Sự thật Việt Nam qua góc nhìn của nữ nhà báo Pháp

Tháng 10-1931, Bộ trưởng thuộc địa Pháp Paul Reynaud tới thăm Đông Dương. Cùng đi theo đoàn có nữ nhà báo Andreé Viollis, người sau này đã thuật lại chi tiết chuyến thăm này qua những trang sách.

Trước đó, Chính phủ Pháp đã mở một triển lãm lớn có tên gọi “Triển lãm thuộc địa quốc tế” ở thủ đô Paris. Triển lãm là tập hợp những khu trưng bày lớn giới thiệu về văn hóa của các thuộc địa. Tất cả tạo nên khung cảnh cho thấy nhiều dân tộc với những nét văn hóa độc đáo, chung sống dưới nền Cộng hòa Pháp. Kéo dài liên tục trong 6 tháng, sự kiện thu hút tới 8 triệu người tham quan. Thế nhưng, đằng sau đó lại là tư tưởng thực dân đã ăn sâu vào giới lãnh đạo Pháp dưới danh nghĩa “khai hóa văn minh”. Thống chế Hubert Lyautey, Tổng ủy viên phụ trách triển lãm tuyên bố, nước Pháp có nhiệm vụ “đem tới sự hòa nhã nhân văn cho những trái tim hoang dã”. Triển lãm là thông điệp cho thấy các thuộc địa lạc hậu đang dần tiến bộ hơn nhờ có “mẫu quốc bảo hộ”, một thực trạng trái ngược với những gì bà Viollis được chứng kiến.

 Nhà báo Andreé Viollis. Ảnh: reporters-et-cie.guerredespagne.fr.

Nhà báo Andreé Viollis. Ảnh: reporters-et-cie.guerredespagne.fr.

Khi đặt chân tới Việt Nam, bà Viollis thấy một dân tộc oằn mình dưới ách đô hộ của thực dân. Người Pháp và một số nhỏ giới chủ người Việt sống sung túc, trong khi đại đa số người dân chịu cảnh cùng cực, không được tiếp cận những dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục. Bên cạnh khai thác tài nguyên, người Pháp ra sức bán thuốc phiện, rượu cồn, vừa để vùi dập sức phản kháng, vừa thu một khoản lời lớn thông qua thuế đánh vào các chất gây nghiện này. Năm 1920, riêng thuế muối, thuốc phiện và rượu đã đóng góp 44% ngân sách chính quyền thuộc địa.

Năm 1929, cuộc đại suy thoái xuất phát từ Mỹ, sau đó lan ra khắp thế giới. Không thể tránh khỏi ảnh hưởng, từ đầu năm 1930, Paris quyết định tăng cường vơ vét thuộc địa. Với nguồn khoáng sản dồi dào như: Kẽm, thiếc, sắt, than đá..., cùng đất đai màu mỡ để trồng các loại cây giá trị cao như thuốc lá, cao su, một làn sóng đầu tư từ các công ty Pháp đổ vào Việt Nam. Công nghiệp hóa được đẩy mạnh nhằm thu lợi nhuận tối đa nhờ bóc lột người dân.

Do những mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp, giữa giai cấp công nhân, nông dân với địa chủ phong kiến trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết, cách mạng trở thành con đường tất yếu.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo cao trào cách mạng, với đỉnh cao là Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Cũng trong năm đó, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam nổ ra liên tiếp trên cả nước. Để giữ vững bộ máy chính quyền, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man những người yêu nước. Bà Viollis đã được tiếp cận những người này trong các nhà tù của Pháp, tiêu biểu là người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng. Tuy gặp phải những thất bại ban đầu, các phong trào đấu tranh trên cả nước đã để lại nhiều bài học quý báu, chứng minh đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Năm 1935, bà Viollis cho ra đời cuốn sách “SOS Indochina” (tạm dịch: Đông Dương kêu cứu) mô tả chi tiết, chân thực về những đày ải của thực dân Pháp đối với người dân thuộc địa. Chính quyền Pháp ra sức phủ nhận nội dung cuốn sách, cho rằng bà bịa đặt và bôi nhọ đất nước. Thế nhưng, cuốn sách vẫn được tái bản vào năm 1949, góp phần giúp dư luận Pháp phản đối chiến tranh và chủ nghĩa thực dân một cách mạnh mẽ hơn.

Năm 1945, người dân Việt Nam giành được độc lập từ tay thực dân Pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam qua 15 năm đấu tranh kiên trì, đúc rút kinh nghiệm, nắm bắt thời cơ và nhất là có sự ủng hộ của nhân dân, gần 100 năm đô hộ của thực dân đã chấm dứt sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng giới cầm quyền tại Paris vẫn chưa chịu từ bỏ một trong những thuộc địa trù phú nhất của mình, quay lại xâm lược vào năm 1946, để rồi bị đánh bại vào năm 1954.

MINH TRÍ (theo jacobinmag.com)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/su-that-viet-nam-qua-goc-nhin-cua-nu-nha-bao-phap-650832