Sự thật về bức ảnh đánh dấu thời khắc thay đổi lịch sử y học Ba Lan
National Geographic chọn đây là bức ảnh đẹp nhất năm 1987 vì câu chuyện cảm động đằng sau nó.
Bức hình trên được xem là đánh dấu cho thời khắc thay đổi không tưởng trong lịch sử y học Ba Lan. Người ngồi trong hình là tiến sĩ, bác sĩ Zbigniew Religa, sinh năm 1938, quốc tịch Ba Lan. Ông đang theo dõi các tín hiệu sức khỏe của bệnh nhân sau ca phẫu thuật ghép tim kéo dài 23 giờ mà mình thực hiện.
Ở góc bên phải của bức hình, một đồng nghiệp của bác sĩ Religa tranh thủ ngủ sau ca phẫu thuật kéo dài và đầy căng thẳng. Đây là thời khắc kết thúc ca đại phẫu mang tính bước ngoặt - ghép tim đầu tiên tại Ba Lan. Kể từ khi ca phẫu thuật này thành công, hàng triệu người từ khắp nơi trên toàn cầu đã được hồi sinh nhờ kỹ thuật mà ông Religa thực hiện.
Bức ảnh trên do nhiếp ảnh gia người Mỹ James Stansfield chụp vào tháng 8/1987. Thời điểm chụp bức ảnh đó, James đang ghi lại hình ảnh về hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí đã lỗi thời của Ba Lan. Nó rơi vào tình trạng và thiếu thốn trầm trọng máy móc, trang thiết bị.
Bức ảnh về ca phẫu thuật vô tình được ghi lại. Nhiếp ảnh gia James hẳn khó lòng tưởng tượng được tác phẩm của mình đã ghi lại khoảnh khắc nền y học Ba Lan bước sang trang mới. Tác phẩm này còn được National Geographic bình chọn là bức ảnh đẹp nhất năm 1987.
Phía sau bức ảnh này là câu chuyện đầy nhân văn về vị bác sĩ mở lối tiên phong cho ngành hiến tạng tại Ba Lan.
Ca phẫu thuật bất khả thi
Ông Zbigniew Religa sinh ra tại làng Miedwienice, Żyrardów, Masovian Voivodeship, Ba Lan, trong gia đình có truyền thống cha mẹ đều là giáo viên. Ngay từ thuở nhỏ, Religa đã mơ ước trở thành triết gia hay nhà báo. Nhưng nghề đã chọn ông. Religa đỗ vào trường Đại học Y Warsaw và nhiều lần được cử sang du học tại Mỹ.
Năm 1963, Religa học xong Đại học Y khoa Warszawa. Năm 1973, ông đến thăm thành phố New York để học hỏi về cách phẫu thuật mạch máu. Năm 1975, ông đã được đào tạo về phẫu thuật tim tại Detroit, Mỹ. Sau đó, ông trở thành bác sĩ phẫu thuật tim, đồng thời là giảng viên tại Viện Tim mạch Warsaw, giữ chức Giám đốc Phòng khám và Phẫu thuật Tim mạch ở Zabrze.
Năm 1985, ý định ghép tim đã nung nấu trong đầu của vị bác sĩ này. Tuy nhiên, thời điểm đó, bệnh nhân cần hiến tặng cũng chưa tìm được nguồn tim phù hợp.
Năm 1987, Ba Lan chấp nhận ghép tạng từ người chết hiến tặng, đồng thời, bệnh nhân tìm được trái tim thích hợp. Ngay lập tức, vị bác sĩ này không lãng phí một giây phút, ông quyết định ghép tim để cứu bệnh nhân. Đó là cuộc mổ phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật y tế cao và cơ sở vật chất hiện đại. Nhiều người thậm chí cho rằng nó sẽ không thành công.
Theo Zme Science, bệnh nhân được ghép tim là Tadeusz Żytkiewicz. Ông bước vào ca mổ khi đã 61 tuổi. Chính vì thế, không nhiều người tin rằng cuộc phẫu thuật sẽ thành công.
Nhưng tiến sĩ Religa đã chứng minh họ sai. Sau khi các bác sĩ xác nhận người hiến tặng chết não, họ tiến hành chuyển cơ quan nội tạng từ Warsaw đến Zabrze. Tiếp đến, các bác sĩ ghép tạng của người đã mất cho Tadeusz Żytkiewicz. Bỏ qua điều kiện cơ sở y tế thiếu thốn, lạc hậu, ông và những đồng nghiệp chạy đua 23 giờ liên tục, giành lại sự sống của bệnh nhân từ tay tử thần.
Tadeusz Żytkiewicz sau đó sống thêm 30 năm. Thậm chí, 13 năm sau khi nhận quả tim mới, Tadeusz Żytkiewicz ghép thận và sống khỏe mạnh. Người đàn ông này trở thành trở thành bệnh nhân được ghép tim sống lâu nhất tại Ba Lan.
Vị bác sĩ bước qua “lời nguyền”
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Jan Oisecki, ông Religa tâm sự: “Để thực hiện ca ghép tim, điều cần thiết đầu tiên là phải có một trái tim lý tưởng còn đập. Thời điểm chúng tôi quyết định thực hiện ca phẫu thuật, chỉ có duy nhất một điều trong khối óc và lương tâm. Đó là miễn có trái tim còn đập của một người sống, chúng tôi cũng sẽ thực hiện”.
Nhưng khi đó, khái niệm chết não nhưng cơ quan khác vẫn hoạt động trở thành điều xa lạ với công chúng. Nhiều người thậm chí không tin. Đó là rào cản đạo đức không nhỏ với bác sĩ Religa và cộng sự.
Thời điểm bác sĩ Zbigniew Religa thực hiện ca phẫu thuật không tưởng, nhà thờ Công giáo phản đối dữ dội. Bởi họ cho rằng việc mổ xẻ, động chạm đến thi thể, lấy ra bất kỳ phần nội tạng nào cũng là điều đáng nguyền rủa. Tất cả bệnh viện và bác sĩ khác đều lo lắng bị tước mất giấy phép hành nghề sau khi họ phẫu thuật. Rất nhiều người khác lo sợ cuộc mổ không thành công.
Bác sĩ Zbigniew Religa không được nhận bất kỳ sự hỗ trợ hay nguồn lực nào từ chính phủ Ba Lan khi đó. Ông và nhóm các y, bác sĩ tự gây dựng quỹ riêng, đứng dưới sự quản lý của Trung tâm Bệnh tim Silesian ở Zabre.
Các y tá có mặt trong kíp mổ của giây phút lịch sử kể lại ngay cả trong thời điểm “nghìn cân treo sợi tóc”, bệnh nhân tưởng chừng như không thể cứu được, ông Religa vẫn rất bình tĩnh, tuyệt đối không có sai lầm hay động tác thừa.
Sau khi kết thúc cuộc chiến với tử thần, bác sĩ Religa thay vì nghỉ ngơi đã ngồi im lặng bên cạnh giường bệnh nhân để chờ đợi dấu hiệu sự sống trên màn hình. Nhiếp ảnh gia James Stanfield cho biết một ngày sau ca phẫu thuật lịch sử, bệnh nhân tỉnh và cảm thấy khỏe mạnh.
Ca phẫu thuật trên chỉ là một trong những điều mà bác sĩ Religa đã cống hiến cho y học Ba Lan. Sau đó, ông vẫn dành trọn đời cho ngành y và ghép tạng. Ngày 8/3/2009, bác sĩ Religa qua đời vì ung thư phổi. Đám tang của ông được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Ba Lan.
Bệnh nhân Zitkevits Tadeusz và nhiếp ảnh gia James đều có mặt để nói lời từ biệt với vị bác sĩ già vĩ đại. Trên tay, họ cầm bức ảnh chụp lại giây phút trong phòng mổ ngày hôm đó. Ông Zitkevits Tadeusz luôn giữ tấm hình giống như bùa hộ mệnh của mình.
Theo Krakow Post, trong giờ phút chuấn bị lìa xa cõi đời, Religa vẫn cố gắng giữ nụ cười và hy vọng một ngày nào đó, sự nghiệp mà mình cống hiến sẽ gặt hái thêm nhiều thành tựu. Sự lạc quan và cống hiến của bác sĩ Zbigniew Religa đã trở thành ngọn lửa mở đường trong lĩnh vực phẫu thuật cấy ghép tim tại Ba Lan.