Sư thầy xây hàng trăm cây cầu nông thôn

Từng được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận là 'Nhà sư vận động xây cầu và các công trình từ thiện nhiều nhất tỉnh Long An', suốt gần 30 năm qua, Đại đức Thích Lệ Tấn trụ trì chùa Giác Hoa (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đã vận động rồi kết hợp cùng chính quyền địa phương xây hàng trăm cây cầu.

Đại đức Thích Lệ Tấn bên một cây cầu sắp hoàn thành.

Đại đức Thích Lệ Tấn bên một cây cầu sắp hoàn thành.

Chúng tôi gặp Đại đức Thích Lệ Tấn vào giữa tháng 8 vừa qua. Nhìn ông vẫn mạnh khỏe và minh mẫn ở độ tuổi trên 70. Đại đức Thích Lệ Tấn cho biết, hiện nay ông vẫn chạy xe gắn máy hàng chục cây số tới các công trình cầu đang xây dựng để kiểm tra đôn đốc cũng như nắm tiến độ xây dựng các công trình này.

Đại đức Thích Lệ Tấn sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tân Thạnh, nơi được coi là “rốn” của vùng trũng thấp Đồng Tháp Mười. Từ nhỏ đã chứng kiến người dân phải chạy ghe, lội ruộng bì bõm mỗi mùa nước về vì đường sá bị chia cắt. Thế nên, dù đã xuất gia vào cửa chùa từ năm 13 tuổi, tâm nguyện về việc phải làm một điều gì đó cho quê hương, cho vùng đất mình sinh sống vẫn luôn thôi thúc ông. Nhờ các cơ duyên và phật tử gần xa có lòng hảo tâm quyên góp, Đại đức Thích Lệ Tấn bắt đầu thực hiện tâm nguyện xây dựng các cây cầu nông thôn ở địa phương. Ngoài việc quyên góp tiền từ thiện, nhà sư cũng kết hợp cùng chính quyền địa phương để xác định vị trí xây dựng, kết cấu, mô hình công trình cũng như thẩm định, đưa vào khai thác công trình.

Mặc dù không học hành qua trường lớp thiết kế xây dựng nhưng bằng tinh thần học hỏi nhiều năm qua, Đại đức Thích Lệ Tấn đã nắm được những nguyên tắc cơ bản của các công trình xây dựng cầu nông thôn có đặc thù riêng ở quê mình.

Anh Nguyễn Văn Nam, 38 tuổi ở xã Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho biết, từng cùng Đại đức Thích Lệ Tấn xây dựng một cây cầu dài 22m ở địa phương bắc qua kênh 6000 giúp bà con đi lại thuận tiện, các em nhỏ tới trường không phải lụy đò như trước.

“Do cầu ở đây dành cho người, xe đi bộ ở phía trên nhưng ghe thuyền cũng thường xuyên đi lại phía dưới. Vì vậy mình phải tính toán làm sao hài hòa cả đôi đường. Nhiều ghe thuyền lớn họ chở hàng rất cao, nếu cầu không phù hợp sẽ rất khó khăn.

Thế nhưng, Đại đức Thích Lệ Tấn đã tính toán kỹ, chia thành các nhịp chính, nhịp phụ vào điều chỉnh độ cong để ghe thuyền đi lại thuận tiện” - anh Nam chia sẻ và cho biết thêm, nhà sư Thích Lệ Tấn còn thiết kế và xây dựng một số cây cầu khác ở đây có đặc thù kênh ngang, đường dốc nhưng đã tính toán chia lối rẽ đảm bảo độ an toàn cao cho các phương tiện qua cầu.

Đại đức Thích Lệ Tấn tâm sự ông không thể nhớ hết các cây cầu mà bản thân đã xây dựng. “Mấy năm gần đây, mỗi năm tôi xây dựng khoảng 30 cây cầu ở Long An và Tiền Giang. Cầu nhỏ thôi nhưng đều là các công trình được khảo sát cẩn thận, do người dân địa phương đề xuất vì nhu cầu thực tế. Tôi cũng chỉ góp một phần nhỏ trong các công trình đó, còn công lớn là của phật tử khắp nơi đóng góp. Có người góp tiền, có người góp nguyên vật liệu xi măng, sắt thép, cát, đá…

Đặc biệt hầu hết các công trình này đều có sự đóng góp của chính nhân dân trong vùng đó. Có dự án cầu chỉ xây dựng một tuần là xong vì hàng trăm người dân bỏ công sức lao động cùng nhau làm. Cầu ở đây quan trọng với bà con lắm, nhất là các em nhỏ tới mùa khai trường như bây giờ” - Đại đức Thích Lệ Tấn cho biết.

Theo ông Hà Thanh Chì - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh (Long An) cho biết, từ năm 2020 tới nay Đại đức Thích Lệ Tấn đã vận động phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng, sửa chữa khoảng 90 cây cầu ở địa phương với nguồn vốn khoảng 33 tỷ đồng. Trong đó có một cây cầu khá lớn dài 70 mét trị giá 1,6 tỷ đồng, giúp nhiều người dân lưu thông được thuận tiện.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/su-thay-xay-hang-tram-cay-cau-nong-thon-10289127.html