nạt cho thấy các công ty quản lý nên tập trung nhiều hơn vào phát triển tính cách từng ca sĩ, để họ có thể ăn ý và hợp tác hơn. Các ca sĩ không nên bị tước mất cơ hội học hỏi để đưa ra quyết định của mình. Họ cần nhiều cơ hội giao lưu với những người khác”, Jung Min Jae nhận định.
Trong khi đó, nhà phê bình Park Hee Ah giải thích trên tờ JoongAng Ilbo, các nhóm nhạc nữ dễ nảy sinh mâu thuẫn nội bộ hơn các nhóm nhạc nam.
“Các nhóm nhạc nam có fandom mạnh hơn nhóm nhạc nữ. Vì vậy, công ty quản lý sẽ quản lý kỹ lưỡng hơn trước khi phát sinh vấn đề”.