Sự thật về 'nàng tiên cá' ở vùng biển Phú Quốc
Ngày nay, sự thật về nàng tiên cá đã được khoa học khẳng định chỉ là huyền thoại. Và chắc hẳn, khi chiêm ngưỡng 'dung nhan' thật của các nàng tiên, những người từng nghe truyền thuyết sẽ vô cùng thất vọng: thân hình mập mạp, chiếc mõm trâu với cặp môi trề không thể xấu hơn...
Săn lùng “thần dược” tăng bản lĩnh đàn ông ở Phú Quốc Ốc hoàng đế và hành trình săn ngọc quý ở Phú Quốc
Nàng tiên cá từng được nhắc đến trong sử thi Hy Lạp từ gần 3.000 năm trước với những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí, liêu trai. Nàng không chỉ đẹp mê ly, mà còn có tiếng hát khiến những chàng thủy thủ quên điều khiển con tàu, nhảy xuống biển, bơi theo nàng.
“Nàng tiên cá” ấy hiện có mặt ở vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Và nàng chính là loài bò biển, cá cúi, hay dugong, có thân hình… cực xấu xí.
Loài cá tình cảm
Trò chuyện với Hoàng “rái cá”, tôi mới biết, ba anh từng là một thành viên trong nhóm “sát thủ” săn bò biển. Hoàng cho biết, ba anh đã mất mấy năm trước do tuổi già. “Nhóm của ba tôi có 5 - 6 người nhưng giải nghệ từ lâu, và bây giờ cũng đã tản mát hết. Hồi năm ngoái có chú Khanh, chú Hai vẫn ở Hàm Ninh”, Hoàng nói.
Theo chân Hoàng, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Khanh ở xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Người mà theo Hoàng, là một tay cực “sát cá”, hễ đi là trúng. Đáng tiếc là khi đến, ngôi nhà khóa trái cửa. Hoàng tiếp tục dẫn tôi đến nhà ông Lâm Văn Hai. Và, thật bất ngờ, ông Hai là người tôi đã từng gặp ở Hà Tiên cách đây hơn 1 năm.
Sau khi chào hỏi, nghe tôi nói về “nàng tiên cá”, ông Hai kể: “Ngày xưa, tôi từng nghe cha tôi kể rất nhiều về nàng tiên cá. Nghe đến mức thuộc lòng. Sau lớn lên, tìm hiểu mới biết, mọi chuyện đều bắt nguồn từ bộ trường ca Hy Lạp. Trong đó có kể đến sự xuất hiện của những nữ thần biển tuyệt sắc giai nhân, mình người, đuôi cá, ẩn hiện dưới làn nước biển xanh biếc.
Đêm xuống, nàng cất tiếng hát du dương, khiến những thủy thủ đang điều khiển con tàu say mê, quên hết mọi thứ, nhảy xuống biển, bơi theo nàng, để rồi không bao giờ quay trở về tàu. Trường ca cũng nói, trên hải trình trở về quê hương sau chiến thắng thành Troy, để tránh bị nàng tiên cá dụ dỗ, vua Hy Lạp đã ra lệnh cho binh sĩ trói ông vào cột buồm, bằng mọi giá không được cởi trói. Quân lính cũng theo lệnh vua, lấy sáp ong nút kín hai lỗ tai… nhờ vậy mà an toàn tính mạng”.
Ngày nay, sự thật về nàng tiên cá đã được khoa học khẳng định chỉ là huyền thoại. Và chắc hẳn, khi chiêm ngưỡng “dung nhan” thật của các nàng tiên, những người từng nghe truyền thuyết sẽ vô cùng thất vọng: thân hình mập mạp, chiếc mõm trâu với cặp môi trề không thể xấu hơn. Còn tiếng “hát” của các nàng cũng kinh dị không kém, nghe như tiếng khóc than ai oán, buồn nẫu ruột. Chỉ có cặp vây trước là đẹp, nhìn như bàn tay người phụ nữ. Đặc biệt, bò biển còn có cặp nhũ hoa khá to ở vùng ngực.
“Theo phân tích thì bò biển lâu lâu lại nổi lên mặt nước để thở, sau đó lật ngửa bụng, để lộ phần ngực lên mặt nước. Đây chính là giây phút người đi tàu nhìn thấy từ xa, nhìn từ xa, lại nhanh, thấy giống thân hình một cô gái nên tưởng tượng, rồi thêu dệt lên”, ông Hai nói.
“Theo tôi nghĩ thì đây là loài vật hiền nhất đại dương, hiền đến nhút nhát, thấy bóng người là lặng lẽ trườn đi một mạch rồi trồi lên chỗ khác, chẳng bao giờ thấy chúng đánh nhau giành ăn, giành bạn tình hay địa bàn. Đặc biệt, nơi nào chúng xuất hiện là nơi đó ngư dân buông lưới đầy cá. Không biết do hấp lực sắc đẹp, tiếng hát hay do chúng có sức lôi cuốn các loài cá cùng quần tụ. Mấy chục năm săn bò biển, tôi không để ý gì, đến khi chứng kiến cảnh 2 mẹ con bò biển mẹ âu yếm nhau. Nhìn cặp vây của con mẹ, chẳng khác bàn tay 5 ngón của người mẹ đang vuốt ve, nựng con, tôi mới nhận ra loài vật này sống rất tình cảm”, ông kể.
Ám ảnh của một "sát thủ"
Ông Hai bảo, hồi xưa dugong về vùng biển Phú Quốc nhiều lắm, ông từng thấy những đàn bò biển cả vài chục con, chúng di chuyển đến đâu biển dậy sóng đến đấy, còn mặt nước thì đục ngầu do chúng sục mõm sát đáy gặm cỏ. Do không bị cấm như bây giờ nên nhóm của ông kiếm bộn tiền. Một con bò biển trưởng thành có thể kiếm cả trăm triệu đồng. Chỉ riêng cặp nanh của mỗi con bò biển đã có giá hàng chục triệu đồng.
“Người ta đồn đeo cặp nanh bò biển sẽ mang lại may mắn, yểm tà ma… gì gì đó. Còn bộ pín, nếu gặp khách thích, lại có tiền nữa, thì vô giá. Vì dân gian đồn, bộ pín bò biển có công dụng mạnh nhất trong việc bồi bổ sức khỏe đàn ông, tăng cường sinh lực. Ngoài thị trường chợ đen, một bộ pín bò biển có khi lên đến 4 - 5 chục triệu đồng. Thậm chí gặp mấy tay trưởng giả thừa tiền thì bao nhiêu cũng được, miễn có hàng “độc” mang về. Còn xương và thịt nó cũng cao hơn giá thịt bò”, ông Hai nói.
Chính vì vậy, loài thú quý hiếm này luôn là đối tượng săn bắt hàng đầu của dân đi biển và số lượng bò biển ngày càng ít đi. “Sao chú bỏ nghề?”, tôi hỏi. Ông Hai trầm ngâm khá lâu, rồi kể: “Năm 1990, tôi tình cờ chứng kiến con bò biển mẹ bơi quanh đứa con bị dính lưới cá và chết, nó cứ rống lên những âm thanh ai oán, não nề. Rồi một lần khác, tôi bắt được 1 con bò biển mẹ, con bò biển con không dính lưới nhưng vẫn lẽo đẽo vừa bơi theo vừa kêu thảm thiết. Còn con mẹ khi đã bị kéo lên tàu rồi vẫn ứa nước mắt nhìn theo bóng con, thấy rõ nó chảy nước mắt. Sau vài phút suy nghĩ, tôi bàn với mọi người phóng thích con bò biển mẹ nhưng khi quyết định thì đã muộn”.
Trở về nhà, ông Hai bị ám ảnh bởi ánh mắt, tiếng kêu khóc của những con bò biển. Rồi sau đó, ông tìm hiểu mới biết, bò biển là một trong những loài vật sống dưới biển có nhiều điểm giống con người như: tình cảm mẫu tử sâu sắc, mang thai gần 14 tháng và chỉ đẻ 1 con, bò biển nuôi con bằng sữa mẹ như người. Con mẹ thường dẫn con đi kiếm ăn và khi 1 trong 2 mẹ con bị dính lưới thì con còn lại không bao giờ bỏ đi. Chuyến đi săn bò biển đó trở thành chuyến đi săn bò biển cuối cùng của “sát thủ mỹ nhân ngư”. Sau nhiều đêm thức trắng, ông kéo tàu lên bờ, đoạn tuyệt với việc sát hại bò biển.
Những tháng ngày sau đó, ông vẫn không hết ám ảnh. Và cũng từ đó, ông ra sức bảo vệ loài bò biển. Từ năm 2002, khi UBND tỉnh Kiên Giang có lệnh cấm săn bắt bò biển thì ông Hai là một trong những thành viên tích cực tham gia dự án này. Ngày ngày ông đều lặn lội khắp các làng chài lưới để vận động, tuyên truyền cho ngư dân cần bảo vệ loài thú quý hiếm. Mỗi lần nghe nói ở đâu bắt được bò biển là ông liền có mặt để vận động mọi người thả chúng về với biển.
“Bây giờ muốn món gì đó từ nàng tiên cá ngoài chợ, có không?”, tôi hỏi Hoàng. “Cái gì cũng có, Từ nanh, pín, đến thịt khô”, Hoàng đáp rồi im lặng. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Hoàng cười to: “Có, nhưng toàn hàng dỏm. Thế nên anh ra đây mới cần đến tôi chứ”.
"Dugong theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là "Người con gái đẹp". Dugong trưởng thành dài gần 3m, nặng từ 300 - 600kg, cá biệt có con nặng ngót 1 tấn, có thể sống đến 70 năm. Tuổi của dugong được xác định theo các vòng tăng trưởng ở răng nanh. Loài này nuôi con bằng sữa mẹ nhưng đẻ ít, mỗi lần mang thai đến hơn 13 tháng. Bên cạnh đó, do những lời đồn vô căn cứ về tác dụng của nanh, pín nên không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, số lượng dugong đang suy giảm nghiêm trọng”, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, TP.HCM.