Sự thật về 'tử thần' gần mỏ hoang khiến 37 loài quái vật gục chết
Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy những manh mối quan trọng để giải mã nghĩa địa quái vật ở Nevada - Mỹ, nơi hàng loạt ngư long khổng lồ tìm đến chỉ để chết từ 230 triệu năm tước.
Theo Sci-News và AP, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Randy Irmis từ Đại học Utah (Mỹ) đã tìm thấy một số xương nhỏ hiếm hoi giữa hàng đống xương hóa thạch khổng lồ tại Công viên bang Berlin-Ichthyosaur, điều có thể giúp lý giải về "nghĩa địa quái vật" nổi tiếng ở nơi đây.
Từ lâu, khu vực này đã được chú ý khi để lộ hàng trăm bộ hài cốt quái vật biển cổ đại từ những năm 1950 đến nay. Những hóa thạch xưa nhất có niên đại lên tới 230 triệu năm. Chúng đều là những con ichthyosaur, tức "ngư long" hay "thằn lằn cá", một loài bò sát biển cổ đại.
Một cách bí ẩn, chúng tề tựu về địa điểm này dường như chỉ để chết. Hiện tại khu đất thuộc địa phận Rừng Quốc gia Humboldt-Toiyabe, tọa lạc nơi dãy núi Shoshone phía Trung Tây Nevada, cạnh một thị trấn khai thác mỏ bỏ hoang từ lâu, khiến nó nhuốm thêm màu ma quái.
Nhưng với các nhà khoa học, câu trả lời cho mảnh đất "tử thần" này có thể là một phát hiện lớn giúp giải mã tập tính của những con ngư long cổ đại.
Khu vực này ngày xưa từng là một vùng biển nhiệt đới và các bộ xương nhỏ của cá thể non, và cả những hóa thạch được xác định là phôi thai, cho thấy đây rất có thể là một nhà bảo sanh cổ đại!
Những con ngư long mang thai đã tìm đến vùng biển - có thể là bình yên và ấp áp vào kỷ Jura, kỷ Phấn Trắng - để sinh con.
Vượt cạn luôn là một quá trình đầy trắc trở đối với tất cả động vật. Với những con ngư long cổ đại, không ít con đã bỏ mạng trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, xương con non và phôi thai là những dạng hóa thạch dễ hư hại, nên chủ yếu những thứ được tìm thấy này nay vẫn là xương của các con mẹ xấu số.
Trong nghiên cứu, các nhà cổ sinh vật học cũng lập mô hình 3D một số hóa thạch và xác định được các bộ hài cốt thuộc về ít nhất 37 loài ngư long khác nhau. Họ cũng nhận định các quái vật cổ đại đã di chuyển theo nhóm đến đây khi sinh con.
Theo đồng tác giả Nicholas Pyenson từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ), tập tính tìm đến một "nhà bảo sanh" chung giữa đại dương, xa nơi kiếm ăn này cũng được tìm thấy ở một số loài ngày nay, ví dụ như cá voi.
Để chắc chắn thêm về các giả thuyết khác gây ra cái chết của hàng loạt quái vật cổ đại này, họ cũng kiểm tra các khoáng chất trong đất và không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của núi lửa phun trào hay những thay đổi môi trường đủ gây chết hàng loạt. Chúng cũng chết ở nơi khá xa bờ biển cổ đại, nên không phải chết do một vụ lao lên bờ hàng loạt.