Sự thật 'vàng đỏ' giá trăm triệu làm giả từ bột nghệ và hóa chất
Saffron (nhụy hoa nghệ tây) - loại gia vị được ví như 'vàng đỏ' có giá vài trăm triệu đồng mỗi cân đang bán tràn lan trên thị trường. Chuyên gia cảnh báo hãy cẩn trọng vì có loại saffron làm giả từ bột nghệ và hóa chất.
Gia vị có giá đắt đỏ bậc nhất tràn ngập thị trường
Theo chuyên gia y tế, saffron (nhụy hoa nghệ tây) được người dân, đặc biệt là giới quý tộc trên thế giới, sử dụng từ hàng ngàn năm trước. Như ở tây bắc Iran, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hang động với hình ảnh 50.000 năm tuổi có chứa các chất màu son của nhụy hoa nghệ tây. Trên đảo Thera của Hy Lạp, ở biển Aegean, những bức tranh tường 3.500 năm mô tả một nữ thần Minoan giám sát việc sản xuất và áp dụng một loại thuốc được làm từ hoa nghệ tây.
Người Ai Cập dùng nó để chữa bệnh, làm nước hoa, thuốc nhuộm và nấu ăn. Người Ba Tư cổ đại tin rằng nhụy hoa nghệ tây chữa được chứng trầm cảm và thường pha vào trà nóng. Vào thế kỷ VIII, người Hồi giáo mang thứ gia vị này đến Tây Ban Nha và nó được sử dụng trong các món ăn cao cấp cho đến nay. Trong thời Phục hưng, nhụy hoa nghệ tây thực sự có giá trị ngang bằng vàng.
Trong ẩm thực của nhiều nước trên thế giới, saffron được sử dụng như một loại gia vị tạo mùi vị, màu sắc cho món ăn.
Loại gia vị này có chứa nhiều flavonoid, vitamin và apocarotenoid nên cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều sử dụng với tác dụng an thần, trị những bệnh như tiêu chảy, tổn thương tim, hạ đường huyết, giảm mỡ máu, tăng miễn dịch, đậu mùa, cảm lạnh, sỏi thận, chứng mất ngủ, tiểu đường, hen suyễn và trầm cảm, thậm chí có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer và ung thư. Đặc biêt, y học hiện đại cũng thừa nhận saffron là một chất chống oxy hóa mạnh có thể làm giảm đau và viêm.
Có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng nhụy hoa nghệ tây lại là mặt hàng được ví von như vàng đỏ. Bởi, chúng được thu hoạch thủ công bằng tay vào mùa thu. Để có 1kg nhụy cần khoảng 170.000 bông hoa (68 kg) và trên 40 giờ làm. Mỗi cây nghệ tây chỉ cho ra 3-4 hoa, mỗi hoa chỉ có 3 nhụy, nên một cây nghệ tây chỉ thu được 9-12 sợi nhụy.
Là gia vị được ví như “vàng đỏ”, thường chỉ dành cho giới quý tộc, thượng lưu dùng, nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, saffron lại được bày bán tràn ngập trên thị trường Việt Nam với giá dao động từ 350-700 triệu đồng/kg tùy loại.
Người bán thường quảng cáo saffron có hai loại là hàng nhập chính ngạch và hàng xách tay với đủ xuất xứ khác nhau. Người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua loại gia vị “vàng đỏ” này với số lượng bao nhiêu cũng có.
Có loại được làm giả từ bột nghệ và hóa chất
Trước đó, trao đổi với PV.VietNamNet, Đại sứ Iran tại Việt Nam Saleh Adibi cho biết, saffron được người dân trên thế giới biết đến từ hàng ngàn năm trước. Nó rất tốt cho sức khỏe và được gọi là “vàng đỏ” của Iran. Đây là một mặt hàng rất được ưa chuộng và luôn được giới thượng lưu, trung lưu và những người giàu có tìm kiếm.
Theo ông Saleh Adibi, các giáo sư cũng như những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền của Iran đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh về công dụng tuyệt vời của saffron. Ví như, chúng có tác dụng làm thông mạch và rất tốt cho các bệnh nhân bị bệnh động mạch vành; những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Thế nên, saffron được sử dụng để chế biến các món ăn trong gia đình, làm nguyên liệu sản xuất thuốc trong lĩnh vực y học. Đặc biệt, chúng còn có công dụng làm đẹp.
Song, vị đại sứ Iran cũng chia sẻ, những mặt hàng có giá trị cao thường bị làm giả. Ví như vàng có vàng thật, vàng giả; kim cương cũng có loại thật và loại giả,... Do đó, saffron - loại hàng hóa có giá tới mấy trăm triệu đồng/kg, được ví như “vàng đỏ” - cũng có loại thật loại giả.
“Trên thị trường có những hình thức làm giả và nhuộm màu saffon. Họ thường dùng những loại như bột nghệ, cộng với một thực vật khác, hòa cùng với một loại hóa chất để tạo màu làm giả saffron”, vị đại sứ tiết lộ.
Ông Saleh Adibi cũng cho biết, ở Iran, người dân thường dùng saffron để nấu cơm. Cơm được trộn với saffron thường cho ra một màu vàng tươi rất tự nhiên; các loại saffron giả trộn với gạo cũng ra được màu gần giống vậy, nhưng nếu để ý kỹ thì màu của nó sẽ không tự nhiên giống như saffron thật. Tuy nhiên, vì saffron là là một sản phẩm được người Iran sử dụng hàng ngày nên họ dễ dàng nhận biết được đâu là thật, đâu là giả.
“Saffron là mặt hàng còn khá mới mẻ với người tiêu dùng Việt, do đó cần cẩn trọng khi mua”, ông Saleh Adibi khuyến cáo.
Bác sĩ Trần Châu Quyên (Viện Dinh Dưỡng) cũng cho biết, do quý hiếm và đắt đỏ nên saffron rất dễ bị làm giả bằng cách dùng hóa chất để nhuộm màu hoặc tạo mùi hương. Những hóa chất này thường rất độc và có hại cho sức khỏe. Vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua saffron, bởi nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc với sức khỏe.
Thực tế, việc làm giả saffon có lịch sử lâu dài và tiếp diễn đến ngày nay. Lần đầu tiên phát hiện nhụy hoa nghệ tây giả vào thời Trung cổ ở châu Âu. Các phương pháp thường thấy bao gồm trộn lẫn với các tạp chất như củ cải đường, sợi xơ quả lựu, sợi lụa nhuộm đỏ, hoặc phần nhị màu vàng không mùi vị của hoa nghệ tây. Đặc biệt, nhụy hoa nghệ tây dạng bột càng dễ bị làm giả với các chất độn là bột nghệ, bột ớt,...
Lưu Minh (Tổng hợp)