Sự thay đổi lớn trên ngư trường Bình Định

Một chính sách thiết thực được tỉnh Bình Định thực hiện từ năm 2020 trong lĩnh vực thủy sản. Sau 3 năm, nhận thức của ngư dân đã thay đổi không ngờ.

Ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng chục tỷ đồng - Động lực để ngư dân "vươn khơi, bám biển"

3.235 - đây là số lượng tàu đánh bắt cá của tỉnh Bình Định đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhờ việc định vị, gần 3 năm qua, 100% hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản của ngư dân được giám sát chặt ngay từ đất liền, tránh vi phạm ranh giới ngư trường biển, đồng thời, giúp bảo vệ tính mạng người dân trước thiên tai khó lường.

Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, ông Nguyễn Công Bình thừa nhận, quá trình thuyết phục để người dân hiểu rõ lợi ích của lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, là không đơn giản.

Ông Nguyễn Công Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định

Ông Nguyễn Công Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định

- Theo ông, đâu là trở lại lớn nhất khi vận động người dân lắp thiết bị trên tàu cá của mình?

Ông Nguyễn Công Bình: Có hai lý do chính khiến ngư dân “lắc đầu”.

Thứ nhất, việc lắp thiết bị giám sát hành trình tốn khoảng 22 triệu đồng/bộ/tàu cá. Đây là yếu tố tài chính.

Thứ hai, ngư dân đánh bắt xa bờ thường có tâm lý là giấu ngư trường. Họ không muốn cho người khác biết địa điểm đánh bắt có cá. Do vậy, khi lắp thiết bị giám sát trên tàu, đồng nghĩa, họ sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước theo dõi các hoạt động khai thác trên biển.

Thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

Thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

- Với hai vấn đề trên, tỉnh đã giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Công Bình: Từ giữa năm 2020, chúng tôi bắt đầu chiến dịch tuyên truyền cho ngư dân và lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

Đối với vấn đề tài chính, tỉnh Bình Định hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt một bộ thiết bị trên tàu, vào khoảng 11 triệu đồng. Với 3.235 tàu cá đã được lắp thiết bị thì số tiền là hàng chục tỷ đồng, địa phương cùng giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngư dân đang vươn khơi bám biển.

Còn về tâm lý giấu ngư trường, chúng tôi nói với họ rằng, đừng vì cái lợi trước mắt mà để ngành thủy sản phải gánh chịu những hậu quả lâu dài.

Việc giám sát của cơ quan Nhà nước không gây khó khăn cho hoạt động khai thác mà chỉ nhắm vào hành vi đánh bắt sai phạm pháp luật trên biển như: vi phạm ngư trường, đánh bắt trái tuyến, đánh bắt trên vùng biển nước ngoài. Đây không phải là câu chuyện một tàu cá thu lợi thêm bao nhiêu, đây chính là hình ảnh của một quốc gia.

Ngư dân chuẩn bị và sửa soạn những phương tiện, dụng cụ cần thiết cho chuyến đi biển dài ngày

Ngư dân chuẩn bị và sửa soạn những phương tiện, dụng cụ cần thiết cho chuyến đi biển dài ngày

“Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” (IUU) cần phải được ngăn chặn triệt để. Từ đó, góp phần giúp Việt Nam sớm được gỡ thẻ vàng IUU.

Cùng với đó, chúng tôi cũng nói với ngư dân rằng, việc giám sát thông qua định vị sẽ giúp cơ quan chức năng cảnh báo kịp thời cho tàu cá nếu xuất hiện áp thấp, bão biển. Từ đó, các đội tàu chủ động tìm nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài ra, khi lắp thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu cũng có thể quản lý được đội tàu từ xa. Nhiều chủ tàu ngồi bờ mà liên lạc, điều hành 5-10 con tàu ngoài khơi, kêu thuyền trưởng đưa tàu qua khu vực nào khai thác để có hiệu quả.

Các ngư dân xếp cá vào khay để chuyển lên bờ

Các ngư dân xếp cá vào khay để chuyển lên bờ

"Bạn đồng hành" tin cậy trên hải trình mưu sinh

- Tỉnh đánh giá sao về kết quả sau 3 năm triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá?

Ông Nguyễn Công Bình: Nhận thức là điều thay đổi rõ nhất. Nhiều tàu khi đang khai thác trên biển còn chủ động liên lạc về đất liền cho chúng tôi, hỏi xem tàu đang ở đúng vị trí chưa. Họ nói chúng tôi cảnh báo họ nếu không may tàu đến gần ranh giới vi phạm.

Theo thống kê, năm 2021, tỉnh có 300 lượt tàu vi phạm đánh bắt/năm. Sang năm 2022, con số là khoảng hơn 50 lượt. Còn 10 tháng của năm 2023, chỉ còn 30 lượt tàu vi phạm.

Số liệu trên đã nói lên tất cả. Những ngư dân ngày nào còn “lắc đầu” đối với thiết bị giám sát hành trình, thì nay hiểu và rất thượng tôn pháp luật.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, giám sát hành trình và ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại những thay đổi lớn trong công tác quản lý. Ngay bản thân tôi cũng có thể giám sát hoạt động của các tàu cá chỉ với chiếc smartphone trên tay.

Dữ liệu cập nhật qua ứng dụng, cho tôi biết có bao nhiêu tàu đang đánh bắt ngoài khơi, bao nhiêu tàu đang nằm bờ, hoặc tàu nào đang gặp phải sự cố.

Tàu thuyền đánh bắt cá neo đậu ở cảng

Tàu thuyền đánh bắt cá neo đậu ở cảng

Trước đây, khi chưa lắp thiết bị, chỉ khi tàu cá liên lạc về, trên đất liền mới biết họ gặp sự cố. Còn hiện tại, chúng tôi theo dõi mọi hoạt động 24/7, biết chính xác tọa độ tàu bị nạn, nắm được quanh đó có bao nhiêu tàu khác đang hoạt động, liên lạc để nhờ tàu bạn ứng cứu sớm. Sau đó, các lực lượng trên bờ sẽ khẩn trương thực hiện các công tác phối hợp, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cần thiết.

Nhìn chung, ngư dân Bình Định hiểu được giá trị của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Họ an tâm hơn với những hải trình mưu sinh dài ngày trên biển.

Xin cám ơn ông!

Trần Chung - Xuân Quý

Ảnh: Xuân Quý

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-thay-doi-lon-tren-ngu-truong-binh-dinh-2217317.html