Sự thật về tin đồn 'dịch nôn' khiến nhiều trẻ nhập viện
Những ngày qua, trên mạng xã hội, không ít phụ huynh chia sẻ thông tin về tình trạng trẻ nôn liên tục, tiêu chảy… khiến người dân lo lắng.
Tại khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ tiếp nhận hàng chục ca bệnh nhi với những biểu hiện nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết… có những trường hợp cả nhà phải nhập viện.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ có triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy... Trung bình mỗi ngày 10-30 trẻ đến thăm khám. Hiện, khu điều trị nội trú của bệnh viện đang điều trị khoảng 40 bệnh nhi. Các trẻ thường phải nhập viện điều trị do nôn trớ nhiều, tiêu chảy dẫn đến mất nước. Theo bác sĩ, một số trẻ là nhiễm khuẩn đường ruột, một số nhiễm virus. Tuy nhiên, qua xét nghiệm men gan, không có trẻ nào men gan tăng cao.
Tương tự, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng thông tin, tuần vừa rồi có một số trẻ nhập viện với tình trạng nôn, sốt, đau bụng… Điều này khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Họ cho rằng có thể đang có dịch bệnh với trẻ em.
Đang điều trị tại khoa Tiêu hóa bệnh viện là bé gái 4 tuổi ở Vĩnh Phúc. Bé đột ngột bị tiêu chảy, nôn, sốt. Thấy có triệu chứng, gia đình cho trẻ đi khám và nhập viện ở tuyến dưới. Em được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 5/5. Phụ huynh em chia sẻ, trẻ đang đi học mầm non và các bạn trong lớp không có hiện tượng như vậy.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, thời điểm này, tại bệnh viện số bệnh nhân tiêu hóa cũng gia tăng, do mùa hè là mùa có các nhiễm khuẩn liên quan rối loạn tiêu hóa.
Thăm khám cho bệnh nhi tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương,
Tuy nhiên nữ bác sĩ cho biết, dựa trên số liệu khám ở đây, con số này cũng tương tự như hàng năm. Mỗi ngày khoa tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhi có vấn đề tiêu hóa, trong đó chỉ khoảng 10-20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy…
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, sốt nôn và tiêu chảy thường gặp ở bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa, có thể do virus hoặc vi khuẩn.
Thông thường ở trẻ dưới 5 tuổi, sốt, nôn là biểu hiện tiêu chảy cấp do rota virus. Ở trẻ được tiêm phòng rota virus, có thể do các virus khác như norovirus, calicivirus, adenovirus, Covid-19. Nghiên cứu trên thế giới nhận thấy, 30-40% trẻ mắc Covid-9 cũng có triệu chứng tiêu hóa như sốt, nôn, tiêu chảy. Sau nhiễm Covid-19 từ 4-6 tuần, khoảng 10% trẻ cũng có biểu hiện đau bụng, nôn. Nếu bé trong vùng dịch hoặc gia đình có người mắc Covid-19, có thể các triệu chứng trên do liên quan đến Covid-19.
Ngoài ra, PGS.TS Hà thông tin thêm, thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm. Mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố cũng khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày – ruột do nhiễm khuẩn.
Việc đầu tiên, phụ huynh cần đánh giá triệu chứng của con xuất hiện như thế nào (sớm hay muộn, có liên quan đến các bữa ăn hay không). Nếu triệu chứng liên quan tới bữa ăn tập thể hoặc đi du lịch về, phụ huynh phải cảnh giác về ngộ độc thực phẩm. Nếu bé đi học ở lớp, có các bạn như vậy, chúng ta nên lưu ý đến nguy cơ trẻ nhiễm virus, vi khuẩn.
Trường hợp trẻ bị nôn, sốt, tiêu chảy thường mất nước, cần điều trị cẩn thận. Nếu bé nôn, sốt, tiêu chảy nhưng vẫn chơi, uống nước, đi tiểu nhiều… có thể theo dõi tại nhà.
Trường hợp bé không uống được, uống vào nôn ra, nôn tất cả, tốc độ tiêu chảy nhiều cần nhập viện. Bác sĩ sẽ đánh giá nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ để có sự can thiệp kịp thời.
Trước khi cha mẹ đưa con đến viện khám, con chưa có biểu hiện nặng, có thể bù nước cho con bằng dung dịch orezol. Nếu bé sốt, phụ huynh phải cho trẻ dùng hạ sốt, khi nhiệt độ trên 38.5 độ. Nếu dưới nhiệt độ đó, chúng ta uống cho bé uống bù nước và chườm mát. Khi uống hạ sốt nhưng nhiệt độ không hạ, bắt buộc trẻ phải nhập viện.
Tương tự, Ths.BS Trần Thị Cườm, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cũng chia sẻ, hiện tượng trẻ nôn, sốt… nguyên nhân có thể do vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh vào mùa hè gây nên tình trạng nhiễm độc.
“Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn ở người lớn nên mọi người nhầm lẫn là bệnh truyền nhiễm nhưng không phải. Nó là loại bệnh xảy ra vào mùa hè, thời điểm này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn, trong môi trường sống dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh.
Mùa hè trẻ rất dễ gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa
Vì vậy phụ không quá hoang mang, lo lắng hãy bình tĩnh và theo dõi sức khỏe của bé nếu bé mắc bệnh”, Ths.BS Trần Thị Cườm thông tin.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thông tin thêm, đây không phải là dịch bệnh như nhiều phụ huynh đang lo lắng.
Có thể do trẻ bị ngộ độc hoặc do tình trạng cơ thể mệt mỏi, thay đổi thời tiết. Thực tế tuần vừa rồi, trong kỳ nghỉ dài (30/-1/5), các bé về quê, đi du lịch… bệnh tính dễ xảy ra. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam nhiều virus, vi khuẩn dễ gây ngộ độc, bệnh tiêu hóa.
Theo ông Điển, khi trẻ nôn, sốt, đau bụng… phụ huynh nên cho trẻ đến viện để thăm khám. “Trẻ đến viện để được chẩn đoán, điều trị, việc dựa theo kiến thức trên mạng để điều trị rất nguy hiểm”, PGS.TS Điển nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, chúng ta cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, đảm bảo chất dinh dưỡng, nên ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, để lâu trong tủ lạnh, sử dụng thực phẩm rõ ràng, đúng cách, hạn chế thức ăn đường phố…giữ vệ sinh thân thể vào môi trường xung quanh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như nôn, sốt hay đi ngoài phân lỏng... bố mẹ cần liên hệ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Đồng thời, cần tiêm chủng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ y tế cho cả gia đình để phòng tránh dịch bệnh.