Sự thật về món đồ hiện đại được tìm thấy trong lăng mộ 1.000 tuổi: Có hay không giả thuyết xuyên không?
Ngoài số lượng lớn đồ tùy táng vàng bạc, ngọc trai, mã não... các chuyên gia còn vô cùng sửng sốt khi tìm thấy những món đồ tưởng như chỉ có ở thời hiện đại.
Nàng công chúa 18 tuổi
Lịch sử Trái Đất trải dài 4,5 tỷ năm, lịch sử con người đã đi được 10.000 năm nhưng tất cả cũng chỉ như một khoảnh khắc khi chúng ta ngoái đầu nhìn lại. Bao nhiêu phồn hoa đã tan, bao nhiêu chiến tranh xương máu cũng đã tàn, còn lại chỉ là những con chữ trên sách sử hay những bí mật đã bị vùi lấp qua hàng thế kỷ.
Năm 1986, người ta tìm thấy ngôi mộ gần 1.000 năm tuổi của vị công chúa triều đại nhà Liêu. Ngôi mộ đã phần nào lấp đầy khoảng trống lịch sử trong ngành khảo cổ học Trung Quốc thời bấy giờ.
Đội công nhân xây dựng hồ chứa nước cho thành phố Thông Liêu, miền đông Khu tự trị Nội Mông Cổ đã tình cờ phát hiện ra một lăng mộ cổ và lập tức trình báo lên các bộ phận liên quan.
Ngôi mộ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia và công chúng bởi ở thời điểm đó, Trung Quốc có rất ít tư liệu lịch sử liên quan đến nhà Liêu. Lăng mộ của các hoàng đế nhà Liêu được phát hiện đều đã hư hại nghiêm trọng, không còn ý nghĩa nghiên cứu.
Nhà Liêu là một triều đại tồn tại từ năm 907–1125 của Trung Quốc, các nhà khảo cổ xác định được đây là lăng mộ của công chúa Liêu Trần Quốc (1000 - 1018) của vương triều Khiết Đan, cháu gái vua Liêu Cảnh Tông (948 - 982).
Điều đặc biệt của lăng mộ này đó là bên trong lăng mộ không chỉ cất giữ thi hài của vị công chúa quý giá mà còn có cả thi hài của chồng cô. Đây là trường hợp vô cùng hiếm có bởi trước đó ngành khảo cổ học Trung Quốc mới chỉ ghi nhận trường hợp các phi tần bồi táng cùng lăng mộ các hoàng đế hoặc hoàng tử.
Công chúa Liêu Trần Quốc sinh năm 1001 nhưng mất vào năm 1018 sau Công nguyên. Nói cách khác, khi qua đời, vị công chúa này mới chỉ vừa tròn 18 tuổi.
Căn cứ vào những tư liệu còn tồn tại, công chúa Liêu Trần Quốc là vị công chúa được vua cha vô cùng yêu thương sủng ái, điều này thể hiện ở việc phong hào (danh hiệu) của cô đã được thay đổi nhiều lần. Lúc đầu, cô được phong làm Thái Bình công chúa, sau đó lại được phong làm Việt Quốc Công chúa.
Đây cũng là lý do ngôi mộ của cô được thiết kế vô cùng tinh xảo và cất chứa số lượng lớn đồ tùy táng quý giá. Theo mộ bia ghi lại, công chúa đột ngột qua đời vì bệnh tật, chỉ hai năm sau khi cô kết hôn với người cậu hơn mình 10 tuổi.
Cổ vật xuyên không
Bên trong lăng mộ, ngoài số lượng lớn đồ tùy táng vàng bạc, đồ sơn mài, ngọc trai, mã não, hổ phách và lụa quý, các chuyên gia cũng vô cùng sửng sốt khi tìm ra những chiếc ly thủy tinh với thiết kế giống hệt như những chiếc ly uống rượu của người hiện đại.
Những chiếc ly này đều có thiết kế thành mỏng, đáy dày với độ cong vô cùng hoàn hảo. Nếu không có chi tiết nắp ly bằng vàng được nối với thân ly bằng một sợi xích mỏng, các chuyên gia rất có thể sẽ lầm tưởng đây là vật dụng bị những kẻ trộm mộ bỏ quên trong lăng.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn cho các nhà khoa học bởi người Khiết Đan của nhà Liêu vốn là dân du mục, những chiếc ly tinh xảo nhỏ nhắn như thế này hoàn toàn khác với phong cách phóng khoáng, hoang dã của họ.
Bên cạnh đó, làm cách nào mà họ có thể tạo tác được những chiếc ly trong suốt hoàn mỹ như vậy với công nghệ của 1.000 năm trước? Thiết kế ly nắp vàng như vậy cũng là thiết kế độc nhất vô nhị mà các chuyên gia chưa tìm thấy ở bất cứ đâu. Liệu nó có mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó với vị công chúa bạc mệnh này. Đây vẫn còn là những câu hỏi bị bỏ ngỏ!
Các nghiên cứu tiếp theo đã chỉ ra rằng, thời điểm đó tuy nhà Liêu và nhà Tống có nhiều xung đột, nhưng nó vẫn không thể ngăn cản được sự phát triển của "con đường tơ lụa" nối nhà Tống với các nước phương Tây.